Một ruộng tỏi trồng theo phương pháp hữu cơ tại Lý Sơn. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Ở Lý Sơn, bên cạnh đi biển, trồng tỏi được xem là nghề chính của người dân nơi đây. Chính nhờ điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng riêng biệt nên cây tỏi được trồng ở Lý Sơn có mùi hương và vị cay nồng tinh túy đặc trưng so với các loại tỏi khác.
Với diện tích trên 330 ha đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô, 3.500 tấn củ hành. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường tăng cao khiến không ít người dân nơi đây đã sử dụng phân bón hoá học để tăng sản lượng, khiến đất bị bào mòn, nước ngầm bị ô nhiễm, sản lượng tỏi cũng bấp bênh.
Để khôi phục, phát triển nghề trồng tỏi theo hướng xanh, sạch; phục vụ đời sống, du lịch trên “đảo tỏi”, nhiều người trẻ ở Lý Sơn đang cùng nhau chung tay tìm hướng đi mới.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tỏi trồng bằng phương pháp hữu cơ có diện tích khoảng 400 m2, anh Đặng Quang Trọng tâm sự, sinh ra và lớn lên trên đất đảo, mỗi lần về quê chứng kiến người dân còn sử dụng phân bón hóa học làm sản lượng tăng nhưng chất lượng tỏi có nguy cơ bào mòn, môi trường sinh thái ô nhiễm, bản thân anh không khỏi lo lắng.
Với mong muốn bảo vệ môi trường đất đảo, anh đã bỏ công việc ổn định ở TPHCM để trở về Lý Sơn lập nghiệp, làm nông sản sạch.
Khác với tỏi trồng đại trà, thời gian thu hoạch tỏi hữu cơ thường lâu hơn, năng suất cũng thấp hơn nhưng bù lại, nếu giá tỏi tươi thành phẩm của anh giá cao gấp vài, ba lần giá thị trường.
Để phục hồi môi trường đất, anh mua phân chuồng ủ sâu dưới đất, thay thế cho lớp cát cỗi, đất đồi bạc màu, phương thức canh tác tỏi hoàn toàn tự nhiên với phân hữu cơ là vật phẩm cá, rong biển, mùn rác hữu cơ từ nhà máy rác sinh hoạt, bánh dầu được ủ cải tạo đất, xuống giống. Kết thúc vụ tỏi, chuyển qua trồng đậu phộng để cải tạo đất.
“Năm nay, năng suất đạt 60-70% so với năng suất người dân làm bình thường. Giá nông sản mình bán từ 250.000-350.000 mỗi ký. Tất cả sản lượng đã được người mua đặt hết rồi”, anh Trọng chia sẻ.
Bên cạnh đi biển, trồng tỏi được xem là nghề chính của người dân nơi đây Lý Sơn. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Tương tự, trên diện tích 900 m2, anh Nguyễn Văn Nhật bắt tay trồng tỏi sạch sinh học, hướng đến sản phẩm an toàn. Ngoài cải tạo đất bằng phân bón vi sinh tự nhiên từ rong biển, anh Nhật sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học thay cho các hoạt chất hoá học.
Đồng thời, thuốc trừ sâu sinh học cũng do anh tự pha chế từ các sản phẩm thiên nhiên như ớt, gừng, tỏi theo tỉ lệ nhất định. Sau hai năm thí điểm và tự điều chỉnh liệu trình trồng trọt, dinh dưỡng năng suất tỏi dần được cải thiện. Năm thứ ba theo đuổi ước mơ tỏi sạch, sản lượng tỏi trên đồng đã được cải thiện.
Theo “vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định, điều kiện tự nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn nguồn phân bón hữu cơ tuyệt vời từ rong biển, từ xác cá, vi sinh vật tấp vào bờ, thế nên không lý do gì mà người dân nơi đây không tận dụng nó để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cái cần nhất hiện nay là chính quyền sớm xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch.
Chính quyền cần có sự quyết liệt với những chính sách mở khuyến khích nhà đầu tư, nhà nông đồng hành tìm giải pháp trồng sinh học thì giấc mơ nông nghiệp sạch mới trở thành hiện thực. Bởi chỉ một vài cá nhân theo đuổi tỏi sạch nhưng các cánh đồng “hàng xóm” vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Lý Sơn mùa tỏi chín. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Lý Sơn cho rằng, sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có tỏi hữu cơ đang là hướng đi của huyện đảo để Lý Sơn xanh, sạch, đẹp.
Huyện đã yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu các giải pháp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch; thu hút, kết nối các nhà đầu tư làm nông nghiệp sạch, đồng thời, gắn việc sản xuất này với phát triển du lịch, từ đó sẽ có nhiều người biết đến và tin dùng các nông sản sạch của huyện đảo.
“Địa phương ủng hộ việc trồng tỏi hữu cơ bởi không chỉ tăng giá trị cho chính sản phẩm đặc trưng vùng đất tỏi mà còn tăng giá trị gia tăng cho du lịch, dịch vụ. Chẳng hạn, sẽ kết hợp để khách du lịch tham quan, trải nghiệm trồng tỏi hữu cơ thì sẽ cải thiện được thu nhập của người dân nơi đây”, bà Phạm Thị Hương cho biết.
Theo Lưu Hương/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã