Vừa thấy chúng tôi chăm chăm cầm máy ảnh trên tay thay cho lời giới thiệu, lão nông Nguyễn Duy Lựu ở xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang, Hải Dương đã giãy nảy lên: “Viết đâu thì viết chứ đừng viết về trang trại nuôi cá nhà này, không phải đây sợ người khác biết nghề, rồi làm theo để cạnh tranh, mà là qui mô chăn thả không đáng kể, thu nhập cũng chỉ ở mức mới thoát nghèo, lại đang lúc chăn nuôi không có lãi”.
Nói rồi, lão Lựu bước vội vào lều trông coi cá, lắc ấm pha trà và mời khách vô chơi xơi nước. Nghĩ mình gặp phải “đối thủ” khó “nhằn”, tôi đành quay sang chiến thuật, “chém” đủ muôn cách làm giàu của nhà nông, thuận lời chủ trại cũng góp vui rôm rả, để rồi phát lộ hết bí quyết nuôi cá tích cóp được bấy lâu lúc nào không hay!
Theo lão Lựu, cùng kỳ này những năm trước, lão đang thu bộn tiền, chỉ với hơn 7.000m2 ao, bắt vội cũng được 10 tấn trắm đen, 2 tấn chép lai, trị giá 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Còn từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hàng quán nghỉ vãn, nhu cầu tiêu dùng hải sản giảm, giá cá cũng bị giảm sâu, hầu hết các trang trại nuôi trồng thủy sản đều lỗ nặng, riêng lão Lựu vẫn có được hòa vốn – không lỗ.
Đạt được kết quả ấn tượng nói trên, là nhờ lão Lựu luôn chủ động được nguồn giống chất lượng tốt, tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi an toàn sinh học và khai thác hiệu quả các loại thức ăn sẵn có trên địa bàn, trong đó đáng kể nhất là từ khi khởi nghề nuôi cá (năm 2003) đến nay, lão chỉ nuôi hai loại thủy đặc sản, trắm đen và chép lai V1. Con giống đưa xuống ao thương phẩm phải đạt trọng lượng từ 2-3kg với cá trắm đen, 0,5kg với chép các loại.
Nghĩ ra cách làm khác người như vậy là bởi, lão Lựu dựa vào đặc tính sinh học của hai giống cá đã nêu, thường cho tăng trọng nhanh nhất từ giai đoạn đã được 2kg/1 con trở lên với cá trắm đen, và ngoài 0,5kg/1 con với chép lai các loại. Mặt khác, đưa vào nuôi thả con giống lớn sẽ rất ít bị hao hụt trong quá trình chăm sóc.
Được biết, trong hạch toán nuôi cá, phần chi cho thức ăn và con giống luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, nhằm giảm thiểu các khoản chi này, từ nhiều năm nay, lão Lựu đã đứng ra làm đầu mối mua gom các loại ốc của người dân đánh bắt ngoài tự nhiên, sau lọc lấy những con to bán lại cho thương lái, phần lãi thu về là các loại ốc nhỏ dành cho chăn nuôi cá, đồng thời lão còn xây dựng riêng một khu ao 700m2 chuyên nuôi cá, phân thành cá choai, làm con giống cho ao nuôi thương phẩm.
Nhờ những cách làm căn cơ này, lão Lựu đã giảm được hơn 50% kinh phí mua thức ăn và con giống chăn nuôi hàng năm. Kết hợp với các kỹ thuật nuôi cá an toàn sinh học khác như: Tuân thủ nguyên tắc “3 xem” “4 định” trong nuôi trồng thủy sản. Coi trọng phòng ngừa dịch bệnh từ xa cho cá nuôi, bao gồm, định kỳ 7-10 ngày thay mới 30% nước ao; luân phiên sử dụng nước vôi và chế phẩm vi sinh chuyên dùng để xử lý nước và làm sạch đáy ao; bổ trí đủ quạt nước và máy sục khí làm giàu ô xy nước ao; không sử dụng hóa chất và kháng sinh ngoài danh mục nhà nước cấm hoặc hạn chế trong chăn nuôi thủy sản...
Kinh nghiệm nuôi cá của lão Lựu cũng cho thấy: Cá trắm đen rất mẫm cảm với sự thay đổi của môi trường, thời tiết nắng nóng hoặc mưa to, cần giảm lượng thức ăn hoặc cho cá nhịn ăn và bổ sung vitamin C cho cá để tăng sức đề kháng.
Bằng các giải pháp chăn nuôi nói trên, các loại cá nuôi của lão Lựu tăng trọng rất nhanh, con giống 2-3kg thả nuôi một năm đã được quân bình 6-7kg mỗi con, nhiều con đạt tới 10-15kg. Nhờ vậy năm nào lão cũng có 10-15 tấn trắm cỏ và 2 tấn cá chép xuất bán ra thị trường.
Mải mê trò chuyện, mặt trời đã quá đỉnh đầu, chúng tôi vội chìa tay chào lão Lựu và xin được chia sẻ những gì vừa ghi nhận được tới độc giả quan tâm. Lúc này chẳng những không còn cản trở, mà còn cười xòa: Các chú thật lắm “chiêu”!
“Ông Nguyễn Duy Lựu là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tạo việc làm và thu nhập thêm cho nhiều lao động nông nhàn khác qua dịch vụ mua gom ốc ăn các loại”, anh Bình Văn Thường, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Ninh Giang cho biết.
Nguồn tin: Hải Tiến/nongnghiep.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã