Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó COVID-19 và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống; tình hình Myanmar có bất ổn. Sau nhiều nỗ lực trao đổi, tham vấn, ASEAN nhất trí tổ chức Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN trao đổi về tình hình Myanmar, tiến trình xây dựng Cộng đồng, ứng phó dịch COVID-19 và quan hệ đối ngoại của ASEAN…
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong giải quyết các thách thức nổi lên, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.
Chuyến công tác cũng khẳng định Việt Nam nỗ lực đóng góp tích cực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiếp nối các kết quả đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; khẳng định cam kết, trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Việt Nam với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4/2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ASEAN phát huy vai trò trung tâm, là cầu nối giữa ASEAN với Hội đồng Bảo an để đảm bảo thông tin khách quan, cân bằng, hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn.
Linh hoạt, chủ động, thích ứng
Năm 2020, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam với vai trò nước Chủ tịch, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp 3 lần trong năm, thay vì 2 lần theo thông lệ. Nhiều hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.
Với những thành công trong năm 2020, vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam, ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao; là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, nhất là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương. Thành công của ASEAN đã mang lại những bài học quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.
Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Những nỗ lực và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 được các nước ASEAN và các đối tác ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta.
Đẩy mạnh hợp tác ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế
Trong năm 2020, trên cơ sở đề xuất của Việt Nam và Thái Lan, Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 được các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức thành lập từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-36 (26/6/2020). Đến nay, đã có 14 nước ủng hộ cho Quỹ với số tiền 16,5 triệu USD.
Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN là sáng kiến do Việt Nam nêu tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó COVID-19 (14/4/2020). Tới nay, ASEAN đã hoàn tất việc xây dựng tài liệu hướng dẫn, vận hành của kho. Dự kiến lãnh đạo ASEAN sẽ chính thức công bố thành lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-37. Cũng tại hội nghị cấp cao đặc biệt này, các lãnh đạo ASEAN đã quyết định ASEAN sẽ xây dựng Khuôn khổ chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Với sự hỗ trợ tài chính 50 triệu USD của Nhật, ASEAN sẽ thành lập Trung tâm ASEAN về ứng phó dịch bệnh mới nổi và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Trung tâm nhằm mục đích nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó của ASEAN đối với dịch bệnh mới nổi và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Việc xác định nước đăng cai trung tâm, xây dựng lộ trình thành lập, quy trình vận hành sẽ được ASEAN tiếp tục thảo luận trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-36 (26/6/2020), các lãnh đạo ASEAN đã quyết định tăng cường các nỗ lực của ASEAN nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN. ASEAN đã hoàn tất Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai.
Khung phục hồi tổng thể ASEAN đang được triển khai tích cực, đến cuối tháng 3/2021, đã có 22/184 sáng kiến đã được hoàn tất, 82 sáng kiến đang được triển khai (trong đó 59 sáng kiến hoàn tất 1 phần), 21 sáng kiến chưa triển khai trong năm 2021.
Trong khi đó, hành lang đi lại ASEAN là sáng kiến mới được Indonesia đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong nội khối ASEAN, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Sáng kiến này cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của ASEAN.
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội |
Định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với 3 kế hoạch tổng thể về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-27 (21/11/2015).
Đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được ASEAN triển khai vào năm giữa kỳ 2020. Tới nay, 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội đã hoàn tất đánh giá việc triển khai giữa kỳ, trong đó kiểm điểm triển khai các dòng hành động, đồng thời đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc triển khai tiếp các dòng hành động còn vướng mắc, chưa được thực hiện.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-36 (26/6/2020), trong năm giữa kỳ 2020, thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ASEAN đã tiến hành xây dựng Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 nhằm định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những phát triển nhanh chóng và phức tạp của tình hình khu vực và thế giới.
Tuyên bố đề cao mục tiêu, nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực của ASEAN; đề ra định hướng, cách thức, lộ trình xây dựng Tầm nhìn; và thúc đẩy phối hợp và tương hỗ giữa các trụ cột, các lĩnh vực của ASEAN với cách tiếp cận tổng thể của cả Cộng đồng.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-37, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố cũng như đưa ra chỉ đạo để triển khai Tuyên bố.
Triển khai chỉ đạo của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN ngày 8/9/2020 (cơ chế điều phối liên trụ cột của bộ trưởng ngoại giao ASEAN), các nước ASEAN đã nhất trí cần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy phát triển tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong. Việc gắn kết hợp tác tiểu vùng với các tiến trình của ASEAN nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN, tăng cường kết nối khả năng cạnh tranh của khu vực, không để khu vực nào bị bỏ lại phía sau trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar
Trước tình hình phức tạp gần đây ở Myanmar, các nước ASEAN đều theo dõi sát, thể hiện quan tâm và lo ngại; nhất trí ASEAN cần phát huy vai trò và tiếng nói, tìm cách tham gia hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường.
Chiều 1/2, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Brunei đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar, trong đó khẳng định các nước ASEAN theo dõi sát diễn biến tình hình tại Myanmar; nhắc lại các mục tiêu, nguyên tắc đã thống nhất trong Hiến chương ASEAN, bao gồm nguyên tắc dân chủ, thượng tôn pháp luật và quản trị tốt, bảo vệ quyền và tự do cơ bản của con người; khẳng định ổn định chính trị tại các nước thành viên có ý nghĩa thiết yếu đối với việc đạt được Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng; khuyến khích đối thoại, hòa giải và trở lại tình trạng bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.
Ngày 2/3, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (IAMM) không chính thức đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ngoài một số vấn đề liên quan tới xây dựng Cộng đồng, hợp tác ứng phó với COVID-19 và quan hệ đối ngoại, IAMM đã dành nhiều thời gian để trao đổi về tình hình Myanmar. Sau khi nghe đại diện Myanmar thông báo, các nước đã phát biểu nhấn mạnh tình hình bất ổn tại Myanmar ảnh hưởng lớn tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ của nước này mà còn cả Cộng đồng ASEAN; bày tỏ quan ngại sâu sắc với tình hình và diễn biến gần đây; kêu gọi kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, sớm tiến hành đối thoại xây dựng để tìm giải pháp hòa bình tiến tới hòa giải vì lợi ích và cuộc sống của người dân; khẳng định ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar trở lại tình trạng bình thường.
Về phần mình, Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về tình hình gần đây tại Myanmar, khẳng định ủng hộ việc áp dụng các phương thức của ASEAN trong tiếp cận tình hình Myanmar, mong muốn Myanmar sớm ổn định.
Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar ngày 1/2, cũng như trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về kết quả Hội nghị không chính thức bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 2/3, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN; ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình ở Myanmar sớm trở lại bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hoà bình để giải quyết các bất đồng. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên tích cực phối hợp hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua khó khăn hiện nay vì hòa bình, hòa giải và ổn định tại khu vực.
Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng đã thông tin, cập nhật cho Hội đồng Bảo an về những nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar. Trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an (4/2021), Việt Nam cũng có những bước đi chủ động tại Hội đồng Bảo an, thông tin tích cực về các hoạt động của ASEAN.
Hà Văn/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã