Với 24 lồng nuôi cá, anh Tâm cung cấp cá đặc sản cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch, trừ chi phí anh thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Xã Thung Nai, huyện Cao Phong (Hòa Bình) với lợi thế có mặt nước rộng lớn của lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân sống ven lòng hồ đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, trong đó chủ yếu là nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá trắm đen.
Điển hình là gia đình anh Hà Mạnh Tâm, với nghề nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch đã mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình anh.
Chiều ở Thung Nai, ngồi trên chiếc thuyền chạy máy dầu, đưa tay chạm vào dòng nước mát lạnh, xanh như ngọc, những con sóng rập rờn xô vào thuyền làm tôi có cảm giác như mình đang ở vùng biển chứ không phải ở miền núi rừng Tây Bắc.
"Lướt" trên mặt hồ chừng 20 phút, những lồng nuôi cá của anh Tâm dần hiện ra trước mắt.
Đón chúng tôi lên bè là người đàn ông có vóc dáng chắc khỏe nhưng cất lên lại là chất giọng thanh thoát, nhẹ nhàng. Trò chuyện một hồi, điều làm chúng tôi nhạc nhiên nhất, đó là trước khi đến với nghề nuôi cá lồng anh Tâm từng làm nghề hát chầu văn.
Giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát như đúng với cái nghề anh đã từng trải qua, anh bảo: "Mỗi năm có hàng nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan đền thờ chúa Thác Bờ và đền chúa Hang Miếng, mỗi lần được cất giọng hát, được phục vụ khách tham quan đều là những kỷ niệm khó quên".
Anh Tâm chia sẻ: "Năm 2014, chẳng biết cơ duyên thế nào tôi đã quyết định nghỉ hát chầu văn để chuyển hướng sang nuôi cá lồng. Thung Nai là điểm phát triển du lịch, chính vì vậy tôi đã quyết định về nhà, cùng vợ đầu tư nuôi cá lồng".
Được hỏi, có tiếc nuối khi bỏ hát chầu văn hay không? anh Tâm chỉ cười rồi đáp: "Thời trẻ ai cũng có những đam mê riêng của bản thân mình nhưng nếu đam mê chỉ để phục vụ cho bản thân thì mình lại trở thành con người quá ích kỷ, chính bởi vậy, tôi đã quyết định chuyển sang nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch".
Theo anh Tâm, du lịch đang là một nghề kiếm ra tiền ở Thung Nai, du khách mỗi dịp đến đây có thể đi tham quan đền Thác Bờ, tắm suối và thưởng thức các loại đặc sản ngay trên bè với đặc sản cá lồng, gà nước, xôi nương…Chính bởi vậy, nhiều hộ dân ở Thung Nai đã kết hợp nuôi cá lồng và làm du lịch.
Đi cùng chúng tôi, ông Bùi Văn Chức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thung Nai cho biết, trên địa bàn xã hiện có 71 hộ gia đình đầu tư gần 271 lồng cá các loại, cho thu hoạch trung bình 100 tấn cá, 40 tấn tôm/năm. Nhờ nghề nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch nhiều hộ dân đã đổi đời, khá giả hẳn lên.
Hiện, với 24 lồng nuôi cá, anh Tâm thả nuôi nhiều loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá trắm đen. Anh Mạnh cho biết, trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, dịch Covid-19 đã bắt đầu "giảm nhiệt" nên lượng khách du lịch đến với Thung Nai cũng đã tăng lên nhiều.
Để có thể phục vụ chu đáo nhất mỗi khi có khách du lịch, anh Tâm cũng đã đầu tư, sửa sang lại bè với khu nấu ăn, nghỉ ngơi để khách du lịch có thể ăn uống, thưởng thức đặc sản cá lồng ngay trên bè của mình.
Ngoài ra, anh còn đầu tư 1 thuyền giá trị 800 triệu đồng để có thể đưa khánh du lịch đi thăm quan các điểm ở Thung Nai.
Để có nguồn cá sạch phục vụ khách du lịch, anh Mạnh chủ yếu dùng củ sẵn băm nhỏ kết hợp với ngô để làm thức ăn cho cá. "Mỗi lần có khách thưởng thức các món cá được chế biến từ cá lồng nuôi của gia đình tôi đều khen tấm tắc, thịt cá ăn chắc, thơm".
Mặt khác, theo anh Tâm, nguồn nước trên lòng hồ sông Đà rất sạch nên cá luôn khỏe mạnh, ít bị bệnh, đây cũng là yếu tố giúp cá lồng nuôi trên lòng hồ sông Đà luôn được các thực khách khen ngợi về chất lượng cá.
Anh Tâm bảo: "Có dịp cuối năm, nhiều người dưới Hà Nội còn gọi điện đặt mua cá trước đến vài tuần để làm quà biếu. Đây đều là khách du lịch đã lên đây, thưởng thức cá ngay trên bè nên họ rất tin tưởng vào chất lượng khi mua cá của gia đình tôi".
Chia sẻ với chúng tôi, nhờ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà kết hợp với làm du lịch, mỗi năm anh Tâm đã có thu nhập 300 triệu đồng. "Gia đình đã có thu nhập ổn định, thời gian tới tôi sẽ phát triển thêm số lồng nuôi để có thể đáp ứng nhu cầu của một số nhà hàng và phục vụ khách du lịch mỗi khi đến Thung Nai".
Thung Nai là một xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, tổng diện tích 3.554ha, trong đó, diện tích mặt nước 856,02ha. Nhờ việc phát triển nuôi cá lồng kết hợp với làm du lịch, thu nhập bình quân đầu người ở xã Thung Nai đạt 13,8 triệu đồng/người/năm.
Theo Bình Minh/danviet.vn
https://danviet.vn/hoa-binh-nuoi-ca-long-tren-long-ho-song-da-toan-ca-dac-san-mot-ong-nong-dan-lai-hang-tram-trieu-dong-nam-20210312152026703.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã