Những năm gần đây, do ảnh hưởng của giá cả thị trường, người nông dân tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung gặp nhiều khó khăn trong canh tác cây nông nghiệp.
Trước thực trạng đó, việc phát triển mô hình chăn nuôi mới được xem là phương thức hữu hiệu giúp đa dạng hóa nền nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Điển hình là mô hình nuôi lợn sọc dưa tại tỉnh Kon Tum.
Gia đình chị Y HNếp, thôn Đăk Kơ Đương, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà bắt đầu nuôi lợn sọc dưa từ năm 2018. Ban đầu, chị chỉ nuôi thử một con nái.
Chị thấy nuôi lợn sọc dưa khá dễ dàng, với các loại thức ăn đơn giản từ thiên nhiên như cây cỏ, các loại thức ăn thừa mà không phải tốn quá nhiều chi phí.
Chị mạnh dạn vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sinh kế của xã để mở rộng quy mô đàn lợn sọc dưa. Đến nay, chị đã có đàn lợn sọc dưa 5 con và vừa bán một lứa lợn giống.
“Năm 2020, gia đình mình bán 14 con lợn giống, được khoảng hơn 20 triệu đồng. Đầu năm 2021, mình cũng vừa bán được 7 con lợn giống với giá hơn 10 triệu đồng. Nuôi lợn sọc dưa khá dễ, không bị bệnh, thức ăn cũng rất đơn giản. Mình có nuôi thêm bò, dê và trồng 1ha cà phê nhưng nếu so sánh thì thu nhập không bằng lợn sọc dưa bởi phải đầu tư nhiều”, chị Y HNếp chia sẻ.\
Cũng nhờ nuôi lợn sọc dưa, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Thoát nghèo năm 2017, gia đình chị đã ổn định được kinh tế, không lo tái nghèo. Đặc biệt, chị đã có đủ tiền để trang trải sinh hoạt trong gia đình, nuôi các con ăn học và vừa xây được một căn nhà mới khang trang.
Trong khi đó, trang trại nuôi lợn sọc dưa của anh Lưu Hồng Nam, thôn Đăk Wei, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà được xem là trang trại điểm về nuôi giống lợn này. Bắt đầu đưa lợn sọc dưa về nuôi từ năm 2019, khi xã Đăk Pxi có chủ trương phát triển vật nuôi để thoát nghèo. Ban đầu, anh chỉ nuôi một con thử nghiệm.
Khi mới bắt đầu nuôi, do còn bỡ ngỡ nên anh chưa tìm ra phương pháp nuôi hiệu quả. Tuy nhiên sau này, anh nhận thấy lợn sọc dưa có đặc tính hoang dã, khả năng kháng bệnh tật cao, thức ăn dễ dàng như cỏ voi, hèm rượu.
Bên cạnh đó, anh cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính từ nguồn quỹ phát triển sinh kế. Nhờ vậy, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô đàn. Đến nay, trang trại của anh đã có trên 50 con lợn sọc dưa, được chăn nuôi trong diện tích khoảng 2.500 m2.
“Hiện nay, giá lợn sọc dưa đang ở mức khá cao, từ 120.000 đồng/kg hơi trở lên, còn nếu bán lợn giống giá cũng ở mức 150.000 đồng/kg. Lợn chủ yếu được bán cho bà con tại chỗ hoặc các xã lân cận. Năm 2020, nếu trừ hết chi phí, gia đình tôi cũng thu về được gần 100 triệu tiền bán lợn giống”, anh Nam cho biết thêm.
Theo thống kê, hiện nay xã Đăk Pxi đã có trên 20 hộ nuôi lợn sọc dưa, với tổng đàn gần 300 con. Chính quyền địa phương cũng đã ra mắt Tổ hợp tác nuôi lợn sọc dưa trên địa bàn xã Đăk Pxi với 21 tổ viên. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng lợn sạch của xã.
Ông Phan Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, xã đã triển khai mô hình phát triển lợn sọc dưa từ năm 2019. Qua hai năm triển khai, UBND xã nhận thấy mô hình này phù hợp với trình độ chăn nuôi của người dân tại chỗ, khi chủ yếu các hộ chăn nuôi là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, nguồn thức ăn của lợn sọc dưa khá dễ dàng, bà con có thể tận dụng các phế, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để chăn nuôi, giúp giảm chi phí đầu tư, có nguồn thu nhập ổn định.
UBND xã Đăk Pxi cũng tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển đàn lợn sọc dưa, đồng thời làm tốt phòng chống dịch bệnh, trồng các loại cây như chuối, cỏ voi để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho lợn.
Chính quyền địa phương cũng định hướng cho bà con phát triển đàn lợn sọc dưa theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm thịt thơm ngon. Xã cũng xác định sẽ xây dựng thịt lợn sọc dưa trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, ngoài huyện Đăk Hà, mô hình chăn nuôi lợn sọc dưa cũng được bà con nông dân thực hiện tại các huyện Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum.
Tuy nhiên, mức độ chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Ngoài Đăk Hà, Đăk Tô cũng là địa phương chăn nuôi hiệu quả, từ mô hình nuôi thử nghiệm của Hội phụ nữ huyện. Đến nay, huyện Đăk Tô cũng đã phát triển được gần 200 con lợn sọc dưa.\
Ông Phạm Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đánh giá, mô hình chăn nuôi lợn sọc dưa mở ra một hướng đi mới, nhiều triển vọng trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Mô hình chăn nuôi lợn sọc dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi người tiêu dùng đang hướng tới các loại thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, các sản phẩm từ lợn sọc dưa được ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm ngon.
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, hiện nay các hộ dân và tổ hợp tác chăn nuôi lợn sọc dưa theo hình thức bán chăn thả, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là rất khó. Vì vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, đặc biệt là dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa có vaccine, thuốc điều trị bệnh. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm từ lợn sọc dưa còn hạn chế, gây khó khăn nếu mở rộng quy mô chăn nuôi.
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng chăn nuôi lợn sọc dưa biết sâu hơn về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lợn sọc dưa; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành, các siêu thị để tạo thị trường tiêu thụ bền vững cho người chăn nuôi”, ông Phạm Mạnh Cường khẳng định.
Theo Dư Toán/danviet.vn
https://danviet.vn/nuoi-thu-lon-soc-dua-la-mat-long-cung-nhu-choi-xe-o-noi-nay-nha-nao-nuoi-nha-do-kha-gia-han-len-20210501232602458.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã