Krông Pa chính là địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh Gia Lai, với khoảng 70.000 con, chủ yếu là giống bò cỏ địa phương. Tận dụng lợi thế này cùng khí hậu nắng nóng, bà con ở vùng "chảo lửa" Krông Pa đã làm nên món bò một nắng đậm đà hương vị của núi rừng Tây Nguyên.
Để đặc sản bò một nắng đậm vị, đồ chấm không đơn giản là muối thường mà phải là muối kiến vàng. Theo đó, để có được muối kiến này, người dân đã mua của người dân tộc thiểu số hoặc thuê họ đi lên rừng, tìm tổ kiến vàng trên một số loại cây để lấy về chế biến. Sau khi lấy về, kiến được rửa sạch, phơi khô giã trộn với muối, với ớt rồi đóng hộp bán kèm với bò một nắng.
Một trong những cơ sở bò một nắng uy tín tại huyện Krong Pa, không thể không kể đến cơ sở của cô Định Thị Hậu (SN 1963, trú tại thị trấn Phú Túc, huyện Krong Pa). Đây là cơ sở đã sản xuất bò một nắng 24 năm, bò một nắng cơ sở Tuấn Hậu vừa đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
"Đặc sản bò một nắng ngon hay không, màu đẹp hay không chính là phần nguyên liệu, quan trọng nhất là nguồn gốc của thịt bò, thứ 2 khâu ướp gia vị và độ nắng của ngày hôm đó. Thịt bò để làm bò một nắng phải là thịt bắp của bò tơ, được chăn thả trong tự nhiên thì thớ thịt mới săn chắc, ít nước lại có vị ngọt tự nhiên. Cách làm cũng khá đơn giản, sau khi lọc hết gân, thái thịt bò thành từng miếng mỏng và bắt đầu ướp. Gia vị ướp gồm muối, bột ngọt, sả, ớt, xì dầu, bột nêm. Thời gian ướp khoảng 30 phút thì đem phơi nắng đúng một ngày, cứ 3 giờ đồng hồ thì trở một lần. Sau đó đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức với muối kiến vàng", cô Hậu chia sẻ.
Chị Phạm Thị Bình (Cơ sở sản xuất bò một nắng Uyên Linh) cũng có khá nhiều năm tạo nên đặc sản bò một nắng. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Bình cho hay: "Cái làm nên thương hiệu cho món bò một nắng là được làm từ loại bò cỏ nên thịt rất dai và ngọt tự nhiên. Để có món bò ngon thì phải lấy phần đùi, bắp của bò tơ. Sau đó, thái miếng thịt bò lớn như bàn tay rồi ướp với các gia vị gồm: muối, ớt, tỏi, sả, vừng…rồi phơi dưới nắng lớn".
"Gia vị ướp vừa phải, nếu quá mặn khi sử dụng sẽ mất độ ngọt của bò, nếu nhạt quá sẽ không bảo quản được lâu. Để làm ra một 1 kg thịt bò một nắng cần 1,5-1,7 kg thịt bò tươi. Chính vì vậy, giá của loại đặc sản này dao động từ 450.000đ-550.000 đồng/kg. Thứ làm nên thương hiệu cho loại bò một nắng Krông Pa là không dùng chất bảo quản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm nên thịt có vịt ngọt, dai tự nhiên", bà Trần Ngọc Giao (chủ cửa hàng bò một nắng Nhân Giao, huyện Krông Pa) phân tích.
Cứ vào dịp tết nguyên đán hàng năm, mỗi ngày người dân vùng chảo lửa sẽ xuất bán ra thị trường từ 50kg- 100kg thịt bò tươi tương đương từ 40-80kg bò một nắng. Hiện tại thị trường chủ yếu của đặc sản bò một nắng vùng chảo lửa là Sài Gòn, Gia Lai, Đà Nẵng, Đăk Lăk…Trung bình 1 kg bò một nắng sẽ giao động từ 470.000-500.000 đồng/kg.
Theo Trần Hiền/danviet.vn
https://etime.danviet.vn/theo-chan-nguoi-dan-lam-dac-san-tren-vung-chao-lua-20210427103244428.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã