Năm 1997 xã Đại Hợp được Hội chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ dự án "Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa" trên diện tích 650 ha chủ yếu là cây lậu (tức cây bần).
Sau một năm, rừng cây bần cho hoa trái, các hộ nuôi ong ở nơi khác theo nhau di chuyển đàn ong về khu vực rừng ngập mặn của Đại Hợp để ong hút mật hoa.
Nhận thấy việc nuôi ong cạnh rừng ngập mặn có nhiều thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao lại thân thiện với môi trường nên một số hộ dân ở đây đã tìm học nghề rồi chuyển hướng phát triển kinh tế sang nuôi ong lấy mật.
Là một trong những người tiên phong về mô hình nuôi ong mật ven rừng ngập mặn, anh Đặng Thanh Tùng (thôn Đông Tác, xã Đại Hợp) đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Anh cho biết, trước khi đến với nghề nuôi ong anh đã có nhiều năm gắn bó với công việc nhà nông, làm dịch vụ nông nghiệp máy cày, máy tuốt, khai thác thủy sản ven bờ...
Nhưng từ khi có cánh rừng ngập mặn mang nguồn thức ăn khổng lồ cho ong, anh Tùng đã quyết định chuyển hướng sang làm nghề mới này.
"Nghề nuôi ong không quá khó, ai quan tâm cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để có chất lượng mật tốt đầu tiên phải chọn được giống ong tốt thì chất lượng đàn ong mới tốt, năng suất mật mới cao. Giống ong nhà Tùng và các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa. Giống này có kích thước nhỏ nhưng chúng có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh rất tốt"- anh Tùng chia sẻ.
Từ số lượng 2 đàn ong lúc ban đầu, nay gia đình anh Tùng đã phát triển lên gần 400 đàn ong. Mật ong của gia đình sản xuất không đủ cung ứng cho khách hàng. Có năm, gia đình anh Tùng thu về 5.000 lít mật ong, bán với giá 300.000 đồng/ lít, trừ mọi chi phí đầu tư gia đình anh thu được 500 triệu đồng tiền lãi.
Dựa vào lợi thế rừng ngập mặn ven biển có sẵn, người nuôi ong không phải tốn chi phí trồng cây tạo hoa để ong có thức ăn.
Quần thể rừng ở đây có nhiều loài cây nở hoa, một năm cho hoa khoảng 10 tháng, người nuôi ít phải chuyển vị trí đàn đi xa kiếm mật.
Hai tháng còn lại thiếu hoa họ sẽ di chuyển đàn ong sang địa phương bên cạnh là phường Bàng La (quận Đồ Sơn) – nơi có hàng trăm héc ta hoa táo.
Cùng thôn với anh Tùng, anh Nguyễn Văn Khánh, đang nuôi trên 100 thùng ong lấy mật phấn khởi cho biết, khác hẳn với các sản phẩm mật ong khác, mật ong rừng ngập mặn luôn đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trong nguồn thức ăn của ong .
Vì thế, chất lượng mật ong ở đây luôn đảm bảo an toàn, rất giàu hàm lượng khoáng và dinh dưỡng.
"Sản phẩm mật ong của gia đình tôi và các hộ dân trong xã sau thu hoạch mang quay lấy mật, tiếp tục được cho vào máy tách nước thủy phân, khi nào lượng nước trong mật ong chỉ còn dưới 21% là đảm bảo. Làm như vậy mật ong sẽ để được lâu hơn, chất lượng mật thơm ngon hơn" - anh Khánh nói.
Trao đổi với Dân Việt về lợi ích kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, ông Hoàng Xuân Tiến- Chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết, hiện sản phẩm mật ong của xã đã được UBND TP.Hải Phòng công nhận, xếp hạng 3 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Cả xã Đại Hợp có trên 20 hộ đang nuôi ong lấy mật, sản phẩm sản xuất tới đâu hết tới đó, người nuôi không phải lo đầu ra. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững, xã cũng phối hợp tổ chức tuyên truyền cho người nuôi có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn.
Hàng năm xã tiến hành trồng bổ sung rừng ngập mặn để tăng thêm diện tích, tạo ra "lá chắn xanh" bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời góp phần phát triển kinh tế, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm mật ong quê hương.
Theo Thu Thủy/danviet.vn
https://danviet.vn/hai-phong-nuoi-con-toi-ngu-li-bi-ngay-bay-ra-rung-ngap-man-kiem-loc-bien-mang-ve-cho-chu-20210416000743907.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã