Hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức tại thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Thanh Nam.
Đánh giá về Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2018-2020, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến khẳng định kết quả đã đạt được là rất khả quan. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án Chương trình OCOP quốc gia, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành kế hoạch Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Giai đoạn 2018-2020, đã có 2.961 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 6.210 sản phẩm. Cả nước hiện có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Nguồn kinh phí huy động cho Chương trình OCOP của cả nước trong giai đoạn này là 22.845 tỷ đồng.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh, Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của TP Hà Nội, Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP, với trên 10.000 gian hàng, 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP được xây dựng và đưa vào hoạt động. Nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và một số siêu thị địa phương.
Theo đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến là 57.000 tỷ đồng, trong đó vốn do các tổ chức kinh tế đầu tư khoảng 11.400 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng và các nguồn khác.
Theo các đại biểu, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề nông thôn, dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa của từng địa phương.
Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, dựa trên các lợi thế, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và văn hóa vùng miền của mỗi địa phương.
Cần phải liên kết để phát triển sản phẩm OCOP chứ không nên hiểu theo nghĩa hẹp là hàng hóa phải có nguồn gốc địa phương. Chẳng hạn sản phẩm OCOP của Hà Nội nhưng nguyên liệu có thể là của các tỉnh khác trong vùng.
Các đại biểu cũng góp ý cần chuẩn hóa về sản phẩm OCOP để đảm bảo chất lượng. Cần có hệ thống chấm điểm, số hóa quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Vì đôi khi, các địa phương nóng lòng muốn phát triển nhanh các sản phẩm OCOP, có thể “nương nhẹ” để sản phẩm nào đó đạt chuẩn.
Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kế nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, các đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh úng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Từ đó, xây dựng hồ sơ và quản lý dự liệu sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, gắn với giám sát - chứng thực của công tác nhà nước.
Chuyển đổi số là rất cần thiết, lấy vì dụ về sản phẩm chè Shan Tuyết của các tỉnh vùng Tây Bắc, với số lượng cây hiện có thì sản lượng không thể có nhiều. Khi ta quản lý trên hệ thống số, nếu sản lượng tăng đột biến là sẽ biết ngay.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo sự bình đẳng giới, khi lao động nữ tham gia khá lớn. Thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, nhất là đối với các đặc sản đặc trưng vùng miền.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới cần có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm OCOP, đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói, bảo quản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới các cửa hàng quảng bá, bán sản phẩm OCOP.
Song song đó là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vì sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, nâng cao giá trị, nếu không kiểm soát sẽ bị làm giả, làm nhái.
Phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Theo Đ. T.Chánh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phan-dau-10000-san-pham-ocop-chuan-3-sao-tro-len-d289373.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã