Tại Hội nghị, TP. Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn trên 405.000 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.
Trong đó có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.
Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800.000 m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…
Tổng số 229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; Nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong quý III/2020); nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 5 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án.
Cũng tại Hội nghị này, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).
Thủ tướng trao chứng nhận cho các nhà đầu tư vào Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Phấn đấu thực hiện 100% dự án được trao chứng nhận đầu tư
Tại hội nghị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Thành công của hội nghị không chỉ bởi các dự án được trao chứng nhận đầu tư, các biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, mà lớn nhất là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, đầu tư phát triển. Hội nghị có ý nghĩa biểu tượng lan toả mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải đưa vào thực hiện được ít nhất 60% các dự án được trao chứng nhận đầu tư tại hội nghị, nhưng Thành phố phấn đấu sẽ thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết bức xúc của nhân dân Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...
Việc trao quyết định chủ trương đầu tư không chỉ là cơ hội hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các nhà đầu tư mà còn là nơi để tăng cường hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết Thành phố sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư. Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhà nhỏ...
Sau hội nghị này, thành phố sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, các dự án sẵn sàng kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu...
Lãnh đạo TP. Hà Nội trao chứng nhận cho các nhà đầu tư. Ảnh: VGP/Gia Huy |
“Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 -14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ.
Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung thể chế hóa các cơ chế đặc thù, về dài hạn, thành phố sẽ tổng kết và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô; kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với yêu cầu phát triển; tập trung phủ kín quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng.
Gia Huy-Minh Anh/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã