"Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều mặt trong cuộc sống xã hội, nhưng cũng mang tới những cơ hội mới cho nông sản Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải làm sao, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các chuỗi cung ứng”, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phát biểu tại Hội thảo Cơ hội và thách thức đối với thương mại nông sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sáng 27/4.
Xuất khẩu nông sản thế giới có dấu hiệu giảm từ 2019. Covid-19 nổ ra đầu năm 2020 góp phần khiến thị trường nông sản biến đổi mạnh trên toàn cầu. Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, có khoảng 60 nước đã điều chỉnh chính sách thương mại nông sản để ứng phó đại dịch, trong đó có 5 nước lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Hàn Quốc.
Ngũ cốc là mặt hàng được quan tâm đặc biệt trong đại dịch, bởi đây là yếu tố giúp ổn định an ninh lương thực. Chỉ số giá ngũ cốc tăng mạnh từ cuối năm 2020 kéo chỉ số giá thực phẩm tăng theo.
Trong bức tranh chung ấy, Việt Nam theo đà tăng xuất khẩu gạo nhưng giảm xuất khẩu thủy sản và trái cây. Bà Đỗ Liên Hương, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nói: "Thương mại nông sản giảm, nhưng thấp hơn thương mại hàng hóa nói chung, và giữ được thăng dư thương mại ở ngưỡng 10 tỷ USD".
Cũng theo bà Hương, Việt Nam hiện không có chính sách hỗ trợ riêng cho nông nghiệp. Điều này đặt ngành nông nghiệp vào nhiều thử thách lớn, nhất là khi nhu cầu từ các bạn hàng quen thuộc như Trung Quốc, Mỹ có xu hướng giảm.
Trong hai tháng 10 và 11/2020, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành điều tra ba ngành hàng: gạo, thủy sản, trái cây theo ba nhóm đối tượng, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp - hợp tác xã, và nông dân trên bảy tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau.
Kết quả cho thấy, doanh nghiệp và người nông dân gặp khó khăn chung về thiếu thông tin. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi theo công văn 860/BHXH-BT, điều kiện để doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ là 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiễm xã hội nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh.
"Nhưng thực tế, nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này thì gần như phá sản", bà Hương nhấn mạnh.
Về phía nông dân, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện mỗi nông dân chỉ có khoảng nửa hecta đất trồng, thuộc diện thấp bậc nhất thế giới.
"Đại dịch làm rõ hơn những điểm yếu của ngành nông nghiệp, đồng thời yêu cầu khắt khe hơn về sự đổi mới đồng bộ về chính sách, phương thức sản xuất, canh tác", bà Hương nói tiếp.
Đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng đây là khó khăn chung của nhiều nước khác trên thế giới, và bày tỏ: "Nếu kịp thay đổi và thích ứng, ngành nông nghiệp có thể tìm được những thị trường mới, vốn đang bị bỏ trống trong dịch Covid-19".
Giải pháp được Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra cho nông sản Việt Nam, là liên kết nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp để đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng được khoa học kỹ thuật trong canh tác. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là ngoài thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất, ngành nông nghiệp nên tập trung vào sản xuất lúa gạo sang thị trường chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm, và tăng đầu tư kho dự trữ, logistics chuyên biệt.
"Chúng ta cũng nên xem xét chuyển từ quan hệ buôn bán sang hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp", ông kết luận.
Theo Bảo Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/co-hoi-cho-nong-san-viet-nam-trong-covid-19-d289324.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã