Theo nhiều nông dân, dê là loài ăn tạp, gần như mọi lá cây, cỏ, chuối và tất cả các loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nên rất dễ nuôi, lại nhẹ công chăm sóc, dê ít bệnh tật, chỉ tốn chi phí làm chuồng và con giống ban đầu,… phù hợp với người lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, diện tích trồng cây mít tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) ngày càng tăng cao, phụ phẩm từ cây mít (lá, trái non, sơ mít, mít sơ đen…) rất nhiều, không gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi dê Bách Thảo nhốt chuồng cho ăn lá mít và các phụ phẩm từ cây mít của gia đình ông Nguyễn Thành Công, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Hơn nữa, thịt dê hiện đang là món ngon được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thịt dê còn có tác dụng giúp hồi phục sức khỏe nhanh cho người già, tăng cường sinh lực cho phái mạnh, bổ dưỡng cho tất cả mọi người. Vì thế, phong trào nuôi dê những năm gần đây phát triển mạnh.
Điển hình là hộ ông Nguyễn Thành Công, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạng đầu tư, phát triển mô hình nuôi dê tận dụng phụ phẩm cây mít, cho dê ăn lá mít mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và góp phần tăng thu nhập cho kinh tế gia đình.
Năm 2018, khi mới bắt đầu nuôi, vì chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc dê tận dụng phụ phẩm cây mít làm thức ăn nên ông công chỉ nuôi thử 5 con được lấy từ trại giống dê quận Ô môn, thành phố Cần Thơ. Ông vừa nuôi dê vừa rút kinh nghiệm.
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả và từ sách vở, ông nhận thấy con dê rất thích ăn phụ phẩm từ cây mít, nhất là lá mít nên rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn dê phát triển nhanh và đều. Nuôi dê trong chuồng còn tận dụng được nguồn phân ủ phân bón cho 0,6 ha mít của gia đình. Từ 5 con dê ban đầu, đến nay mỗi vụ ông nuôi hơn 40 con. |
Ông Công cho biết: Hiện tại đang nuôi 40 con dê giống Bách Thảo, nuôi dê không khó nhưng cũng không dễ, để thực hiện mô hình nuôi dê đạt hiệu quả, ngoài kinh nghiệm tích lũy được trong thực tiễn, rất cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê.
Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi dê thường được xây dựng bằng tre hoặc gỗ để đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa.
Sàn chuồng cách mặt đất 0,5 đến 0,8 m, làm bằng gỗ bằng phẳng, chừa khe hở khoảng 1 đến 1,5 cm để phân lọt dễ dàng xuống đất. Chuồng có diện tích khoảng 2 m2 nuôi nhốt 2-3 con dê thịt. Dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị các bệnh, như: Chướng bụng, đầy hơi, loét miệng, đau mắt… nên khi nuôi cần thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn. Dê con nuôi dưỡng tốt sau 8-9 tháng đạt 50-60kg/con sẽ bắt đầu sinh sản.
Dê sinh sản nhanh, trung bình mỗi năm đẻ từ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Dê con nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 30-35 kg/con là có thể xuất chuồng, mỗi năm ông Công xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 25 con, với giá xuất chuồng ông bán khoảng 85.000 đồng/kg, những lúc cao điểm như lễ, tết giá tăng cao hơn, khoảng 100.000 đồng/kg.
Với mô hình chăn nuôi dê cho ăn lá mít, cho ăn phụ phẩm từ cây mít này, những năm gần đây, thu nhập của gia đình ông Công luôn ổn định và phát triển. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê cho ăn lá mít và phụ phẩm cây mít của ông Công mang lại mới chỉ là bước đầu. Điều đáng nói, gia đình ông Công đã mạnh dạn đầu tư và nuôi thành công giống dê Bách thảo với quy mô lớn trên địa bàn xã.
Đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Mô hình nuôi dê cho ăn lá mít này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung cho huyện nhà. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã