Học tập đạo đức HCM

Chuyện dồn thửa đổi ruộng ở Phú Đa

Thứ năm - 16/07/2020 22:12
Xác định dồn thửa đổi ruộng là việc làm khó, nhưng khi thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề đưa sản xuất nông nghiệp vươn xa nên ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện Vĩnh Tường, Đảng ủy xã Phú Đa đã khẩn trương triển khai các bước tới từng thôn, từng hộ gia đình, mục tiêu là dồn từng ô nhỏ, thửa nhỏ thành những mảnh ruộng lớn, có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Và rồi, sau bao vất vả, khó khăn, giờ đây, thành quả thu về cho địa phương là những cánh đồng trải dài, to rộng, góp phần đem lại những mùa vàng bội thu.

“Càng khó, càng quyết tâm thực hiện”

Đó là lời tâm sự của các bí thư chi bộ, trưởng thôn - những người đã sát cánh cùng chính quyền địa phương vượt qua bao khó khăn, vất vả đưa Phú Đa hoàn thành công tác dồn thửa đổi ruộng đúng tiến độ đề ra. Bởi lẽ, muốn vận động được 989 hộ gia đình của 6 thôn cùng đồng lòng chuyển đổi từ trung bình 12,75 thửa/hộ để chỉ còn 2 - 3 thửa/hộ không phải chuyện dễ dù bước đầu có nhiều thuận lợi, có sự đồng thuận cao của nhân dân: Số hộ xác nhận phiếu điều tra hiện trạng sử dụng đất trên toàn xã đạt 97%, tỷ lệ các hộ ký xác nhận bản cam kết dồn thửa đổi ruộng đạt 96%. Tuy nhiên, khi chuẩn bị họp dân để thống nhất hệ số K, phương án chia ruộng để gieo cấy vụ xuân hè kịp thời vụ thì nhân dân các thôn nhất quyết không tham gia họp để bàn bạc, thống nhất phương án dồn thửa đổi ruộng hoặc tham gia họp nhưng không bảo đảm số lượng theo quy định. Nguyên nhân là do người dân đề nghị trước khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng phải giải quyết các nội dung: Chia hết toàn bộ diện tích đất công ích để lại vượt quá 5%; làm rõ quỹ đất 863 và chia trả cho nhân dân; làm rõ địa giới hành chính giữa xã Phú Đa với xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh. Đồng thời, đề nghị phá dỡ các trang trại hiện hữu, san gạt mặt bằng để thực hiện dồn thửa đổi ruộng; chia diện tích giáp kênh N1, N2; xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai ven làng, ven lũy.

Chủ động nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người dân để tìm hướng giải quyết
phù hợp là cách làm giúp Bí thư chi bộ thôn Đông Nguyễn Thị Ghi
thành công trong vận động nhân dân dồn thửa đổi ruộng

Nhớ lại những tháng ngày dầm mưa, dãi nắng đến “quên” cả ốm đau vì công tác dồn thửa đổi ruộng, ông Lê Đức Dự, Bí thư chi bộ thôn Yên Định bảo: "Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ dồn ghép 70 ha ruộng đất của 202 hộ để giảm từ 7 - 11 thửa xuống chỉ còn 1 - 3 thửa, các thành viên trong tiểu ban ai cũng tưởng “ngon ăn lắm” vì triển khai đến bước 4 gần như chả gặp khó khăn gì. Ấy thế mà khi tới bước 5, họp dân để thống nhất hệ số K và phương án chia ruộng, khó khăn mới bắt đầu bộc lộ. Có thời điểm, một ngày, tiểu ban tổ chức tới 5 cuộc họp, bản thân tôi cũng phải đi tới 11 - 12 giờ đêm để vận động, thuyết phục, nhưng mời họp thì người dân không đi, đến nhà thì họ đóng cửa không tiếp, thậm chí ngay chính anh em họ hàng cũng kịch liệt phản đối, đến tận nhà rồi ra đồng chửi bới… Khó khăn là vậy nhưng chưa khi nào nản lòng cả, có hôm thời tiết thay đổi, tôi nằm bệt cả buổi sáng không dậy nổi nhưng khi lãnh đạo xã gọi lên triển khai công việc là bật dậy đi ngay, quên luôn cả ốm".

Cũng trải qua những chuyên chẳng khác ông Dự là mấy, Bí thư chi bộ, Trưởng tiểu ban dồn thửa đổi ruộng thôn Trung Nguyễn Kiêm Hải kể: "Hôm ấy, tôi đang chủ trì cuộc họp tiểu ban, có cả lãnh đạo huyện, xã về dự vậy mà ông anh họ từ đâu xông vào chỉ thẳng mặt chửi bới, đe dọa, đưa ra hàng loạt những yêu cầu vô lý đòi giải quyết. Còn chuyện đi ăn cỗ người ta đang ngồi thấy mình đến đứng dậy bỏ đi, nhà có cỗ mời họ hàng không thèm đến, rồi dọa khi chết sẽ không ai đến đưa ma… để gây áp lực thì nhiều không kể xiết. Thế nhưng, bản thân đã được cấp trên tuyên truyền, nhất là được đưa đi tham quan học tập ở những địa phương đã thực hiện thành công, tận mắt thấy được những lợi ích thiết thực mà dồn thửa đổi ruộng mang lại cho người nông dân khiến tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Lúc nào cũng tự nhủ khi thành công rồi thì không chỉ cho đời mình mà còn cho đời con, rồi đến cháu mình hưởng nên dù có khó khăn, trở ngại tôi vẫn cứ cố động viên anh em trong tiểu ban cùng nhau cố gắng."

Nở nụ cười thật tươi khi nghe chúng tôi hỏi về kinh nghiệm bản thân rút ra được trong quá trình thực hiện dồn ghép gần 20 ha đất ruộng của 163 hộ trong thôn để từ 18 - 24 thửa/hộ giờ trung bình mỗi hộ chỉ còn từ 1 - 3 thửa lớn, có những thửa rộng tới gần 9.000m2, Bí thư chi bộ thôn Đông Nguyễn Thị Ghi tâm sự: "Sau bao năm làm công tác y tế tại địa phương, cuối năm 2015, về nghỉ hưu theo chế độ thì năm 2017, tôi được bầu làm bí thư chi bộ thôn đúng thời điểm địa phương đang dồn sức về đích nông thôn mới. Khi đó, cả xã chỉ còn lại duy nhất 1 con ngõ nhỏ thuộc địa phận thôn Đông nằm sát nhà văn hóa xã chỉ dài chừng 220 m chưa thể đổ bê tông do người dân không đồng thuận. Sau khi thăm nắm tình hình, tôi đã chọn hình thức vận động là chủ động gần gũi, nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của những người đang chống đối, từ đó, tìm hướng giải quyết phù hợp để họ tin tưởng, ủng hộ phương án đổ bê tông con đường. Cũng từ đây, tôi đã rút ra bài học sâu sắc muốn đảng viên, nhân dân tin tưởng, tín nhiệm, trước hết bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, luôn gần gũi, hiểu và bám sát tình hình cơ sở nên hơn 2 năm đảm đương nhiệm vụ bí thư chi bộ, mọi việc rất suôn sẻ. Thế mà khi triển khai công tác dồn thửa đổi ruộng vẫn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, không ít lần còn mất ăn mất ngủ, giật mình mỗi khi nghe chuông điện thoại đổ, thậm chí cảm thấy bế tắc, bất lực vì đã dùng đủ mọi cách mà chưa thể lấy được sự đồng thuận của người dân. Nhớ nhất là vào ngày 28/3/2019, khi tổ chức họp bàn phương án chia ruộng, thôn mời cả lãnh đạo huyện và xã xuống họp nhưng trong số 163 hộ có ruộng chỉ đúng 3 hộ đến, rất nhiều người dân chỉ đi bên ngoài nghe ngóng mà dứt khoát không chịu vào họp khiến tôi buồn đến phát khóc. Nhưng khi nỗi buồn qua đi, tôi lại tự động viên mình không thể bỏ cuộc, phải dành thời gian nhiều hơn nữa, thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân để gỡ gần từng nút thắt."

Chẳng riêng ông Dự, ông Hải hay bà Ghi, trong chuyến công tác về địa phương, chúng tôi đã may mắn được gặp gỡ, nghe không ít những người từng trực tiếp đứng mũi chịu sào chia sẻ về hành trình đầy khó khăn, vất vả họ đã trải qua... Dẫu rằng, mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm họ kể chẳng hề giống nhau nhưng tựu chung lại, xuyên suốt trong những câu chuyện ấy chính là quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, là sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị để góp phần làm nên thành công trong công cuộc dồn thửa đổi ruộng nơi đây. 

Cho những mùa vàng bội thu…

Đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng có bờ vùng, bờ thửa to rộng cùng hệ thống kênh mương tưới tiêu được xây dựng kiên cố đúng thời điểm người dân đang khẩn trương thu hoạch nốt diện tích lúa chiêm xuân để bước vào gieo cấy vụ mùa, ông Trần Xuân Đình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã phấn khởi chia sẻ: "Sau những khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng chừng sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành kế hoạch song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến, xã, thôn và sự ủng hộ của nhân dân, công tác dồn thửa đổi ruộng của địa phương đã gặt hái được những thành công bước đầu. Sau dồn thửa đổi ruộng, xã còn 2.345 thửa, giảm 10.263 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,66 thửa. Phú Đa trở thành xã thứ ba hoàn thành  nhưng lại là địa phương có tổng diện tích dồn thửa đổi ruộng nhiều nhất với 390,6 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích đã dồn thửa đổi ruộng toàn huyện. Nhưng có lẽ, cái được lớn nhất là sự thay đổi tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của những người nông dân bao năm vốn đã quen với phương thức sản xuất truyền thống. Ngay trong những vụ đầu tiên gieo trồng sau dồn thửa đổi ruộng, nhiều cánh đồng ở Phú Đa đã áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu, từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, năng suất cây trồng cũng cao hơn hẳn các vụ trước nên bà con nông dân ai cũng phấn khởi, thấy được lợi ích thiết thực mà chủ trương này đem lại.

Sau dồn thửa đổi ruộng, người dân Phú Đa làm nông nghiệp "khỏe re"
nhờ đưa cơ giới hóa được đưa vào sản xuất

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Bí thư chi bộ thôn Gồ - thôn có số diện tích dồn thửa đổi ruộng lớn nhất xã và cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình dồn thửa đổi ruộng, giờ đây, không ít những người đã từng kịch liệt phản đối chủ trương dồn ghép ruộng đất đã phải thay đổi cách nhìn và thừa nhận mình đã phản ứng nóng vội. Bởi lẽ, sau khi được bàn giao đất tại thực địa, trong những vụ đầu tiên, gần như 100% diện tích đồng ruộng đã được người dân trong thôn phủ kín bằng cây lúa, ngô, đậu tương và những loại rau màu ngắn ngày cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trước. Chỉ riêng cây lúa, vụ xuân 2020, bà con nông dân trong xã đã gieo cấy hơn 290 ha với những cánh đồng rộng, vuông vắn, ruộng nào cũng tiếp giáp đường lớn, xe thồ, máy gặt đập vào đến tận ruộng, tiếp giáp kênh mương tưới tiêu... thuận lợi cho gieo trồng cũng như thu hoạch và chủ động đưa các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao TBR225, Thiên ưu 8, Lúa Nhật J02, J03 vào gieo trồng. Nếu như trước đây, trung bình năng suất lúa chỉ đạt trung bình 1,8 tạ/sào thì trong vụ này, dù thời tiết không thuận lợi song năng suất lúa vẫn đạt từ 2,3 -2,5 tạ/sào.

Không còn phải chịu cảnh “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” bởi giờ đây, vẫn trên cánh đồng này mọi công đoạn từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đều được máy móc làm thay, người nông dân chỉ việc đứng trên bờ quan sát, chờ chở thóc về nhà. Chị Nguyễn Thị Đông, thôn Trung, xã Phú Đa cười tươi khoe: “Vụ xuân này, gia đình tôi thu hoạch được 30 bao thóc, ước khoảng 2,4 tạ/sào. Ưng nhất là sau khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng, từ chỗ có tới hơn 10 thửa rải khắp các xứ đồng nay dồn lại chỉ còn 2 thửa, thuê máy gặt đật liên hoàn thu hoạch chưa đến 2 buổi sáng đã xong, tiết kiệm được rất nhiều nhân lực và thời gian so với trước đây”.

Về Phú Đa đúng mùa thu hoạch lúa, chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của người nông dân nơi đây khi được canh tác trên những thửa ruộng lớn, bằng phẳng, có thể kết hợp đồng bộ nhiều loại cơ giới vào sản xuất mới thấy hết ý nghĩa của việc dồn thửa đổi ruộng. Vụ Đông Xuân năm 2020, hơn 300 ha đất nông nghiệp của Phú Đa đã được phủ xanh bởi những cánh đồng lúa như một minh chứng cho thấy sự đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang được đền đáp xứng đáng. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ có những vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Trần Xuân Đình cho biết: "Dù đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác dồn thửa đổi ruộng, song trên thực tế, địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thu hút được các dự án nông nghiệp công nghệ cao; giá cả thị trường luôn biến động, bệnh dịch diễn biến phức tạp… đang là những nguyên nhân chính khiến một bộ phận người dân sau khi nhận ruộng chưa thực sự mặn mà với việc gieo cấy, nhất là vụ mùa. Để giải bài toán này, trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, chúng tôi đã xác định dồn thửa đổi ruộng chính là tiền đề quan trọng không chỉ giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác mà còn góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với địa phương trong thời gian tới là sẽ quản lý tốt quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi sau công tác dồn thửa đổi ruộng nhằm thu hút đầu tư các mô hình, dự án trồng trọt và chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa an toàn. Khuyến khích đưa khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản để tăng năng xuất, chất lượng như: Dịch vụ máy cấy, làm đất, máy sục oxi, máy cho cá ăn; phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh việc chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sẽ tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế từ dồn thửa đổi ruộng nhằm đưa giá trị thu nhập bình quân  mỗi ha canh tác đạt 100-110 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 65-70 triệu đồng."

Bích Phượng

Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập191
  • Hôm nay33,172
  • Tháng hiện tại341,940
  • Tổng lượt truy cập92,719,604
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây