Học tập đạo đức HCM

Người dân miền núi thoát nghèo nhờ ứng dụng KHCN

Thứ bảy - 14/08/2021 10:36
Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của ngành KH&CN, luôn được lãnh đạo Chính phủ quan tâm, chỉ đạo trong suốt thời gian qua. Thực tế, đã có hàng nghìn công nghệ và tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao về các địa phương, giúp nhiều hộ dân thoát đói, giảm nghèo.
Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh giúp nhiều hộ dân từng bước thoát nghèo - Ảnh: Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc
“Cầm tay chỉ việc” cho người dân

Là xã miền núi, thiếu nước sản xuất nên đời sống đồng bào dân tộc Dao ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, cùng với các hộ gia đình người Dao ở bản Chen, xã Yên Sơn, gia đình ông Đặng Văn Thư luôn trăn trở tìm cách khai thác vùng đất xấu, kém hiệu quả, chỉ trồng lúa, ngô sang mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn.

Giữa lúc đang loay hoay tìm hướng thoát nghèo, năm 2017, Dự án “Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh” được triển khai trên địa bàn đã mở ra cơ hội mới.

Tham gia vào dự án, gia đình ông Thư cùng 40 hộ khác đã được tập huấn, trang bị những kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt, một số biểu hiện của bò khi mắc bệnh, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho bò, kỹ thuật vỗ béo cho bò, xử lý ủ phân thành phân hữu cơ… theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Trên diện tích đất xấu chỉ trồng được một vụ, ông Thư được hướng dẫn trồng cỏ VA06, thu hoạch 4 lứa/năm, tạo nguồn thức ăn thô cho đàn bò.

Ông Thư chia sẻ: “Nếu ở vùng đồng bằng hoặc các vùng có điều kiện thuận lợi khác, có thể những điều đó là không mới, nhưng với vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn, chúng tôi được trang bị kiến thức này là rất quý”.

Sau 3 năm thực hiện dự án, từ 2 con bò sinh sản được cấp, đàn bò của gia đình ông Thư đã phát triển lên 5 con với tổng giá trị 140 triệu đồng. Hiện thu nhập từ nuôi bò cùng với một số khoản thu nhập khác của nhà nông đã giúp gia đình ông Thư thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập trung bình khá.

Cũng như gia đình ông Thư, tại huyện Thanh Sơn, trong 40 hộ tham gia, có 20 hộ nghèo đã thoát nghèo; 16/20 hộ cận nghèo đã trở thành hộ khá.

TS. Nguyễn Hồng Vĩ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, đơn vị chủ trì thực hiện Dự án cho biết, việc áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo, thú y phòng bệnh, chế biến, sử dụng thức ăn thô… đã đạt hiệu quả trong chăn nuôi. Đặc biệt, ứng dụng KH&CN trong chăn nuôi vỗ béo giai đoạn giết thịt không những tăng năng suất mà còn kiểm soát được tính an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Kỹ thuật này đối với đồng bào dân tộc thiểu số là mới.

Cùng với tăng năng suất đàn bò, một trong những thành công của Dự án chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh là giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại các hộ chăn nuôi.

Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương, của người dân về ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với cải thiện vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Đây chỉ là một trong hàng trăm dự án trong 5 năm qua của Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi).

Được thực hiện từ năm 1998 đến nay, Chương trình Nông thôn miền núi đã trải qua 4 giai đoạn. Ghi nhận hiệu quả tốt của Chương trình, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện, vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa phê duyệt cho Chương trình tiếp tục thực hiện giai đoạn 10 năm (2016-2025).

Chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, đây là chương trình có tầm quan trọng đặc biệt để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhờ cơ chế đặc thù là tạo sự gắn kết giữa 4 nhà “nhà quản lý - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp -  nhà nông”, Chương trình đã đưa hàng nghìn công nghệ và tiến bộ kỹ thuật chuyển giao về địa phương, hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi bằng các giống mới, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản một cách khoa học theo cách “cầm tay chỉ việc”; hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) địa phương tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát đói, giảm nghèo, nhiều DN đã vươn lên làm giàu, đứng vững ở địa bàn nông thôn, làm hạt nhân cho phong trào chuyển giao, ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2016-2020, đã có 400 dự án (trong đó có 337 dự án Trung ương quản lý, 63 dự án ủy quyền địa phương quản lý) thuộc Chương trình được thực hiện, đặc biệt các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn nhằm tạo hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân; xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người dân và nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Tỉ lệ các dự án do DN chủ trì đạt 66,5%, cao hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây (giai đoạn 2004-2010 là 26,2%; giai đoạn 2011-2015 là 44,5%). Điều này thể hiện sự thay đổi về mặt tư duy trong việc đề xuất dự án từ địa phương: Các DN được khuyến khích tham gia thực hiện dự án nhằm đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào sản xuất.

Nhiều kết quả nổi bật gắn trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, phải kể đến các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào trồng trọt như: Sản xuất rau, hoa ở Phia Đén (Cao Bằng); sản xuất nông nghiệp bền vững ở Bác Ái (Ninh Thuận); nhân giống, trồng thâm canh, cải tạo và chế biến chè Shan Trạm Tấu (Yên Bái); phát triển chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm gạo đặc sản địa phương (Khẩu Ký, Tẻ Râu) tỉnh Lai Châu; công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và hồ tiêu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai; sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Cao Bằng…

Ngoài ra, còn có các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào chăn nuôi như: Mô hình nuôi bò thịt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; mô hình nuôi vỗ béo bò vàng Hà Giang tại các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận; nuôi lợn Nậm Khiếu tại Thái Nguyên; xây dựng chuỗi giá trị lợn Lũng Pù tại Mèo Vạc (Hà Giang); phát triển đàn dê tại A Lưới (Thừa Thiên Huế); nuôi trâu bản địa năng suất, chất lượng cao và tiêu thụ sản phẩm tại Than Uyên (Lai Châu)….

Bên cạnh đó, các dự án ứng dụng công nghệ khác phục vụ đời sống xã hội như: Công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận; công nghệ xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu…

Không chỉ Chương trình Nông thôn miền núi, theo đánh giá của Bộ KH&CN, sau nhiều năm, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành có liên quan và địa phương, các chương trình, nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai đúng hướng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; huy động được nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn bó với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KH&CN mang lại.

Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiếu số và miền núi thời gian qua đạt khá cao; bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên…

Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của ngành KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục là cầu nối cho các chương trình KH&CN cấp quốc gia cũng như thông tin, giới thiệu về các thành tựu, mô hình KH&CN tiên tiến, hỗ trợ đào tạo nhân lực KH&CN... góp phần phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mới đây, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chủ yếu là: Tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về vai trò của KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững.

Theo Hoàng Giang/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Nguoi-dan-mien-nui-thoat-ngheo-nho-ung-dung-KHCN/442331.vgp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập167
  • Hôm nay31,420
  • Tháng hiện tại520,497
  • Tổng lượt truy cập92,898,161
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây