Theo Bộ NN-PTNT, trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đề xuất với Bộ KH-ĐT một số chính sách và giải pháp hỗ trợ.
Trước mắt, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ (về lịch mùa vụ, tình hình diễn biến thời thiết và dịch bệnh,...) để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm.
Các địa phương chủ động chỉ đạo các đơn vị ban ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch về sản xuất, mùa vụ, theo dõi nắm bắt diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để kịp thời xây dựng và đề xuất các phương án ứng phó.
Sau đó, triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh (đặc biệt là thị trường Trung Quốc).
Kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các thành phố lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.
Các Hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng (Central Group, AEON, Vincommerce, Lotte,...) thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
Bên cạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, Bộ Công thương cần có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.
Các địa phương cần có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ.
Với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT kiến nghị triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; Giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.
Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Bộ Tài chính có thể phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng về hải quan, kiểm dịch xem xét kéo dài thời gian làm việc trong ngày, tổ chức làm ngoài giờ, để hỗ trợ thực hiện cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày tại cảng gây ra tốn kém chi phí lưu container, lưu bãi và chi phí cắm điện bảo quản lạnh tại cảng, cửa khẩu.
Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa; Nghiên cứu chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng, thua lỗ do địa phương phải thực hiện giãn cách/phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ NN-PTNT nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất.
Ngoài ra, kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Ngân hàng nhà nước cũng cần có các chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra: giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tùng Đinh/Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;