Với mô hình trồng dâu tây mới lạ, táo bạo này, sau 2 mùa vụ (tức là khoảng 8 tháng) anh Võ Hoàn Hảo, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai sẽ có lãi sau khi trừ 1,6 tỷ đồng đầu tư ban đầu
Kỹ sư nông nghiệp làm giàu ở nông thôn
Trở về vùng đất nắng nóng huyện Ia Grai, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Gia Lai vào những ngày tiết trời oi bức.
Vì thời tiết quá nắng nóng, nên phần lớn người dân đang "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để tưới tắm cho vườn cà phê của gia đình, mong được một mùa bội thu.
Trái lại với sự vất vả của những nông dân tưới cà phê thì trong vườn dâu tây Nhật Ngọt 1,1 ha của anh Hảo chúng tôi thấy được sự nhàn nhã của những nhân công thu hái dâu bên trong khu vườn.
Chúng tôi gặp được kỹ sư bảo vệ thực vật 8X Võ Hoàn Hảo trong lúc anh đang cùng nhân công thu hái dâu tây để kịp giao cho khách.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Hảo kể lại: "Ngay từ nhỏ mình đã có đam mê với các loại rau, quả. Cũng may khi lớn lên được gia đình ủng hộ sau khi ra trường lấy tấm bằng kỹ sư bảo vệ thực vật mình được bố mẹ cho đất để thử nghiệm trồng dâu tây....".
Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng chỉ có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt mới trồng được dâu tây. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thử nghiệm thì anh Hoàn Hảo đã thành công từ việc cho giống dâu tây Nhật ngọt sống trên vùng đất nắng nóng như huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai.
Hiện tại, vườn dâu của Hảo có diện tích 1,1 ha bao gồm dâu tây trồng trong nhà kính và dâu tây trồng bên ngoài trời. Sở dĩ, anh trồng ở 2 nơi khác nhau là bởi muốn kiểm chứng, đối chứng xem dâu tây trồng theo phương thức nào sẽ thích hợp, chất lượng và năng suất cao hơn...
"Dâu tây trồng trong nhà kính thì quả căng bóng, đẹp và to hơn nhưng chua hơn trồng ngoài trời. Ngược lại,dâu tây trồng ngoài trời rất ngọt nhưng quả xấu và nhỏ. Vì thời tiết ở huyện Ia Grai khá nóng nên trong nhà kính và ngoài trời mình đều làm luống bằng ván gỗ, sau đó phủ rơm rồi trồng dâu tây lên....".
Theo anh Hảo, làm luống bằng ván gỗ và phủ rơm trong trồng dâu tây vừa thuận theo tự nhiên, lại giữ được độ ẩm cho cây dâu.
Vì muốn cây dâu tây phát triển bền, lại giữ được chất lượng dinh dưỡng trong đất nên anh Hảo ưu tiên trồng theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng và tránh tối đa sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Với cách trồng dâu tây này, năng suất dâu tây không cao nhưng ngược lại cây dâu tây sẽ phát triển bền vững, cho trái chất lượng...", anh Hảo phân tích.
Tập tành thử nghiệm từ năm 2018, nhưng mãi đến năm 2020 thì vườn dâu tây của anh mới bắt đầu thu hoạch rộ.
Trước đó, anh cũng thu hái dâu tây rải rác nhưng không đáng kể, vì lúc mới thử nghiệm diện tích còn ít, chất lượng cũng chưa đạt.
Nhờ được sự hậu thuẫn từ gia đình, anh Hảo đã mở rộng vườn dâu từ mấy m2 lên đến hơn 1 ha. Theo dự tính của anh Hảo, nếu thu dâu tây hết vụ mùa năm nay, anh sẽ có lãi sau khi trừ chi phí vốn đầu tư ban đầu là 1,6 tỷ đồng.
Xây dựng thương hiệu dâu tây Nhật ngọt tại Gia Lai
Hiện tại, mỗi ngày anh Hảo xuất bán từ 40-50kg dâu tây Nhật ngọt với giá dâu tây là 200.000 đồng/kg. Đến với khu vườn dâu tây của chàng trai 8X này, khách hàng sẽ có 2 cách lựa chọn. Thứ nhất, khách hàng tự hái dâu tây tại vườn và tự cân tính tiền, thứ hai chủ vườn sẽ hái cho họ.
"Phần lớn khách hàng của mình là những cửa hàng rau sạch ở TP Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn, Đà Nẵng và Đăk Lăk. Giống dâu Nhật ngọt này chỉ thu hoạch từ tháng 12-3 (âm lịch), thời gian còn lại mình sẽ tập trung phát triển cây, ươm dâu tây giống...".
Nhiều khách hàng cũng như người thân đều thắc mắc, tại sao anh Hảo không trồng loại dâu thu hoạch quanh năm? Tuy nhiên, những loại giống dâu cho ra quanh năm sẽ không ngọt và ngon.
Những năm đầu thử nghiệm anh cũng đã từng trồng giống dâu tây cho ra quả quanh năm nhưng sau này thấy không đắt khách nên chuyển qua loại dâu Nhật ngọt này. Với lại hiện nay khách hàng cũng cần chất lượng hơn là số lượng...
Không chỉ bán quả dâu tây, anh Hảo còn ươm giống dâu tây để bán. Cứ mỗi năm vào vụ trồng dâu tây, anh xuất bán từ 25.000-30.000 cây dâu tây. Tùy loại cây dâu tây sẽ có giá khác nhau.
Nếu cây dâu tây nhỏ có giá 7.000 đồng/cây, cây dâu tây lớn đã cho trái có giá 25.000-30.000 đồng/cây.
"Trước đây, Hảo nó lấy giống dâu tây Mỹ ở vườn nhà chú đem về trồng nhưng một thời gian sau thấy Hảo lại trồng giống dâu tây Nhật ngọt. Vào thăm vườn, chú ăn thì thấy dâu tây ngọt lắm nên hôm nay quyết định mua về trồng thử. Hiện vườn chú đang trồng 1 sào dâu tây giống Mỹ cũng thấy phát triển lắm, hy vọng giống Nhật ngọt này sẽ thích hợp", chú Nguyễn Văn Trung (trú xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) cho biết.
"Khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào trồng dâu tây Nhật ngọt chính là mất thời gian và tiền bạc để đầu tư. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu thay đổi thất thường nên việc thử nghiệm giống gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, ở Gia Lai lại ít vườn để học hỏi kinh nghiệm…", anh Hảo bộc bạch.
Để có đầu ra ổn định, anh Hảo đã lập chuỗi liên kết, kết hợp góp vốn với 2 gia đình ở TP.Pleiku và Đăk Đoa (Gia Lai). Hai khu vườn này hiện đang trồng trong nhà lồng với diện tích 800m2. Cũng có kinh nghiệm trong quá trình theo học ngành bảo vệ thực vật nên anh Hảo được giao cho trọng trách phụ trách kỹ thuật và đầu ra.
Theo anh Hảo, thời gian tới sẽ mở rộng thêm diện tích dâu tây Nhật ngọt nhằm đủ số lượng bỏ sỉ cho một số khách hàng ở các tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, anh đang chú trọng nâng cấp sản phẩm của mình, phát triển theo hướng Vietgap và xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ.
Theo Trần Hiền/danviet.vn
https://danviet.vn/trai-pho-danh-lieu-trong-giong-dau-tay-la-moi-trong-2-vu-ban-trai-da-du-2-ty-dong-tra-von-20210312130954241.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã