Nhằm sớm chủ động việc tiêu thụ cho vụ vải thiều năm 2020, ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra tình hình sản xuất cũng như thảo luận cùng UBND tỉnh Bắc Giang về các giải pháp chuẩn bị, nhất là trong kịch bản dịch Covid-19 có thể kéo dài, gây khó khăn cho công tác tiêu thụ, xuất khẩu.
Đến thời điểm này, các diện tích vải thiều vụ sớm tại tỉnh Bắc Giang đã ra quả non, dự kiến có thể chín và thu hoạch trong khoảng từ 45-50 ngày nữa. Theo đánh giá của tỉnh, mặc dù trà vải thiều chính vụ năm nay không sai quả như mọi năm, tuy nhiên trà vải sớm, với diện tích khoảng 6.000 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Yên lại sai quả, dự kiến được mùa lớn sản lượng dự kiến khoảng 45.000 tấn).
Tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên), nơi tập trung khoảng 600 ha vải thiều vụ sớm, với giống vải chủ lực là u hồng, hiện các vườn đều đã đậu quả trĩu trịt. Bà Phạm Thị Hà, một chủ vườn có hơn 1ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP phấn khởi đánh giá: Chưa năm nào, vải vụ sớm tại Phúc Hòa ra quả sai, đều quả như năm nay.
Theo bà Hà, năm 2019, 1ha vải của gia đình chỉ thu được khoảng 8 tấn quả thì dự kiến năm nay, nếu không gặp điều kiện bất thường, vải vụ sớm sẽ cho năng suất ít nhất 10 tấn/ha.
Vải sớm chất lượng không tốt bằng vải thiều chính vụ, tuy nhiên giá thường lại cao do tranh thủ tiêu thụ được đầu vụ khi sản lượng còn ít.
“Năm ngoái, giá vải sớm bình quân có giá khoảng 25.000 đ/kg, có lúc trên 30.000 đ/kg nên mặc dù không được mùa, các gia đình cũng thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha. Năm nay vải sớm rất được mùa, hi vọng giá sẽ giữ được như năm ngoái”, bà Hà cho biết.
Theo UBND xã Phúc Hòa, vải chín sớm của xã này hiện chiếm trên 50% tổng diện tích vải sớm toàn huyện Tân Yên, nhưng có mức độ thâm canh cao nên thường xuyên chiếm trên 70% sản lượng toàn huyện (khoảng 10 nghìn tấn), với giá trị bình quân 300 triệu đồng/ha.
Hiện nay, Phúc Hòa đã được Cục BVTV cấp 17 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, lượng vải vụ sớm tại đây xuất khẩu không đáng kể, mà chủ yếu được các doanh nghiệp, thương lái thu mua để tiêu thụ tại thị trường nội địa do đầu vụ luôn có giá rất cao.
Làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết năm nay, tổng diện tích vải của tỉnh Bắc Giang khoảng trên 28.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 160 nghìn tấn, tăng khoảng 10 nghìn tấn so với năm 2019.
Trong đó, trà vải thiều chính vụ chiếm khoảng trên 22 nghìn ha, sản lượng ước đạt 115 nghìn tấn. Về thời vụ thu hoạch, trà vải sớm sẽ tập trung thu hoạch từ khoảng ngày 10/5 đến 10/6/2020, vải chính vụ dự kiến thu hoạch tập trung từ 10/6 đến khoảng 20/7/2020.
Đến nay, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 15.000 ha (chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh), với sản lượng ước đạt 110.000 tấn (chiếm 68,7% tổng sản lượng vải của tỉnh) và khoảng trên 80 ha vải đã được chứng nhận GlobaGAP. Đến năm 2020, toàn tỉnh vẫn duy trì được 149 mã số vùng trồng tại 4 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn), với diện tích 15.856 ha (chiếm 56,37% tổng diện tích vải); sản lượng ước đạt 94.400 tấn (chiếm gần 60% tổng lượng sản lượng vải) nhằm phục vụ cho xuất khẩu (trong đó chủ yếu là mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc).
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đã triển khai cấp được tổng số 288 cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.
Với thị trường Nhật Bản, ngay sau khi Bộ NN-PTNT công bố đã được phía Nhật Bản cho phép xuất khẩu quả vải hồi cuối năm 2019, Bắc Giang đã sớm bắt tay ngay vào việc chuẩn bị các điều kiện nhằm sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường này ngay trong niên vụ 2020.
Cụ thể đến nay, Cục BVTV lựa chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận được tổng cộng 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha. Tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục BVTV cũng đã thực hiện lựa chọn, hướng dẫn lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sơ chế - phân loại, xử lý - xông hơi khử trùng - đóng gói, bảo quản khép kín đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản tại Công ty Toàn Cầu (Lục Ngạn), với công suất 2 tấn/lần xông hơi khử trùng, 3 giờ/lần.
Đồng thời, hiện mời gọi được 3 doanh nghiệp (Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu) tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, dự kiến lô hàng xuất khẩu để chào hàng sẽ thực hiện cuối tháng 5/2020.
Nhìn chung, công tác chỉ đạo sản xuất gắn với tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đến thời điểm hiện nay được thực hiện theo đúng kế hoạch; các trà vải đều sinh trưởng phát triển tốt, tình hình sâu bệnh được kiểm soát chặt chẽ.
Đối với thị trường Mỹ, Úc, EU..., năm 2020, Bắc Giang tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích 218 ha tại huyện Lục Ngạn (sản lượng ước đạt trên 1.500 tấn) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã sớm chủ động thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, các tỉnh biên giới Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng… để bám sát tình hình xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, nắm bắt thời gian cho phép thông quan tại các cửa khẩu, số giờ cho phép thông quan, quy định lái xe, vận tải; điều kiện, thời gian và công suất xuất khẩu bằng đường sắt Lạng Sơn - Bằng Tường để đưa ra các khuyến cáo kịp thời.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng phương án tiêu thụ vải thiều cho cả 2 tình huống: Tình hình dịch Covid-19 có diễn biến thuận lợi, xuất khẩu vải ổn định và tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.
Xác định thị trường Trung Quốc sẽ vẫn là chủ lực về xuất khẩu trong niên vụ 2020, ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, mặc mặc dù hiện nay, dịch Covid-19 ở cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang có dấu hiệu tích cực, tuy nhiên việc thông thương xuất khẩu cho quả vải sẽ vẫn cần chuẩn bị mọi phương án trong tình huống phức tạp.
Vì vậy trong thời gian tới, Bắc Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan tiếp tục làm việc với các cơ quan của phía Trung Quốc để tiếp tục tháo gỡ, nhất là cách tổ chức thông thương, kéo dài thời gian thông quan các cửa khẩu...
Đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị các phương án tiêu thụ vải năm 2020 của tỉnh Bắc Giang, nhất là các kịch bản trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Hiện Bắc Giang chiếm trên 50% tổng diện tích vải toàn quốc. Qua kiểm tra đánh giá, đây là năm mà vải trà sớm đã chiếm diện tích lớn, và được mùa, ra quả đều. Đặc biệt mức độ thâm canh của nông dân đã rất tốt, vì vậy từ thời điểm này, cần khuyến cáo nông dân không nên bón thêm các loại phân.
Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết từ nay đến khi thu hoạch vải vẫn còn rất phức tạp, nhất là nguy cơ mưa đá, lốc xoáy. Đồng thời, cần đặc biệt lưu ý về các loại sâu bệnh, bởi theo báo cáo của Cục BVTV, hiện sâu đục cuống quả vải cũng đã phát sinh nhỏ lẻ trên quả vải. Đây là đối tượng sâu hại cực kỳ nguy hiểm đến quả vải, phải quyết liệt kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sớm...
Theo Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã