Phát huy tối đa nội lực
Với tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế làng nghề, đến nay trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch; nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, an toàn đạt chuẩn theo quy định: Tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), VIETGAP…
Anh Đỗ Văn Cường, chủ một cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà là người có đôi tay tài hoa trong nghề đục điêu khắc. Quá trình làm nghề, anh đã sáng tạo ra hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm chạm khắc tinh xảo, đặc sắc. Ảnh: Minh Ngọc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Anh đã hình thành nhiều cơ sở chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm, các làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy (các sản phẩm như: bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng, bánh chưng Liên Hà, đậu làng Chài Võng La…), từ đó hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Sản phẩm sản xuất ra được kiểm tra chất lượng, được gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin về sản phẩm và kết nối cung cầu.
Ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết: “Đầu năm 2018, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm huyện Đông Anh đã chính thức đi vào hoạt động và kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố. Đến nay, hệ thống đã có trên 700 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, làng nghề”.
Năm 2019, sản phẩm "Điêu khắc quả mít" của anh Cường đã được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP ba (3) sao. Ảnh: Minh Ngọc.
Theo đó, ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 3629/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP.Hà Nội đến năm 2020, để nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, huyện Đông Anh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện đến năm 2020 đến toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, chủ thể sản xuất và người dân.
Phát huy tối đa nội lực sẵn có, cũng như có hướng đi bài bản từ khâu tổ chức hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự chương trình, chỉ đạo tổ chức khảo sát, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn, đánh giá.
Năm 2019 huyện Đông Anh được thành phố Hà Nội công nhận 20 sản phẩm OCOP. Trong đó tiêu biểu có 2 sản phẩm đạt 4 sao (tượng gỗ Long Mã, đậu phụ sạch Dafusa), 18 sản phẩm đạt 3 sao.
Khảo sát, đánh giá 233 sản phẩm
Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Đông Anh đã quyết định xây dựng Đề án phát triển nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 – 2025 theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Bà Trần Thị Thanh cho biết, trước đây gia đình cũng chỉ chăn nuôi gà thịt thương phẩm. Năm 2019, bà Thanh đã thành lập cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh với 2 sản phẩm là gà ác tần thuốc bắc và cháo gà ác gạo lứt. Hiện tại cơ sở sản xuất của bà Thanh đã tự chủ về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như khâu chế biến thành phẩm. Ảnh: Minh Ngọc.
Là năm đầu tiên có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bà Trần Thị Thanh (chủ cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh) cho biết: “Cơ sở mới đi vào hoạt động sản xuất chế biến từ năm 2019. Để việc tiếp cận thị trường được dễ dàng cũng như mong muốn thành phố và huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường nên đã quyết định đăng ký sản phẩm OCOP”.
Bà Thanh cũng cho biết thêm, trước đây gia đình bà chủ yếu nuôi gà thịt thương phẩm. Đến năm 2019, bà đã thành lập sơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh với 2 sản phẩm gà ác tần thuốc bắc và cháo gà ác gạo lứt.
2 sản phẩm gà ác tần thuốc bắc và cháo gà ác gạo lứt của cơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Ảnh: Minh Ngọc.
“Nếu được gắn “sao” OCOP trên sản phẩm gà ác tần thuốc bắc và cháo gà ác gạo lứt thì sẽ có cơ hội được phân phối tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho cả người nông dân, doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng” – bà Thanh kỳ vọng.
Để tạo động lực thúc đẩy chương trình OCOP của huyện Đông Anh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho hay, huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững để đẩy mạnh chương trình OCOP của huyện, qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
“Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các chủ thể cũng cần xây dựng hướng đi bài bản, thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao chất lượng, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm,… Đây cũng là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của địa phương” – ông Thiềng chia sẻ.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
http://danviet.vn/nong-thon-moi/huyen-dau-tien-cua-ha-noi-phan-hang-san-pham-ocop-la-huyen-nao-1082372.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã