LTS: Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là một quyết định rất hợp lòng dân, nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận. Bởi quyết định này ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người dân đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, và họ đang mong chờ từng ngày có quyết định này để sớm nhận được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo nghị quyết của Chính phủ. Theo quyết định, các đối tượng sau sẽ được nhận hỗ trợ: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; Hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020; tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này đến đúng đối tượng một cách nhanh nhất và chính xác nhất vẫn còn mất khá nhiều thời gian do nhiều vướng mắc khách quan và chủ quan. Loạt bài "Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Bao giờ tới tay người dân?" sẽ phản ánh tâm tư của những đối tượng chính của gói hỗ trợ, nêu ra một số khó khăn trong việc thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này của cơ quan quản lý, với mong muốn góp 1 tiếng nói để cùng Nhà nước tháo gỡ vướng mắc, giúp gói hỗ trợ đến với đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách kịp thời và công bằng nhất. |
Kỳ 1: Người lao động chờ hỗ trợ, địa phương chờ thông tư
Không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang rất rối khi không biết thực hiện việc khảo sát, thống kê với nhóm lao động tự do thế nào để triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng tới đúng đối tượng.
Kiếm sống qua ngày trong lúc chờ hỗ trợ
Sau một thời gian tìm hiểu, anh Lê Huy Nam (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một lái xe công nghệ được biết mình thuộc diện được hỗ trợ tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Anh Nam cho biết: "Qua đài báo, tôi được biết mình làm nghề lái xe hai bánh (xe ôm) thuộc diện lao động tự do được hỗ trợ, nhưng khi hỏi cán bộ phường, tổ dân phố, họ lại nói tôi không được hỗ trợ, chỉ có xe ôm truyền thống mới được hỗ trợ".
Quá thất vọng, anh Nam cho biết trong lúc chờ đợi, anh vẫn phải túc tắc chạy xe với hy vọng kiếm được vài chục sống qua ngày.
Anh Nam - một lái xe công nghệ cho biết đang rất thất vọng vì có thể sẽ không được nhận gói hỗ trợ. Ảnh: M.N
Trao đổi với một cán bộ phường làm công tác rà soát đối tượng lao động tự do ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), vị này cho hay do hiện giờ chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, nên bà đang phải vận dụng những điều kiện trong Quyết định 15/2020/QĐ- TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
"Tuy nhiên, tôi thấy các điều kiện này cũng chưa thực sự rõ ràng phù hợp. Ví dụ, quyết định quy định các lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ là lao động có mức thu nhập dưới 700.000 đồng/tháng, hay lao động phải có tạm trú. Nhưng thực tế, không phải lao động tự do nào cũng đáp ứng điều kiện này. Nhiều lao động di cư tự do không có tạm trú, làm ăn kinh doanh trên địa bàn, mất việc nhưng họ có thể vẫn bán thêm hàng online kiếm sống. Nếu tính dựa theo thu nhập, rất khó để khảo sát bởi, không thể biết họ thu nhập cao hơn hay thấp hơn 700.000 đồng/tháng", vị này nói.
Chính bởi khó khăn này mà hiện nay, theo cán bộ phường này, đến giờ, địa phương vẫn mới phát phiếu khảo sát mà chưa thể chốt danh sách thống kê lao động tự do cần hỗ trợ theo đúng diện của gói 62.000 tỷ đồng.
Cũng như Hà Nội, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang rất rối khi không biết thực hiện việc khảo sát, thống kê với nhóm lao động tự do thế nào.
Bà Trần Thị Hương - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.Thanh Hóa cho biết hiện, thành phố cũng chưa thể thực hiện rà soát thống kê với nhóm lao động này. Thành phố vẫn đang chờ hướng dẫn cấp trên mới rà soát được.
“Thành phố đã rà soát xong đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Còn thực tế nhóm lao động tự do, đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn. Về mặt hồ sơ, thủ tục, hướng dẫn thế nào thì phải chờ thông tư của các bộ, ngành”, bà Hương thông tin.
Nhiều lao động tự do đang cầm cự chờ hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Ảnh: M.N
Chờ thông tư hướng dẫn cụ thể
Còn tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), một số xã cũng đang tiến hành khảo sát, rà soát đối tượng thụ hưởng từ gói 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khảo sát đối tượng lao động tự do, lao động không có hợp đồng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Dục - Phó trưởng Phòng LĐTBXH cho biết: "Hiện nay, phòng đã triển khai công việc về tới xã, nhưng do chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc rà soát lao động tự do nên chưa thể thực hiện. Với nhóm đối tượng khác, hiện đã có con số thống kê cụ thể".
Theo số liệu của Sở LĐTBXH Thanh Hóa, hiện nay, số lượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của địa phương là 73.600 đối tượng; số lượng được bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 201.053 người; số lượng người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 539.161 người. |
Ông Trịnh Ngọc Dũng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhóm đối tượng được hỗ trợ Sở đang quản lý đã được rà soát xong, riêng đối tượng là lao động tự do phải chờ hướng dẫn. Lao động tự do là đối tượng nào, tiêu chí chọn là gì? Vì nếu nói lao động tự do thì rất nhiều và không cụ thể".
Thực tế, việc đưa đối tượng lao động tự do vào nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội là cần thiết và đúng đắn. Nhưng để đảm bảo tiêu chí đúng và đủ, ngoài việc xác định các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, cần kèm theo các tiêu chí để nhận hỗ trợ. Chỉ khi có thông tư hướng dẫn cụ thể, với điều kiện rõ ràng, các địa phương mới vào cuộc nhanh và rà soát, thống kê hiệu quả được.
Theo Sở LĐTBXH Thanh Hóa dự kiến số kinh phí hỗ trợ cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh là hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ là 50% và địa phương tự cân đối 50% kinh phí. Kinh phí tổ chức chi trả và kiểm tra, giám sát là 3 tỷ đồng, do ngân sách địa phương đảm bảo.
Thống kê ban đầu cho thấy, lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên là 65.000 người (tháng 4 là 32.000 lao động, tháng 5 là 18.000 lao động, tháng 6 là 15.000 lao động). Lao động bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II/2020 dự kiến là khoảng 20.000 lao động (tháng 4 là 10.000 lao động, tháng 5 là 8.000 lao động, tháng 6 là 2.000 lao động).
Lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm dự kiến trong quý II/2020 là khoảng 190.000 người. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4 là khoảng 65.666 hộ.
"Dự kiến trong tháng 4 này, 6 nhóm đối tượng chịu tác động của dịch Covid -19 gồm: Người có công; người nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người lao động có hợp đồng bị mất việc, ngưng việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chủ sử dụng; hộ kinh doanh cá thể sẽ được hỗ trợ. Riêng nhóm đối tượng lao động tự do thì có thể sẽ phải chờ muộn hơn" - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết. |
(Còn nữa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã