Hà Nội: Sản xuất nông sản gắn với tiêu thụ
Thực tế này cho thấy, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phải liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và gắn với thị trường.
Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến việc lưu thông hàng hóa trên thị trường gây tình trạng ùn ứ nông sản tại một số địa phương. Song, một nguyên nhân căn bản khác cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đó là việc nông dân còn sản xuất theo phong trào, không gắn với thị trường tiêu thụ, khiến việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản hay còn gọi là "giải cứu nông sản" lại xảy ra.
Những ngày qua, su hào, cải ngọt ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cũng dư thừa nhiều khiến nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn do bà con nông dân sản xuất chưa theo khuyến cáo của huyện và ngành Nông nghiệp. Thay vì sản xuất 4 vụ rau/năm, nông dân đã tăng lên 5-6 vụ rau/năm, vì vậy khi thương lái chậm thu mua hay các bếp ăn tập thể đóng cửa... dẫn đến nông sản bị dư thừa.
Không riêng rau, củ, nhiều nông dân chăn nuôi gia cầm cũng điêu đứng vì giá bán thấp. Ông Nguyễn Gia Bằng ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) kể, trước đây, trang trại của gia đình ông chỉ nuôi khoảng 500 con gà ta, nhưng do việc nuôi lợn gặp khó khăn vì dịch bệnh nên năm 2020, ông Bằng đã tăng tổng đàn gà ta lên gấp đôi. Đến thời kỳ xuất bán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá gà giảm 20% so với trước đó, thậm chí thương lái bỏ cọc, không mua...
Trong khi một số vùng rau của Hà Nội tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì một số vựa rau khác vẫn tiêu thụ ổn định. Dẫn chứng điều này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Hơn 387ha rau trên địa bàn huyện vẫn tiêu thụ ổn định bởi các hộ sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và hợp tác xã đứng ra liên kết với các siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích bảo đảm đầu ra sản phẩm. Thậm chí có đơn vị sản xuất rau hữu cơ đã tạo được uy tín vẫn không có rau để bán… “Chỉ khi nông dân sản xuất theo hợp đồng và tạo được lòng tin với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm thì khi đó mới tiêu thụ ổn định”, ông Nguyễn Viết Đạt nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: Việc nông dân tăng vụ rau hoặc chăn nuôi không theo khuyến cáo của các ngành chức năng đã dẫn tới dư thừa nguồn cung. Do đó, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu theo nhu cầu thị trường, không chạy theo lợi nhuận trước mắt. Đồng thời, các hợp tác xã phải tổ chức nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng để tránh bị ép giá và liên kết với doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản nông sản, phát triển công nghệ chế biến, thay vì bán sản phẩm tươi như hiện nay.
Còn theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Đào Thế Anh, cần đa dạng thị trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản trực tuyến bởi đây sẽ là một trong những lối ra chủ yếu cho nông sản trong tương lai.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 194/QĐ-TTg (ngày 9-2-2021) về phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở cho các tỉnh, thành phố tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Triển khai Đề án này, trong thời gian tới, Hà Nội và các địa phương cần đặc biệt chú trọng việc củng cố, phát triển mô hình hợp tác xã thương mại, dịch vụ như một trung gian giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, phân phối để tổ chức cung ứng và tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp...
Hà Nam: Rau xuống giá sâu khiến nông dân thua lỗ nặng
Hiện nay, HTX nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) đang có gần 2 ha trồng bắp cải, với khoảng 25 nghìn cây. Trong đó 5 nghìn cây đang ở thời điểm thu hoạch. Toàn bộ số bắp cải này đều được HTX sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, giá bán hiện nay xuống rất thấp, chỉ ở mức 2 nghìn đồng/kg, tương đương 4 – 5 nghìn đồng/cây, giảm 50 – 60% so với giai đoạn trước Tết Nguyên đán, chưa đủ chi phí, bởi để sản xuất bắp cải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, HTX nông sản an toàn Liên Hiệp phải chi phí lên đến hơn 4.000 đồng/cây, riêng tiền giống 1.000 đồng/cây.
Không chỉ giá thấp, mức tiêu thụ cũng rất chậm, mỗi ngày HTX chỉ xuất ra thị trường được khoảng 200 cây, bằng 30% mức bình thường. Trong khi đó, cây bắp cải đến tuổi không được thu hoạch gặp mưa dẫn đến nổ hàng loạt, giảm chất lượng và sau Tết Nguyên đán, HTX đã phải phá bỏ làm phân khoảng hơn 5.000 cây bắp cải bị nổ, thiệt hại khá lớn.
Anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Hiệp cho biết: HTX thường xuyên sản xuất 4 ha rau, củ, quả các loại, trong đó tập trung chính vào cây bắp cải. Số lượng rau sản xuất ra được đưa vào các siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch, bếp ăn tại Hà Nội, Hà Nam và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, dịp sát và sau Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ giảm hẳn và giá bắp cải xuống quá thấp, riêng lứa rau này thiệt hại hàng chục triệu đồng. HTX hiện còn khoảng 20 nghìn cây bắp cải sẽ cho thu hoạch trong khoảng từ 10 – 20 ngày nữa, hi vọng giá bán sẽ tăng.
Tại các vùng trồng rau xanh trên địa bàn tỉnh, tình trạng rau chính đông (bắp cải, su hào) còn rất nhiều trên ruộng. Như tại xã Bình Nghĩa (Bình Lục) nhiều ruộng trồng bắp cải gần như còn nguyên dù đã đến thời điểm thu hoạch. Có những ruộng bắp cải bị nổ bung nhiều do quá lứa gặp mưa không thể bán được, su hào không có người mua, củ già người dân phải cày lẫn vào đất để làm phân.
Với HTXDVNN Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) trồng tổng số 20 ha rau màu, trong đó có 8 ha cây bắp cải đều bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Trong tháng 1/2021, HTXDVNN Hạ Vỹ đã liên hệ với đầu mối tại Hải Dương thu mua gần 100 nghìn cây, giá gần 10 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên, khi dịch Covid - 19 xuất hiện đầu mối tiêu thụ tại Hải Dương bị dừng, giá rau bắp cải bắt đầu xuống thấp.
Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán thương lái về mua bắp cải tại đầu ruộng, giá giảm xuống dưới 1.000 đồng/cây. Hiện nay, giá bán bắp cải đã nhích lên nhưng cũng chỉ được 2 nghìn đồng/kg. Không chỉ có giá bắp cải, su hào xuống thấp mà giá nhiều loại rau xanh khác cũng giảm từ 10 – 30%.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc HTXDVNN Hạ Vỹ, đã nhiều năm giá rau xanh sang đầu xuân mới lại xuống thấp như hiện nay. Lứa rau đông cuối cùng này, người nông dân thua lỗ khá nhiều. Hiện nông dân đang cố gắng để thu hồi được một phần vốn và giải phóng nhanh đất để chuyển trồng rau vụ xuân bù vào thiệt hại của rau chính đông.
Qua tìm hiểu được biết, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá rau xanh xuống quá thấp như hiện nay. Trong đó đáng chú ý là dịch bệnh Covid - 19 bùng phát nhiều địa phương thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn ngừng hoạt động dẫn đến nhu cầu tiêu thụ rau xanh giảm. Cùng với đó, một lượng khá lớn rau xanh được tiêu thụ qua nguồn xuất khẩu cũng dừng lại. Sang xuân một số loại rau ăn lá ngắn ngày được trồng lên nhanh thay thế cho rau chính đông (su hào, bắp cải). Thực tế, rau xanh được người dân tiêu thụ chủ yếu ngoài thị trường tự do nên giá bán không ổn định theo từng thời điểm. Mặt khác, việc sản xuất vẫn chủ yếu tự phát, không theo kế hoạch dẫn đến khi diện tích trồng nhiều, nguồn tiêu thụ giảm, giá bán xuống thấp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT) cho biết: Theo quy luật, những loại rau xanh chính đông sang đầu xuân thường xuống giá. Tuy nhiên, năm nay do tác động của dịch Covid-19, rau xuống giá sâu hơn dẫn đến người nông dân thua lỗ. Đây là vấn đề người dân cần chủ động tính toán tổ chức sản xuất phù hợp trong vụ đông tới, không để lượng rau chính đông chuyển sang xuân quá nhiều.
Thanh Hóa: Đưa ngành nông nghiệp tăng trưởng trong năm 2021
Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3% trở lên; trong đó, nông nghiệp 2,4%, lâm nghiệp 6,2%, thủy sản 5,6%. Sản lượng lương thực 1,5 triệu tấn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,5%. Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Giải pháp hàng đầu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tiếp tục lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận, ưu tiêu sử dụng các giống cây trồng có thị trường tiêu thụ và sản xuất theo hợp đồng.
Tiếp tục chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, tổ chức sản xuất với quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, tạo chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng. Phân công các tổ công tác thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, hướng dẫn nông dân về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Cùng với các giải pháp về trồng trọt, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi; trong đó, chú trọng thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, áp dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng và xây dựng cụm chăn nuôi công nghiệp, liên kết chặt chẽ với chế biến thực phẩm.
Phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lớn. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.
Các giải pháp phát triển thủy sản cũng đã được hoạch định và triển khai thực hiện. Trong đó, một số nhóm giải pháp đang được tập trung triển khai và đạt hiệu quả cao, như: phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương. Ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, ngao. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, khai thác theo tổ đoàn kết, tăng cường các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch...
Nỗ lực thực hiện các giải pháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng 168.822 ha/201.000 ha cây trồng vụ đông xuân các loại, đạt 84% kế hoạch. Diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 9.540 ha/17.084 ha, đạt 55,8% diện tích, sản lượng thu mua mía nguyên liệu của các công ty mía đường ước đạt 477.000 tấn. Công tác tái đàn và phòng, trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi được đẩy mạnh. Hiện các con nuôi chủ lực đang được duy trì ổn định, với 11.765 con bò sữa, 70.200 con bò thịt chất lượng cao, 550.000 con lợn hướng nạc, 8 triệu con gà lông màu. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm 23.550 tấn/194.000 tấn, đạt 12,14% kế hoạch. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 9.987 tấn, sản lượng khai thác đạt 13.563 tấn.../.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã