Trong không khí chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2021, chúng tôi trở lại thăm xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) - quê hương của nữ anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Út mà nhân dân quen gọi với cái tên thân thương chị Út Tịch.
Chúng tôi được nghe kể về vị nữ anh hùng Nguyễn Thị Út cũng như sự đổi thay rất lớn về đời sống kinh tế của người dân Tam Ngãi. Nữ anh hùng của đất Tam Ngãi nổi tiếng với những câu nói “…còn cái lai quần cũng đánh” hay “đánh giặc sướng bằng tiên chứ cực gì”.
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tam Ngãi không ngừng phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và hôm nay lại tiếp tục phát huy truyền thống đó trong xây dựng quê hương. Hình ảnh những con đường nông thôn mới (NTM) sạch đẹp đầy hoa hai bên, những ngôi nhà bê tông khang trang, những người dân đang tất bật công việc vườn tược… gợi cho chúng tôi đời sống sung túc của người dân nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Hồng Nhiên - Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi cho biết: “Học tập và làm theo tấm gương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong xã không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Thu nhập của người dân trong xã không ngừng được nâng cao. Năm 2018, khi được công nhận là xã NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,75 triệu đồng. Đến cuối năm 2020, thu nhập của người dân trong xã đã hơn 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 2%”.
Là địa phương có thế mạnh về phát triển vườn cây ăn trái, Tam Ngãi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Qua đó, địa phương đã cải tạo diện tích vườn cây già cổi chuyển sang trồng xoài, bưởi, thanh long... Kết hợp với xen canh các loại màu dưới tán cây ăn trái theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài” đã thực sự mang lại hiệu quả cho nông dân, gấp 4 - 5 lần so với trước đây.
Đi dọc theo tuyến đường liên ấp vào ấp Bưng Lớn A, chúng tôi cảm nhận được sự chăm chỉ cần cù của người dân nơi đây. Đập vào mắt chúng tôi là những vườn cây tươi tốt, trái sai trĩu cành. Vườn tược được nông dân chăm sóc rất kỹ lưỡng. Nơi đây, hầu như trái cây gì cũng có. Hơn hết, chúng tôi không hề thấy một mảnh đất nào bị bỏ hoang. Vườn cây cũng không tạp nham nhiều thứ, bà con trồng chuyên canh tác khoa học, hiệu quả.
Dừng chân lại vườn xoài 8 công của anh Tâm, chúng tôi tìm hiểu về đời sống của nhân tuyến đường này. Theo anh Tâm, tuyến đường này mới mở gần đây nên chưa có nhiều nhà. Trước đây, xã Tam Ngãi chỉ trồng lúa nhưng từ khi chuyển sang trồng cây ăn trái đời sống của bà con khấm khá lên hẳn. Xung quanh đây không có nhà mái lá nữa, chỉ toàn nhà kiên cố, khang trang. Chúng tôi ngạc nhiên hơn khi anh Tâm cho biết, ở tuyến đường nông thôn vùng sâu cách thị trấn gần cả chục cây số như thế này mà có trên chục nhà có xe hơi. Còn xe máy thì khỏi nói, mỗi nhà có từ một đến hai chiếc.
Anh Tâm cho biết: “Thời gian gần đây, nhà nước đầu tư đường giao thông rộng rãi thương lái đến tận vườn mua hàng, nhà vườn bán được giá hơn. Đặc biệt, từ khi có cái cống Bông Bót, Tân Dinh (Bộ NN-PTNT đầu tư) ở đây không còn cảnh nước mặn nữa, không chỉ có nước sinh hoạt mà nước cho tưới cây, chăn nuôi cũng rất đảm bảo. Vườn xoài của tôi năm nào cũng cho thu nhập vài trăm triệu. Cuộc sống nông thôn bây giờ tiện nghi không khác gì ở chợ”.
Ông Lê Văn Tiếp, hội viên Cựu chiến binh ấp Bưng Lớn A, xã Tam Ngãi phấn khởi nói: “Địa phương khi triển khai làm công trình giao thông, thủy lợi nếu gắn với nhu cầu cần thiết của người dân thì nhân dân hưởng ứng, đồng tình ngay thôi. Điển hình như công trình lộ nhựa Bưng Lớn A, hàng trăm hộ dân từ xưa đến nay trông chờ có được tuyến đường này, trước đây phải đi đường mòn hay “quá giang” qua tuyến lộ đan của Bưng Lớn A-Bưng Lớn B, nên rất bật tiện và vận chuyển hàng hóa cũng khó khăn do mặt đường đan nhỏ. Khi công trình lộ nhựa triển khai và đi qua phần đất vườn của gia đình gần 2.000m2 nhưng gia đình đã tự nguyện hiến đất, đốn cây ăn trái để công trình triển khai. Qua đó, đã tạo cho cộng đồng cùng có ý thức, trách nhiệm tham gia cùng với Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cho người dân.”
Rời khỏi ấp Bưng Lớn A, chúng tôi đến ấp Ngọc Hồ gặp bà Thạch Thị Hiền, một người dân chứng kiến sự đổi thay của quê hương Tam Ngãi. Bà Hiền nói: Bây giờ, đời sống của người dân khá phát triển. Các mô hình kinh tế được đầu tư nhân rộng. Nhiều chính sách của Nhà nước được đầu tư, triển khai đến với người dân, đặc biệt là đối với nghèo, hộ khó khăn từng bước được đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà ở và vốn sản xuất… Bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay rất lớn khi xã được công nhận hoàn thành xã văn hoá - NTM. Cảnh quan môi trường được các cấp, các ngành và người dân quan tâm thực hiện nâng cấp, tu sửa như trồng hoa, lắp đèn chiếu sáng các tuyến đường liên ấp…
Bà Trần Thị Hồng Nhiên cho biết thêm: Hiện nay, xã Tam Ngãi là một trong 3 xã của huyện Cầu Kè đang thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Thời điểm này, xã đã đạt phần lớn các tiêu chí. Phấn đấu đến tháng 10 này, Tam Ngãi sẽ được công nhận xã NTM nâng cao.
Thật vậy, tuyến đường huyện lộ qua xã đang được cấp tỉnh, huyện đầu tư xây dựng khang trang hơn nữa. Đương buổi ban trưa, trời nắng chang chang đổ lửa nhưng một nhóm công nhân đang hối hả xúc từng xô hồ (vữa) thi công cho kịp tiến độ công trình để Tam Ngãi hoàn thành tiêu chí giao thông chờ ngày được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội trên địa bàn xã Tam Ngãi 1.019,7 tỷ đồng, đạt 133,7% so Nghị quyết. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 4.009,86 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,74%/năm, đạt 121,67% so Nghị quyết.
Tỷ lệ hộ nghèo từ 4,17% năm 2015 giảm còn 1,96% năm 2020. Hiện toàn xã có 64 mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 05 mẹ còn sống và đang được các tổ chức trong tỉnh, huyện phụng dưỡng.
Quê hương Trà Vinh giờ đây đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Đặc biệt là giao thông. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hầu như trái nhựa nóng, mặt đường rất đẹp, khang trang giao thông rất thuận tiện. Không khí xây dựng NTM ở địa phương đang lên cao. Đến nay, Trà Vinh dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần, quyết tâm cao Trà Vinh đặt mục tiêu thời gian tới đứng vào hàng ngũ những tỉnh phát triển hàng đầu ở khu vực, “Trung tâm công nghiệp chế biến”, “Trung tâm giao thương”, “tỉnh nông thôn mới”.
Riêng trong xây dựng NTM, Trà Vinh đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Hội đồng Trung ương thẩm định, đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Càng Long đạt chuẩn NTM và thành phố Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM năm 2021. Đến nay, toàn tỉnh có 69 xã, 87,9% ấp và 91,8% hộ đạt chuẩn NTM và xã Phú Cần đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian tới Trà Vinh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong đó đặc biệt quan tâm đến nâng cao chỉ số PCI, nâng chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 23 chỉ tiêu chủ yếu và các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Tỉnh ủy, trong đó, xác định vùng kinh tế biển là quan trọng, công nghiệp năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua chuyên đề đã phát động nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “xây dựng nếp sống văn hóa công sở”, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật…
Theo Minh Đảm/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/doi-thay-tren-que-huong-chi-ut-tich-d289107.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã