Từ giữa tháng 2 đến nay, giá tiêu liên tục tăng mạnh khiến người trồng tiêu vô cùng phấn khởi, đặc biệt khi bà con mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính.
Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai hiện khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg đầu giá. Thậm chí một số nơi, bà con đã bán tiêu với giá 70.000 đồng/kg đầu giá.
Quyết giữ vườn tiêu trong thảm cảnh "vàng đen" lao dốc
Những ngày này, PV Dân Việt không quá khó để bắt gặp không khí nhộn nhịp, hào hứng thu hoạch tiêu của nông dân Tây Nguyên. Thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch chính của nông dân trồng tiêu, đặc biệt là ở các vùng trồng tiêu trọng điểm như Đăk Nông, Gia Lai. Tuy nhiên, trước thảm cảnh "vàng đen" lao dốc vì giá cả và dịch bệnh, nhiều nông dân đã không thể kiên trì giữ lại vườn tiêu của mình. Bên cạnh đó, họ không đủ chi phí để phục hồi, chăm sóc vườn tiêu nên đành ngậm ngùi chặt bỏ.
Ấy vậy mà, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu quyết tâm giữ lại vườn tiêu bằng mọi cách khi mà hồ tiêu đang rơi vào thảm cảnh rớt giá, dịch bệnh. Bởi vợ chồng chị luôn cho rằng, hồ tiêu chính là cây trồng chủ lực của bà con nói chung và gia đình chị nói riêng. Có được cơ ngơi như hiện tại, vợ chồng chị cũng nhờ cây tiêu.
Tâm sự với PV Dân Việt, người phụ nữ chân đất bộc bạch: "Không phải hiện tại giá tiêu lên mà tôi nói như vậy. Ngay cả khi giá tiêu không may giảm trở lại thì gia đình tôi vẫn giữ vườn, giữ loại cây đã gắn bó với hai vợ chồng từ lúc khốn khó đến khi giàu sang. Có thời gian hồ tiêu còn hơn 30.000 đồng/kg, hai vợ chồng cũng chật vật lắm, từ tiền nhân công đến chi phí chăm sóc…vì vườn rộng đến 5ha mà tiêu thì cần nhiều công cán. Tuy nhiên, xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực, cây dài ngày nên khi trồng tiêu hai vợ chồng đã có hướng trồng thêm các loại cây khác như cây ăn quả, đậu, bắp… với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Hai vợ chồng xác định làm nông nghiệp bền vững là phải trồng nhiều loại cây, khi cây này được giá thì bù qua cây khác mất mùa, mất giá. Có thời điểm cà phê rớt giá thì mình lấy tiêu bù qua, tiêu rớt giá thì mình lấy cây ăn quả bù lại. Nói chung làm nông nghiệp là vậy".
Thời điểm năm 2017, 2018, theo cô Thu xác định là thời gian dịch bệnh khiến nhiều diện tích tiêu của gia đình không thể trụ lại. Đến năm 2019, khi dịch bệnh được kiểm soát thì giá tiêu liên tục giảm mạnh chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ trồng chanh dây, cà phê, cây ăn quả… Lúc này chị Thu cũng trồng những loại cây như người dân tại địa phương trồng. Nhưng thay vì bỏ tiêu để trồng cây ăn quả thì chị lại phát triển song song, vừa chăm sóc hồ tiêu, vừa xen canh, trồng thêm các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, ổi…
Làm nông nghiệp bằng cách lấy ngắn nuôi dài chính là hướng đi của vợ chồng chị Thu. Ngoài ra, sau thời gian tiêu liên tục chết vì dịch bệnh, gia đình cô đã quyết định chăm sóc và phát triển tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện tổng diện tích vườn tiêu của gia đình chị là 5 ha, trong đó 2 ha tiêu thường và 3 ha tiêu hữu cơ. Chỉ quan sát bằng mắt thôi, ai ai cũng đã nhận ra vườn tiêu hữu cơ của chị rất xanh tốt và cho năng suất cao hơn 2 ha tiêu còn lại.
Trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chậm mà chắc
"Để làm nông nghiệp bền vững, gia đình xác định đi theo hướng hữu cơ đối với cây hồ tiêu. Bởi lẽ, những năm gần đây biến đổi khí hậu quá khắc nghiệt làm cho cây tiêu bị chết nhanh rất nhiều. Trước giờ, theo nông nghiệp truyền thống bà con thường dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan nên thành ra tuổi thọ của cây tiêu rất thấp. Mình là đi sau, đi muộn nên xác định phải đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, như vậy sẽ bảo vệ sức khỏe cho gia đình rồi người làm cho mình. Bên cạnh đó, tuổi thọ của cây tiêu cũng được kéo dài hơn, chống chọi được với bệnh tật, khí hậu, môi trường hiện nay", chị Thu chia sẻ.
Tuy nhiên, khi nói về sản lượng của hồ tiêu khi đi theo hướng này, chị Thu cho biết, việc phát triển tiêu theo hướng hữu cơ, sản lượng rất thấp. Tuy nhiên, sản lượng ổn định, năm nào cũng như vậy. Nhìn thì cây rất sai quả, xanh tốt nhưng khi thu hoạch xong thì 1 cây trung bình chỉ khoảng 2kg hạt.
Ba ha tiêu của gia đình cô đã đi theo hướng hữu cơ được 3 năm nay. Theo dự tính 3 ha tiêu hữu cơ này sẽ đạt từ 9-10 tấn, còn 2 ha tiêu thường sẽ đạt từ 13-14 tấn. Dù năng suất tại Gia Lai vụ tiêu năm nay dự tính sẽ giảm, tuy nhiên việc phát triển theo hướng hữu cơ của gia đình cô Thu năng suất luôn ổn định. Song song với việc phát triển tiêu, cô Thu còn xen canh hơn 1.000 cây sầu riêng.
Việc đi theo hướng hữu cơ đối với cây tiêu, theo cô Thu phải chú trọng đến đầu vào dinh dưỡng cho cây. "Thứ nhất, không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, thứ hai không dùng phân bón hóa học. Đặc biệt, nền đất nơi cung cấp dinh dưỡng cho cây phải dùng phân bò đã ủ, để tạo chất mùn hữu cơ tốt nhất cho đất. Trước khi vô vụ mới phải ủ rất nhiều phân bò, với mục đích bón lót cho cây, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học", cô Thu phân tích.
Tính đến thời điểm hiện tại, vườn tiêu của gia đình cô Thu đã thu hoạch được khoảng 60%. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch về cô chưa bán mà đang phơi khô, trữ hàng chờ tăng giá.
Theo Trần Hiền/danviet.vn
https://danviet.vn/gia-tieu-tang-nong-cap-vo-chong-cam-chac-tien-ty-nho-chung-thuy-giu-5ha-tieu-thoi-bao-gia-2021031312171735.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã