Ngồi sau xe máy của anh Nguyễn Tư, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định), lang thang qua những cánh đồng lúa đông xuân vàng óng, nặng trĩu hạt đang chờ thu hoạch, những vườn cây ăn quả xanh ngát ở thôn Vinh Kiên, tôi không thể hình dung ra nơi đây từng bị bom đạn chiến tranh cày xới đến hoang tàn.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Bí thư chi bộ thôn Vinh Kiên chậm rải tâm sự: Trong chiến tranh, thôn Vinh Kiên là căn cứ địa cách mạng nên bom đạn đổ dồn về đây. Hòa bình lập lại, người dân Vinh Kiên hầu như trắng tay, bắt đầu xây dựng lại đời mới trên chính đồng đất của mình.
Để có được cuộc sống sung túc như hôm nay cũng nhờ “cuộc cách mạng” chuyển đổi. Phong trào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa mới vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, xây dựng những vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao đã đổi đời người dân ở đây.
Vừa đến ngõ nhà ông Ánh, nhìn thấy ông đang bỏ cỏ vào máng chuồng bò, anh Tư buột miệng: “May quá chú ấy có nhà, đang vụ thu hoạch thường thì nhà nông đều ở hết ngoài đồng”.
Tiếp khách trong bộ đồ lấm lem bùn đất với công việc đồng áng đang giục giã, nhưng khi nhớ về những ngày gian khổ trong chiến tranh, đôi mắt ông Ánh sáng lên, hào hứng mở chuyện: Khoảng giữa những năm 1960, từ khi đồn Đại Hàn có mặt trên địa bàn xã Cát Hanh là thôn Vĩnh Kiên lập tức trở thành “chảo lửa”.
Bởi, vùng đất này là nơi thường trú của cơ quan Huyện ủy Phù Cát và Tỉnh ủy Bình Định. Cán bộ đào hầm trú ẩn dưới nhà dân, đào hào thông ra sông La Tinh, khi địch đi càn thì thoát ra sông để bảo toàn lực lượng. Do đó, Vinh Kiên thường xuyên bị cày nát bởi đạn pháo và những trận càn.
Từ chiến tranh đến ngày hòa bình, người dân ở đây phải xây dựng nhà đến cả tá lần vì bom đạn liên tục tàn phá tan hoang.
Năm nay đã 85 tuổi, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Yên, lão thành cách mạng ở thôn Vinh Kiên, người đã có 56 năm tuổi đảng vẫn còn rất minh mẫn. Trong trí nhớ cụ Yên, trước năm 1960, phong trào thanh niên yêu nước đã hình thành tại thôn Vinh Kiên với 3 người tham gia. Khi ấy, tổ chức cấp trên gửi về cho đội thanh niên yêu nước thôn Vinh Kiên bức mật thư với nội dung: “Trồng 100 cây thuốc lá và 1 đám dừa xanh”.
“100 cây thuốc lá trong mật thư mang ý nghĩa chỉ đạo đội thanh niên yêu nước thôn Vinh Kiên cần nhanh chóng mở rộng phong trào, tăng lực lượng lên hàng trăm người; còn 1 đám dừa xanh là lời nhắn nhủ các đội viên thanh niên giữ vững lập trường, dù phong ba bão táp cũng phải vững vàng vươn rộng tàu lá, bám chặt rễ vào đất như rừng dừa để xây dựng cơ sở cách mạng”, cụ Yên giải thích.
Theo cụ Yên, khi ấy sản xuất lúa ở thôn Vinh Kiên cực kỳ gian khổ, phải giành giật từng chút thời gian với địch. Khoảng thời gian giữa những trận càn là bà con đổ ra đồng tổ chức sản xuất.
“Hồi ấy, bất cứ là ruộng của ai bà con cũng sản xuất được, chủ ruộng không nói gì. Bom đạn lắng xuống là bà con xúm nhau cày bừa rồi cấy lúa. Lúa gặt lên một phần để mình ăn, một phần đóng góp cho kháng chiến. Năng suất lúa khi ấy rất thấp, chỉ khoảng 100 kg/sào (500m2)/vụ”, cụ Yên chia sẻ.
Bứt lên từ chuyển đổi đất lúa
Trong chiến tranh, Vinh Kiên đi đầu trong phong trào đấu tranh thì ngày hòa bình, Vinh Kiên lại đi đầu trong phong trào sản xuất. Vinh Kiên là địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của xã Cát Hanh.
Là vùng đất thường xuyên thiếu nước sản xuất, nên nông dân thôn Vinh Kiên sớm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, 45ha đất lúa ở đây nhanh chóng được chuyển từ sản xuất 3 vụ sang còn 2 vụ lúa/năm và đã cho thấy hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Bí thư chi bộ thôn Vinh Kiên chia sẻ: Lúc còn làm 3 vụ lúa/năm, mỗi năm bà thu được khoảng 700kg lúa/3 vụ. Khi chuyển sang làm 2 vụ/năm, sản lượng lúa cả năm thậm chí lại đạt cao hơn (trên 800 kg/năm).
Ví như vụ đông xuân 2020 - 2021, mỗi sào lúa bà con thu được hơn 400kg. Ấy là nhờ sử dụng các giống lúa mới cho năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Sản xuất 2 vụ năng suất lúa đã tăng cao mà bà con lại có nhiều thời gian nông nhàn để đi làm công ty, hoặc đan mây tại nhà kiếm thêm thu nhập. 12ha đất soi ven sông La Tinh bà con trồng đậu phộng, bắp, rau màu các loại cho hiệu quả cao gấp mấy lần làm lúa.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, hiện xã có 700ha đất sản xuất lúa, 360ha đất sản xuất mì (sắn), 420ha đất sản xuất đậu phộng, 60ha đất sản xuất bắp (ngô) và khoảng 200ha đất sản xuất rau màu các loại.
Cách đây hơn 10 năm, những diện tích trồng lúa ở địa phương này đã rục rịch chuyển đổi sản xuất từ 3 sang 2 vụ lúa/năm, thế nhưng phong trào mới chỉ manh mún. Từ năm 2019 trở lại đây, phong trào chuyển đổi mùa vụ mới thật sự mạnh mẽ. Trong năm 2019 Cát Hanh chuyển được 235ha, sang năm 2020 diện tích chuyển đổi tăng lên 580ha.
Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở xã Cát Hanh là thiếu nước tưới. Trên địa bàn xã có 3 hồ chứa nhỏ, hồ Hóc Cau chỉ có dung tích chứa 12,6 triệu khối nước, hồ Bờ Sề có dung tích chứa 10,6 triệu khối và hồ Hóc Chợ còn nhỏ hơn nữa.
Cả 3 hồ chứa nói trên chỉ có năng lực tưới cho 150 cây trồng của toàn xã, cuối vụ hè thu năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, bà con phải bơm tát để cây trồng. Nhờ có nước của hồ Hội Sơn nằm trên địa bàn xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) nên có 620ha sản xuất nông nghiệp của xã Cát Hanh được hưởng nước từ hồ này.
Trước thực trạng trên, công cuộc chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang còn 2 vụ/năm là rất phù hợp trong điều kiện thiếu nước tưới.
Cũng theo ông Thanh, xuất phát từ thực tế thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, trong năm 2020, nông dân xã này đã chuyển gần 83ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn cho hiệu quả rất cao. Trong đó có 25,6ha chuyển sang trồng đậu phộng, 20,4ha chuyển sang trồng ớt, 15ha chuyển sang trồng dưa hấu và rau màu các loại.
Ở xã Cát Hanh có 100ha xoài cát được được đăng ký nhãn hiệu “Xoài cát Cát Hanh” trồng tập trung tại thôn Tân Hóa Nam, trong đó có 85ha đang cho quả.
Hiện có 20ha xoài ở đây đã được cấp chứng nhận VietGAP, đang đề nghị chứng nhận OCOP và 20ha khác đang đề nghị chứng nhận VietGAP.
Năng suất xoài bình quân đạt 80 tạ/ha, nếu tính giá xoài 20.000 đồng/kg như hiện nay, chủ nhà vườn có thu nhập 160 triệu đồng/ha, nếu xoài tăng giá 24.000 đồng/kg thì mức thu nhập của chủ nhà vườn còn cao hơn nữa.
Từ năm 2019, nhờ chính sách hỗ trợ 50% giống của UBND tỉnh Bình Định, xã Cát Hanh thực hiện cải tạo được 4,5ha vườn tạp, nhiều vườn bưởi da xanh đã cho quả, mở ra cho người dân ở đây hướng làm ăn mới.
Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/xanh-lai-vung-dat-lua-d289066.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã