Nói về nguồn gốc của rượu sim Bảy Gáo Phú Quốc, người dân ở xứ Đảo Ngọc sẽ kể một câu chuyện khá hấp dẫn về "ông tổ" rượu sim- ông Bảy Gáo, nổi tiếng với thương hiệu rượu Sim Bảy Gáo từ nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Bảy (88 tuổi, vợ ông Bảy Gáo) kể, ông Bảy Gáo tên thật là Mạc Văn Nghiêm (đã mất năm 91 tuổi), quê ở Vĩnh Long. Năm 14 tuổi ông ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hoạt động cách mạng.
Một lần trên đường ông gặp bà, một cô gái quê xứ đảo xinh đẹp ngồi bán hàng dưới gốc cây gáo đem lòng yêu thương và nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc từ đó đến bây giờ.
Để thuận tiện tham gia hoạt động bí mật nên ông đã lấy tên của bà Bảy và kỷ niệm chuyện tình yêu dưới gốc cây gáo làm bí danh Bảy Gáo.
"Trên đảo Phú Quốc thời đó có rất nhiều sim mọc hoang sơ, đi đâu cũng gặp, nhiều nhất là ở các khu rừng phòng hộ Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương... Vào mùa sim chín (vài tháng trước và sau Tết Nguyên đán) người dân Phú Quốc hái về ăn chơi cho vui miệng.
Sim Phú Quốc có mùi thơm, ngọt thanh pha lẫn với vị chát, màu tím đậm đà. Thấy sim chín nhiều, rụng đầy gốc ổng hái về rửa sạch, rồi ủ sim với đường như ủ các loại trái cây khác, cứ một sim một đường ngâm ủ để dành trong nhà cho coi cái uống cho dễ tiêu hóa"- bà Bảy nhớ lại.
Khoảng năm 1990 lúc đó ông Bảy Gáo còn công tác tại MTTQ huyện có đoàn cán bộ ở Tây Nguyên đến tham quan huyện đảo Phú Quốc. Thấy ở Phú Quốc có nhiều trái sim rừng nên họ mua để về làm rượu, những người này cho biết, người dân tộc Tây Nguyên làm rượu sim để uống trị nhức mỏi rất hay, lại còn mạnh gân cốt.
Những người này còn cho biết, sim Phú Quốc vị thơm ngon hơn sim Tây Nguyên, vị ngọt thanh hơn và đặc biệt là có độ chát (sim Tây Nguyên thì có độ chua) nên ngâm rượu uống sẽ rất ngon.
Từ đó hằng năm đến mùa có sim rừng chín, ông Bảy đều làm rượu để dành uống và đãi khách và ai thưởng thức cũng khen ngon.
"Năm 1997, đám cưới con trai, ổng làm được hơn 100 lít rượu để đãi, ai uống cũng tấm tắc khen ngon. Sau đám cưới, bà con trong vùng vẫn đến hỏi "Còn rượu sim không?". Thế là ổng bắt đầu làm rượu bán. Một năm sau, ổng gom mua 500kg sim về ủ, không đủ bán. Thấy ngày càng nhiều người hỏi mua, ổng bắt đầu gom mua sim của bà con trong vùng, 3 tấn, rồi 7 tấn, 10 tấn để làm rượu. Từ đó rượu sim Phú Quốc được ngày càng nhiều người biết đến"- bà Bảy kể.
Đến năm 2005, ông Bảy Gáo mới quyết định phát triển sản xuất nâng lên đóng chai làm theo kiểu công nghiệp, nhưng cách ủ rượu vẫn giữ nguyên truyền thống trong những chiếc lu sành.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở sản xuất rượu sim Bảy Gáo tiêu thụ hàng chục tấn sim, cho ra khoảng 10.000 lít rượu cốt.
Rượu sim Bảy Gáo Phú Quốc đã thành thương hiệu có mặt khắp các vùng miền và được nhiều khách nước ngoài ưa chuộng.
Anh Nguyễn Tấn Tài, cháu ngoại ông Bảy Gáo, người trực tiếp trông coi việc sản xuất rượu sim Bảy Gáo cho biết, hiện cơ sở rượu Sim Bảy Gáo 4 sản phẩm, gồm: Mật sim, Vang sim, rượu sim 14 độ, rượu sim 29 độ.
Đặc biệt, mật sim và vang sim được lên men tự nhiên theo phương pháp thủ công truyền thống cho ra hương vị đặc trưng.
Loại rượu vang sim 14 độ hoàn toàn nguyên chất từ quả sim lên men, loại rượu vang sim 29 độ được pha thêm rượu nếp để phục vụ những người thích nồng độ cao.
Năm 2008, rượu sim Bảy Gáo được Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận độc quyền và giấy chứng nhận quyền tác giả hình thức thể hiện trên chai rượu sim Bảy Gáo cho ông Mạc Văn Nghiêm.
Theo đăng ký bản quyền, rượu sim Bảy Gáo giúp ăn ngon, ngủ ngon, mạnh gân cốt, tinh thần sáng khoái, phòng được các bệnh: Nhức mỏi tay chân, xương khớp của người cao niên, trị bệnh tiêu chảy, hỗ trợ tốt trong việc điều trị bệnh sỏi mật, sỏi thận làm tiêu nhanh sạn ở mật, thận…
Cuối năm 2020 khi địa phương khởi động chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) anh Tấn Tài đã trao đổi với gia đình và nhanh chóng đăng ký tham gia. Đến nay anh Tài đã hoàn thiện các thủ tục, chờ huyện xét.
Nói về lý do vì sao sản phẩm rượu sim Bảy Gáo Phú Quốc đã có thương hiệu từ lâu, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến nhưng lại tham gia sản phẩm OCOP, anh Tài, chia sẻ: "Rượu sim Bảy Gáo là sản phẩm tâm đắc của ông ngoại tôi, ông được người dân trên đảo coi như "ông tổ" của rượu sim Phú Quốc nên đến đời chúng tôi phải quyết tâm làm như thế nào để thương hiệu rượu sim Bảy Gáo ngày càng hoàn chỉnh, có thể cạnh tranh được với các loại rượu vang khác trong và ngoài nước.
Và khi được công nhận đạt chuẩn OCOP thì rượu sim Bảy Gáo Phú Quốc sẽ đường hoàng vươn xa".
Điều lo lắng của anh Tài là hiện nay Phú Quốc đã lên thành phố, tốc độ đô thị hóa sẽ dần thu hẹp diện tích đất trồng sim, nguồn nguyên liệu sim rừng sẽ ít lại, sản lượng không đủ cung ứng thị trường.
Ông Huỳnh Thanh Minh- Trưởng phòng Kinh tế TP. Phú Quốc, cho biết: "Khi TP. Phú Quốc vừa khởi động chương trình OCOP gia đình anh Tài tích cực hưởng ứng. Hiện nay hồ sơ xét duyệt sản phẩm OCOP của sản phẩm rượu sim Bảy Gáo đã hoàn chỉnh, thành phố sẽ đưa vào xét đánh giá đợt cuối tháng 3/2021 này.
Cơ sở sản xuất rượu sim Bảy Gáo đặt tại địa chỉ, số 124 Đường 30 Tháng 4, TT. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Ngoài ra cơ sở còn có vườn sim Bảy Gáo Phú Quốc, tại Tổ 3 ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, Kiên Giang, là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc.
Vườn sim được khai thác và hoạt động chào đón du khách đến tham quan cơ sở sản xuất, tìm hiểu về quy trình làm rượu sim Bảy Gáo; tham quan mua sắm sản phẩm rượu sim Bảy Gáo về làm quà tặng cho bạn bè và người thân.
Theo Hồng Cẩm/danviet.vn
https://danviet.vn/kien-giang-ruou-sim-bay-gao-phu-quoc-noi-tieng-3-doi-tai-sao-van-tham-gia-ocop-20210325111153476.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã