Mặc dù trong những năm qua, nghiên cứu khoa học, công nghệ (KH-CN) trong lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức rất cần được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm giải quyết, cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng theo Thông tư liên tịch số: 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014 của liên Bộ Tài chính và KH-CN và Thông tư 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 121 và Thông tư 90).
Các Thông tư này ra đời là một sự thay đổi lớn nhằm từng bước đưa các tổ chức KH-CN công lập vào cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua gần 7 năm thực hiện (từ năm 2015 đến nay) cho thấy, các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng này chỉ phù hợp với các bộ phận chức năng quản lý, hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn nghiên cứu khoa học hiện nay của các tổ chức KH-CN.
Về cơ bản, các Thông tư quy định nội dung lập dự toán và chi là khá đầy đủ như tiền lương và các khoản phụ cấp; tiền công thực hiện hợp đồng lao động; các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các khoản chi theo định mức kinh tế kỹ thuật (chi mua nguyên liệu, vật liệu, năng lượng; chi thanh toán dịch vụ công cộng; chi vật tư văn phòng; chi thông tin tuyên truyền; chi hội nghị, hội thảo chuyên môn; công tác phí; chi thuê thiết bị thực hiện nhiệm vụ; chi sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn...).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các tổ chức KH-CN của Bộ NN-PTNT thì kinh phí nghiệm vụ thường xuyên theo chức năng Bộ cấp chỉ đủ chi 9 - 10 tháng lương cho cán bộ khoa học (trong 3 năm qua Bộ đã thực hiện cắt giảm 10% nguồn kinh phí này). Do đó, không còn kinh phí để chi cho các nội dung phục vụ nghiên cứu như các Thông tư đã quy định.
Đối với nghiên cứu lâm nghiệp có đặc thù riêng phải đi xa, phải mua cây giống, vật tư, phân bón, thuê nhân công…, không có đủ kinh phí nên gần như các nhiệm vụ này chỉ có thể nghiên cứu lý thuyết, không thể thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu hiện trường, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng điểm.
Công tác xây dựng dự toán, phê duyệt kế hoạch, viết báo cáo, nghiệm thu các cấp… cũng mất nhiều thời gian và công sức trong khi chất lượng không có gì.
Cũng theo cơ chế mới này, các tổ chức KH-CN công lập sẽ không có nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động quản lý chung của đơn vị như xăng, dầu, điện, nước, công tác phí… gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị.
Vì vậy, kiến nghị cần phải thay đổi hoặc hủy bỏ các thông tư này.
2. Chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học còn thấp, thể hiện lương thấp và cấp không đủ lương (theo Thông tư 121, Thông tư 90 nêu trên). Các nhiệm vụ KH-CN ít, dẫn đến các nhà khoa học phải tự tìm kiếm thêm công việc để bù lại số tiền lương thiếu.
Nhiều cán bộ khoa học có trình độ được đào tạo bài bản ở nước ngoài và trong nước xin chuyển công tác, dẫn đến hiện tượng "chảy máu chất xám" mặc dù các đơn vị cũng đã cố gắng xây dựng quy chế để giữ chân cán bộ khoa học, nhưng không giữ nổi.
3. Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH-CN công lập,trong đó quy định 3 tự chủ quan trọng là: Tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài sản.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hiện nay đều bị vướng mắc bởi môi trường, cơ chế quản lý và ràng buộc bởi nhiều chính sách nên các đơn vị gần như chưa tự chủ được. Đề nghị Nhà nước phải tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế.
Các trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao với giá trên 2 tỷ/thiết bị như máy giải trình tự gen, máy phân tích phổ quang cận hồng ngoại, máy scan 3D, máy sắc khí, hệ thống biến tính nhiệt… chưa có điều kiện mua sắm. Điều này cho thấy còn một khoảng cách khá xa mới có thể tiến tới công nghệ 4.0, công nghệ số trong KH-CN lâm nghiệp.
5. Hợp tác công - tư, gắn kết với các doanh nghiệp trong nghiên cứu là một chủ trương và hướng đi đúng. Tuy nhiên, do đặc thù cây lâm nghiệp dài ngày, lâu cho thu hoạch sản phẩm và chịu nhiều tác động rủi ro nên hiện nay trong lĩnh vực lâm nghiệp gần như không có các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nghiên cứu.
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tham gia vào các khâu hậu nghiên cứu như ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Từ thực tiễn này cho thấy, rất cần các chính sách tạo động lực của nhà nước để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu lâm nghiệp.
6. Nguồn vốn đầu tư cho KH-CN cần phải đủ lớn, cần phải có các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lâm nghiệp để giải quyết đầy đủ và trọn vẹn các vấn đề thực tiễn sản xuất đặt ra. Cần chú trọng hơn tới các nghiên cứu cơ sở, cơ bản. Kiến nghị Chính phủ đưa gỗ và sản phẩm gỗ vào danh mục sản phẩm quốc gia để tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển.
7. Quỹ đất phục vụ nghiên cứu KH-CN lâm nghiệp đòi hỏi phải lớn để có thể duy trì hiện trường nghiên cứu được lâu dài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay quỹ đất này chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác nghiên cứu KH-CN, trong khi nhiều địa phương lại tiến hành thu hồi đất để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các tổ chức KH-CN có thêm quỹ đất phục vụ nghiên cứu và không thu hồi đất, nếu có thu hồi thì cấp bù đất ở chỗ khác.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ KH-CN lâm nghiệp hiện nay dài nhất là 5 năm, với thời gian này thì khi kết thúc nhiệm vụ, cây trồng trong các thí nghiệm mới khoảng từ 2,5 - 4 tuổi, trong khi chu kỳ kinh doanh của các loài cây bản địa ít nhất cũng từ 15 - 20 năm.
Thực tế này cho thấy các nhiệm vụ KH-CN lâm nghiệp cần phải có cách tiếp cận và một cơ chế đặc thù hơn, với thời gian nghiên cứu dài hơn mới phát huy được hiệu quả. Kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện các nhiệm vụ KH-CN lâm nghiệp lên tối đa 8-10 năm.
9. Các thủ tục thanh toán còn phức tạp, mất nhiều thời gian, cần hướng đến xây dựng cơ chế khoán gọn đến sản phẩm cuối cùng.
10. Xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH-CN: Thực hiện Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 cho thấy còn một số điểm quy định chưa rõ về tài sản là rừng thí nghiệm hình thành thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN.
Thực tế khi kết thúc đề tài, cây rừng mới khoảng 2,5 - 3,5 tuổi liệu đã được coi là tài sản cố định chưa? Đề nghị có hướng dẫn cụ thể khi giao “tài sản” này cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ thì định giá như thế nào?
Việc thực hiện ứng dụng và thương mại hóa hàng năm đối với loại “tài sản” đặc thù này như thế nào. Nhiều tổ chức KH-CN đã phải tự bỏ kinh phí để bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng nhiều năm sau khi đề tài kết thúc, khi thu hoạch sản phẩm thì phân phối lợi nhuận như thế nào?
Nguồn tin: GS.TS Võ Đại Hải Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã