Theo bà Hạ Thúy Hạnh, ở Bắc Giang và Hải Dương, sản phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến thủy sản thì tiêu thụ tại chỗ chỉ dao động từ 40-50%, còn lại là xuất đi các thị trường lân cận như Hà Nội, Hải Phòng… Do đó, mục tiêu trước mắt của 2 tỉnh là duy trì sản xuất và đảm bảo tiêu thụ thông suốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Về tiêu thụ, có thể thấy, Bắc Giang và Hải Dương đã xây dựng và hoạt động rất hiệu quả các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, phải duy trì hoạt động các sàn giao dịch điện tử này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách còn kéo dài. Các sản phẩm có thể lưu thông tốt trên nền tảng này như nhãn, na, gia cầm…
Bà Hạnh cho biết, trong hoạt động tiêu thụ, thời gian qua hệ thống khuyến nông đã tham gia rất tích cực vào công tác rà soát cơ sở, trang trại được chứng nhận an toàn để cung cấp cho những nơi có nhu cầu tiêu thụ và ngược lại.
Theo đánh giá của TTKNQG, hiện nay nhu cầu tiêu thụ rau ăn lá và củ quả đang rất lớn. Do đó, nếu 2 tỉnh muốn chuyển đổi một số diện tích sang trồng rau để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong thời kỳ dịch thì TTKNQG sẽ hỗ trợ, hướng dẫn rất sớm và cụ thể vì các loại rau này có thể chỉ 20-25 ngày là cho thu hoạch.
“Tôi nghĩ đây là giải pháp rất hiệu quả và kịp thời để đáp ứng nhu cầu nội tỉnh của Bắc Giang, Hải Dương và cung cấp cho các địa bàn lân cận, trong đó có Hà Nội”, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh.
Phó Giám đốc TTKNQG cho biết, Viện Cây lương thực đang có nhiều chương trình khuyến nông về rau, bên cạnh các loại khoai vụ đông trước đây. Vì vậy, các tỉnh có thể liên hệ nếu có nhu cầu chuyển thêm một số diện tích cây vụ đông khác sang rau ăn lá để đáp ứng nhu cầu trước mắt.
Ngoài ra, bà Hạnh cững lưu ý, từ nay đến cuối năm là thời điểm bước vào giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất lớn nên đề nghị các tỉnh quan tâm, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Về vai trò của khuyến nông với duy trì sản xuất tại Bắc Giang và Hải Dương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu phối hợp với các hợp tác xã, đẩy mạnh hệ thống chuyên gia nông nghiệp tại cơ sở để hỗ trợ cho nông dân.
“Đề nghị TTKNQG, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, phối hợp với các Viện, trường để rà soát lại các tiến bộ kỹ thuật, dùng thước đo hiệu quả để đánh giá, áp dụng vào hỗ trợ sản xuất cho các tỉnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Liên quan vấn đề dịch bệnh, Thứ trưởng lưu ý phải sẵn sàng đối phó và kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. “Các địa phương có thể trình sang HĐND để phê duyệt ngân sách để sử dụng vacxin một cách triệt để”, ông Phùng Đức Tiến nói thêm.
Theo Tùng Đinh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/tang-dien-tich-trong-rau-an-la-dap-ung-nhu-cau-trong-dich-covid-19-d299941.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã