Ở tỉnh Đồng Nai nhiều năm qua bà con nông dân ngoài trồng các giống cây nội địa còn thường xuyên thử sức với cây ăn trái ngoại nhập như nho Nhật Bản, táo Úc, mận Úc…
Trong số các vườn cây ăn trái ngoại nhập hiện có vườn nho Nhật Bản của chị Hồ Thị Phùng Hân (ấp Phước Hoà, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Vườn nho Nhậ Bản của chị Hân đang được xem là mô hình trồng cây ăn trái ngoại nhập điển hình, cho hiệu quả kinh tế cao.
Vườn nho của chị Hân được ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đánh giá là mô hình điểm, tạo hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tại Long Thành nói riêng và toàn tỉnh Đồng Nai nói chung.
Ngày 12/4, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN có mặt tại trang trại của chị Hân ở ấp Phước Hoà, xã Long Phước và rất bất ngờ bởi thổ nhưỡng Đồng Nai lại có thể trồng được các giống nho đưa về từ đất nước mặt trời mọc.
Trang trại của chị Hân được chia làm nhiều khu vực, trong đó có hai khu vực được xây dựng nhà màng để trồng nho Nhật Bản. Một bên chị Hân trồng nho thực nghiệm, nhân giống và bên còn lại trồng nho thu thành phẩm.
Hiện vườn nho thực nghiệm đang đến vụ thu hoạch còn vườn nho thành phẩm đã có quả sai trĩu cành, dự kiến sẽ thu hoạch trong khoảng 1 tháng tới.
Vừa thoăn thoắt cắt tỉa cành nho, chị Hân chia sẻ với chúng tôi về cái duyên của chị với giống nho Nhật Bản.
Chị Hân kể nhiều năm trước trong một chuyến du lịch sang Nhật Bản, chị vô tình được ăn nho và thấy hương vị nho Nhật rất đặc biệt. Nho Nhật Bản có vị thơm, ngọt thanh, giòn, dẻo rất khác biệt với nho nội địa chị từng ăn. Từ đó chị ước khi có điều kiện chị sẽ trồng một vườn nho Nhật để có thể thưởng thức nho mỗi ngày.
Sau khi về nước, một lần xem tivi chị Hân thấy chương trình nói về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại trong đó nhắc đến cây nho nên lòng đam mê về nho trỗi dậy. Chị Hân nhanh chóng nhờ người kết nối, liên hệ với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận để học hỏi cách chăm sóc, nghiên cứu sâu hơn về cây nho.
Chị Hân đưa ra ý tưởng muốn trồng giống nho của Nhật tại tỉnh Đồng Nai và bị nhiều người ngăn cản vì cho rằng thổ nhưỡng tại Việt Nam không phù hợp với giống nho của Nhật Bản.
“Tôi đam mê làm nông nghiệp sạch và các giống cây ăn trái nhập khẩu bởi trái cây nhập khẩu có vị ngon, thơm. Tuy nhiên giá thành quá cao nên nhiều người dân khó có cơ hội thưởng thức nên tôi chỉ mong có 1 vườn nho Nhật Bản của mình để đãi người nhà ăn nho thoả thích”, chị Hân cho biết.
Nhằm thực hiện đam mê của mình chị Hân đã trở lại Nhật Bản để tìm hiểu thêm về nho Nhật và mua 6 loại nho “đặc sản” đưa về trồng tại nhà màng ở Đồng Nai.
Để nho phát triển, thích ứng với thổ nhưỡng ở Việt Nam, chị đã nhờ các kỹ sư, chuyên gia hỗ trợ, cải tạo đất và sử dụng các kỹ thuật, cách chăm sóc như chính trên đất nước Nhật.
“Diện tích trồng nho gần 6.000m2 tôi chia làm 2 nhà màng, 1 nhà màng trồng thực nghiệm làm giống khoảng gần 3.000m2, phần còn lại là tôi trồng nho thu trái thành phẩm.
Có 6 giống nho thuộc tốp đầu Nhật Bản được chọn trồng gồm Mẫu Đơn, Ngọc Trai Đen, nho xanh, nho Hồng Ngọc,….Thời gian này vườn thực nghiệm do mục đích chủ yếu để nuôi cành nhân giống nên khi nho ra trái phải tỉa bớt nên vụ thu hoạch đầu tiên không đủ để cung cấp cho thương lái thu mua. Còn vườn thành phẩm hiện nho đang ra quả, ước tính mỗi chùm đến tuổi thu hoạch sẽ có cân nặng từ 1 – 2kg”, chị Hân chia sẻ.
Sau hơn 1 năm được các kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia đến từ Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc thì vườn nho đã cho thu hoạch. Chất lượng, trọng lượng quả được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá đạt 8/10 so với nho gốc.
Chị Hân nói: “Tôi thấy thị trường đang rất ưa chuộng loại nho này vì nó có hương thơm, độ dẻo và có vị ngọt đặc biệt nên nhiều người rất thích. Hơn nữa phân khúc nho Nhật Bản tại thị trường Việt Nam tương đối ít nên đầu ra ổn định và có giá thành cao hơn các loại nho khác. Dự kiến sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích trồng nho Nhật lên 1 – 3 mẫu giúp cung ứng đủ cho thị trường”.
Cũng theo chị Hân, hiện nay giá nho Ngọc Trai Đen được chị bán cho thương lái với giá 450.000 đồng/kg trong khi nho này được nhập khẩu từ Nhật về bán với giá từ 1,6 – 2,2 triệu đồng/kg.
Còn nho xanh Nhật Bản bán tại vườn 280.000 đồng – 300.000 đồng/kg trong khi giá nho nhập khẩu khoảng 1 triệu đồng/kg. Với giá thành như vậy vườn nho của chị Hân chưa phải lo đầu ra bởi có bao nhiêu thương lái đều săn lùng, thu mua hết.
Khi nói về quyết định táo bạo dám chọn giống nho đặc biệt, chị Hân nói rằng mọi thứ đều vì đam mê. Có những lúc chị Hân từng lo lắng, muốn từ bỏ, chán nản vì vườn nho héo úa dần. Nhưng cuối cùng chị đã làm đủ mọi cách để cứu lấy vườn nho và có được thành quả như ngày hôm nay.
“Do thổ nhưỡng và khí hậu khác biệt với Nhật Bản nên bước đầu trồng nho rất khó khăn, cây yếu, dễ bệnh. Đặc biệt 3 tháng đầu tiên cây chậm phát triển, chết dần khiến tôi buồn chán. Sau đó khi bình tĩnh, tôi đã tham khảo ý kiến và quyết định mời nhiều kỹ sư giỏi trong nước và chuyên gia Nhật Bản về cứu vườn nho. May mắn vườn nho được cứu, nay đã cho thu hoạch và nhờ bài học đắt giá ấy mà tôi học lỏm được thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây nho”, chị Hân nhớ lại.
Chia sẻ về cách chăm sóc giống nho đặc biệt từ Nhật, kỹ sư Hồ Phúc Nguyên khẳng định nho tại vườn chị Hân được trồng đúng chuẩn theo quy trình Nhật Bản đảm bảo từ khâu chăm sóc đến lúc thu hoạch.
Tiêu chí quan trọng nhất của các thành viên trong vườn nho là tạo ra được hương vị trái nho ngoại thơm ngon, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. “Để có nho sạch chúng tôi dùng chế phẩm sinh học từ quế, sả, ớt với rượu trắng để phun xịt diệt sâu bọ, côn trùng.
“Các thành viên trong vườn nho cùng các chuyên gia nhận định vườn nho của chị Hân đã thành công và kết quả cao khoảng 8/10, không chênh lệch nhiều so với nho gốc. Ước tính vườn nho đang cho năng suất trung bình khoảng từ 1,5 tấn – 2 tấn/1.000m2”, ông Nguyên tiếp tục chia sẻ.
Đánh giá về vườn nho Nhật Bản, ông Trương Tấn Lộc, chuyên viên phòng NNPTNT huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) nói: “UBND huyện Long Thành cùng các đơn vị chức năng đã hỗ trợ cho vườn nho của chị Hân về kỹ thuật canh tác, quy trình phòng chống sâu bệnh hại. Phòng đánh giá đây là một mô hình rất hiệu quả và huyện có định hướng nhân rộng nếu người dân có nhu cầu.
Hiện chúng tôi đã trao đổi với chị Hân và chị ấy hứa sẽ hỗ trợ hết mình nếu bà con nào muốn học hỏi kinh nghiệm”.
Theo Nha Mẫn/danviet.vn
https://danviet.vn/dong-nai-trong-nho-nhat-ban-voi-6-giong-nho-khac-nhau-hai-ban-300-500000-dong-kg-20210412122058632.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã