Đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Dương, hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn chủ yếu phát sinh từ rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nước thải tại các khu, cụm công nghiệp… Theo số liệu điều tra, thống kê năm 2020, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn huyện ước tính trên 5.825 m3/ngày đêm, trong đó, nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị (thị trấn Hợp Hòa) 709,45m3/ngày đêm, tại khu vực nông thôn trong huyện là 5.115,7m3/ngày đêm. Kết quả phân tích 11 chỉ tiêu của nước thải sinh hoạt từ 8 mẫu nước cho thấy, các chỉ tiêu trong nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư có sự thay đổi nhưng không rõ rệt và hầu hết đều vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt. Nguyên nhân do hầu hết lượng nước thải sinh hoạt phát sinh chưa qua xử lý hoặc chỉ được xử lý sơ bộ qua các bể tự hoại đều xả trực tiếp ra môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm các sông, suối, kênh mương trong các khu dân cư trên địa bàn huyện, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và chất lượng cuộc sống của người dân. Cũng theo số liệu điều tra năm 2020, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện là 82,5 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị là 8,3 tấn/ngày, khu vực nông thôn 74,2 tấn/ngày. Ngoài ra, chất thải xây dựng phát sinh trong quá trình phá dỡ, xây dựng công trình gồm: đất, đá, gạch, ngói vỡ, bê tông, sắt thép, các loại chất dẻo… cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Toàn huyện hiện có 41 bãi tập kết, khu xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có 2 lò đốt rác và 39 bãi tập kết rác tạm thời. Tuy nhiên, đến nay, nhiều bãi tập kết rác đã đầy không còn khả năng tiếp nhận, có 2 bãi đã đóng cửa. Tại khu tập kết, việc xử lý rác chỉ được thực hiện theo phương pháp thủ công là chôn lấp nên khu vực xung quanh bốc mùi hôi thối, phát sinh nhiều côn trùng, ruồi, muỗi ảnh hưởng xấu đến môi trường. Cho đến nay, vấn đề rác thải vẫn chưa thể giải quyết triệt để, mặc dù đã được chính quyền các cấp quan tâm song vẫn còn nhiều bất cập. Hạ tầng cho công tác thu gom, xử lý rác chưa đầy đủ, cơ sở vật chất, chính sách cho người làm công tác thu gom chưa bảo đảm, đầu tư còn hạn chế nên rác thải chưa được thu gom, xử lý kịp thời và hợp vệ sinh.
Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, huyện đã chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn đã quy hoạch xây dựng được bãi rác thải sinh hoạt tạm thời, khu xử lý rác thải. Trong đó có 1 lò đốt rác thải quy mô cấp xã tại xã Hợp Thịnh với công suất khoảng 10 tấn/ngày; 1 nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn, công suất thiết kế 150 tấn/ngày đêm tại thị trấn Hợp Hòa, hiện đã hoàn thiện và đi vào vận hành 1 dây chuyền công suất 75 tấn/ngày đêm. Toàn huyện có 3 bể thu gom, xử lý nước thải khu dân cư tập trung, công suất khoảng 200 m3/ngày đêm tại các xã: Đạo Tú, Hợp Thịnh, Vân Hội. Tuy nhiên, chăn nuôi là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh trên địa bàn, đồng nghĩa với lượng chất thải phát sinh lớn và có hàm lượng các chất ô nhiễm cao. Theo số liệu điều tra, thống kê từ cấp xã, toàn huyện hiện có 52 cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung, 210 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung. Tổng số gia súc trên địa bàn khoảng 104,2 nghìn con, tổng số gia cầm trên 3,8 triệu con. Mặc dù chất thải chăn nuôi trên địa bàn đã được thu gom, xử lý bằng hầm biogas song mức độ xử lý chất thải chưa triệt để do thể tích hầm biogas nhỏ không phù hợp với số lượng vật nuôi lớn, chất thải chăn nuôi phát sinh nhiều; các hộ chăn nuôi chưa thường xuyên sử dụng phế phẩm vi sinh để xử lý mùi và khử trùng.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện Tam Dương tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tăng cường các hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Tiếp tục thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường năm 2021 nhằm đánh giá chất lượng, diễn biến, thành phần môi trường để đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; huy động thêm nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, nhất là kinh phí hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.
Hồng Yến/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã