Học tập đạo đức HCM

Đảm bảo thông suốt xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Thứ tư - 02/06/2021 07:19
Cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc sẽ nỗ lực cao nhất, thuận lợi nhất nhằm đảm bảo thông suốt cho xuất khẩu nông sản, nhất là xuất khẩu vải thiều sắp tới.

Vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, xuất khẩu

“Chống dịch là khâu tiên quyết phải thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần làm điều này song song với phát triển kinh tế, đặc biệt là tiêu thụ nông sản. Đại sứ quán Trung Quốc cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, các ban ngành hữu quan để tiêu thụ nông sản, không để xẩy ra vướng mắc do Covid-19”, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết tại Lạng Sơn.

Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã 2 lần gọi điện, gửi công thư tới sứ quán Trung Quốc, tìm cách tiêu thụ nông sản, tránh để nông dân chịu thiệt thòi do ảnh hưởng Covid-19. Ngày 8/6, Bắc Giang cũng sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại nông sản.

Tại đây, Bắc Giang và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, doanh nghiệp Việt – Trung sẽ bàn giải pháp để đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc được thông suốt từ đầu đến cuối vụ thu hoạch. Trước đó, tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức hội nghị tương tự.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (giữa) trao đổi cùng ông Hồ Tỏa Cẩm (trái), Tham tán Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tại cửa khẩu Tân Thanh ngày 2/6. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (giữa) trao đổi cùng ông Hồ Tỏa Cẩm (trái), Tham tán Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tại cửa khẩu Tân Thanh ngày 2/6. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Hồ Tỏa Cẩm cũng khẳng định, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã rốt ráo thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông tiêu thụ nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc từ nhiều tháng gần đây.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đã và sẽ thực hiện 4 điểm cầu trực tuyến, tại Nam Ninh, Bằng Tường, Côn Minh, Hà Khẩu, và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tham gia hội nghị. Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam, chúng tôi luôn mong muốn các bạn xuất khẩu nông sản nhiều hơn nữa”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Trong buổi làm việc tại Lạng Sơn, tìm hiểu tình hình tại 2 cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết sẽ gửi công văn tới các tỉnh, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và sang các thị trường khác.

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại Bảo Nguyên, đơn vị vận hành bến xe Tân Thanh, gần cửa khẩu xuất khẩu nông sản chính của Lạng Sơn cho biết 2 ngày 1/6 và 2/6, số lượng xe chở nông sản tăng mạnh, song không có ùn ứ tại các luồng hàng.

Đơn vị cũng đã bố trí luồng nhập, xuất riêng cho vải thiều Bắc Giang, phối hợp cùng các cơ quan chức năng Lạng Sơn, Bắc Giang, tránh tối đa ùn ứ tại cửa khẩu như những năm trước.

Theo thống kê của Công ty Bảo Nguyên, ngày 1/6, làn xuất có 100 xe, làn nhập có 19 xe Trung Quốc. Ngày 2/6, làn xuất là 174 xe, làn nhập là 12 xe Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết theo thống kê 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu nông sản gồm 8 loại quả và thạch đen sang Trung Quốc tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020, gồm chôm chôm tươi, chuối tươi, dưa hấu tươi, mít quả tươi, nhãn quả tươi, thanh long quả tươi, vải quả tươi, xoài quả tươi, thạch đen khô và tinh bột thạch đen khô.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Bá Thắng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, mặt hàng vải thiều quả tươi hiện được cơ quan hải quan đưa vào danh mục mặt hàng ưu tiên, gần như không phải kiểm tra thực tế, chủ yếu thực hiện kiểm tra sau thông quan.

Do vậy, tính cả thời gian làm thủ tục, mỗi xe chở vải quả tươi xuất khẩu chỉ mất khoảng 3 phút là qua được cửa khẩu.

Không chỉ lực lượng tại cửa khẩu, thời gian này, lực lượng Công an Lạng Sơn cũng xây dựng phương án chi tiết nhằm phân luồng, hướng dẫn, điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc trên các tuyến đường đến cửa khẩu, trên các quốc lộ.

Cần tạo thuận lợi cho lái xe đã tiêm đầy đủ vacxin phòng Covid-19

Kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Lạng Sơn, thành lập 1 khu tập trung các lái xe chở vải trước khi tới biên giới. Hi vọng các địa phương khác sẽ có những giải pháp chủ động tương tự, để tiêu thụ những nông sản chủ lực trên địa bàn...

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, kim ngạch xuất khẩu của Lạng Sơn 5 tháng đầu năm 2021 tăng 40%, đạt 2 tỷ USD. Như vậy có thể thấy xuất khẩu ở Lạng Sơn rất thuận lợi.

Thứ trưởng Nam cho biết để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn công tác đi các vùng nguyên liệu chủ lực, vùng cửa khẩu để rà soát, tháo gỡ khó khăn.

“Hôm nay đến Lạng Sơn, chúng tôi kiểm tra cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Hữu Nghị, thấy thủ tục tương đối thuận lợi. Theo báo cáo, cửa khẩu Tân Thanh có 300 xe thông quan mỗi ngày, còn Hữu Nghị là 1.000 xe. Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, các đơn vị liên quan thuộc Bộ phải trực 24/24, để giúp đỡ doanh nghiệp bất cứ khi nào có vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”, ông Nam nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết sau khi trao đổi với Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ NN-PTNT nhận thấy hiện nay, đã có vacxin ngừa Covid-19. Do đó, các lái xe đã tiêm phòng đầy đủ vacxin Covid-19 thì cần nghiên cứu cấp hộ chiếu thông hành cho lái xe. Điều này sẽ giúp các lái xe đỡ phải phiền toái khi phải thực hiện cách ly y tế. 

Luồng vào dành riêng cho xe chở vải thiều xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Bá Thắng. 

Luồng vào dành riêng cho xe chở vải thiều xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Bá Thắng. 

Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn, bà Đoàn Thu Hà cho biết: Ngay từ khi đợt bùng phát dịch Covid-19 xảy ra cuối tháng 4/2021, tỉnh đã xây dựng một loạt phương án từ vận chuyển, quy trình xuất khẩu, cho tới kết nối với các địa phương trong cả nước. Lạng Sơn cũng giữ liên lạc với các cơ quan chức năng phía tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc nhằm đảm bảo hàng hóa xuất khẩu không bị ùn tắc.

Lạng Sơn cũng đã kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan áp dụng cấp hộ chiếu vacxin với lái xe vận chuyển hàng hóa đã tiêm phòng đầy đủ vacxin Covid-19 nhằm thuận lợi thông quan.

Với riêng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) sắp vào chính vụ, Lạng Sơn đã trao đổi với tỉnh Quảng Tây và thống nhất được quy trình vận chuyển, phun khử khuẩn phương tiện, xét nghiệm lái xe… Sau đó, Lạng Sơn đã chuyển lại quy trình cho tỉnh Hải Dương, Bắc Giang.

“So với tiêu thụ trong nước, phía Trung Quốc yêu cầu cao hơn rất nhiều. Vì thế, Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp và hợp tác xã trong nước thực hiện giao thương hàng hóa theo hợp đồng thương mại, nhằm giảm thiệt hại không đáng có”, bà Hà nói.

Làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, các ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh trao đổi, phối hợp với cơ quan chức năng của Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu của Trung Quốc, tăng thời gian cho phép thông quan, làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Lạng Sơn cũng đã đề nghị cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng thực hiện phân luồng, ưu tiên cho mặt hàng hoa quả tươi, trong đó có vải thiều quả tươi xuất khẩu. Với các biện pháp đang triển khai, tỉnh Lạng Sơn đang đồng hành cùng các tỉnh bạn để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm vải thiều quả tươi.

Các cơ quan, các lực lượng chức năng của Lạng Sơn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sản phẩm vải thiều quả tươi khi thực hiện xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Theo Văn Việt – Bảo Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/dam-bao-thong-suot-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-d292837.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Hôm nay29,332
  • Tháng hiện tại937,755
  • Tổng lượt truy cập89,616,089
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây