Học tập đạo đức HCM

Người mở đường tư duy phát triển nông nghiệp gắn với thị trường, bền vững

Chủ nhật - 27/06/2021 20:25
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã phát triển ở Việt Nam tiếp cận về phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế xã hội địa bàn nông thôn và nông dân.

LTS: NNVN xin giới thiệu bài viết nhân 10 năm ngày mất giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn của TS Vũ Trọng Bình.

Nhớ lại hơn mười năm về trước, khi tôi vào thăm GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong bệnh viện, trước khi ông mất ba ngày, Ông vẫn dặn dò tôi: Cậu phải đi dự mấy hội thảo sắp tổ chức để làm rõ hơn một số vấn đề về phát triển chuỗi giá trị nông sản. Trong cuộc đời làm việc của tôi, chưa thấy một người nào có sự tâm huyết và trăn trở với khoa học nông nghiệp, các vấn đề nông dân, nông thôn như thầy Đào Thế Tuấn.

GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn (ngoài cùng bên phải và TS. Vũ Trọng Bình thứ ba từ phải sang) làm chỉ dẫn địa lý chuối ngự Đại Hoàng - Hà Nam.

GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn (ngoài cùng bên phải và TS. Vũ Trọng Bình thứ ba từ phải sang) làm chỉ dẫn địa lý chuối ngự Đại Hoàng - Hà Nam.

Thời gian tôi làm việc dưới quyền GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn là quãng thời gian đầy ắp kỉ niệm, có nhiều câu chuyện vui về thày mà đến tận bây giờ khi chúng tôi gặp nhau vẫn đem ra kể rất hào hứng về người thày của mình. Nhưng có lẽ, những kỉ niệm sâu sắc nhất, chính là những tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn mà thày là người tiên phong hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp cùng chúng tôi nghiên cứu.

Những tiếp cận đó không chỉ định hướng cho khoa học phát triển nông nghiệp nông thôn, mà còn ảnh hưởng quan trọng tới xây dựng thể chế, chính sách đến tận ngày hôm nay. Những kỉ niệm đó là thời gian tôi được đào tạo, giúp tôi trưởng thành, hình thành nhân cách làm khoa học của tôi và nhiểu thế hệ anh chị và bạn bè tôi, mà nhiều người trong ngành nông nghiệp vẫn gọi là nhóm học trò cụ Tuấn.

Viện sĩ Đào Thế Tuấn sinh ngày 4/7/1931 tại TP Huế, nguyên quán ở Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội); là con trai cả của cụ Đào Duy Anh, một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

Viện sĩ là một trong 50 cán bộ đầu tiên được cử đi đào tạo về nông nghiệp và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Liên Xô cũ.

Với hàng trăm công trình nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Huân chương Công trạng nông nghiệp và Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (1991); Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô (1985); Giải thưởng quốc tế René Dumont dành cho các nhà nông học các nước đang phát triển (2003); Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Công trình "Công nghệ sản xuất lúa ở ĐB sông Hồng"; Anh hùng Lao động (9/2000); Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Tháng 7/2009, Chính phủ Pháp trao tặng); Huân chương Hồ Chí Minh (2002)…

Tôi được may mắn, là thế hệ được thày chọn lọc, gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài, và trực tiếp dẫn dắt đào tạo qua công việc, trực tiếp làm việc nhiều năm liền tới khi thày mất. Qua đó nhận thức được nhiều vấn đề được thày đặt ra, đưa ra nghiên cứu và đề xuất chính sách, xây dựng mô hình tại thực tiễn mà tới bây giờ vẫn là những nội dung còn tính thời sự.

Từ thập niên 80 thế kỷ 20, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn là người đặt nền móng đưa vào Việt Nam tiếp cận phát triển nông nghiệp không chỉ nhìn dưới góc độ công nghệ sinh học và kĩ thuật sản xuất, mà đặt công nghệ và kĩ thuật đó trong một hệ sinh thái cụ thể, và hơn nữa một bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội nông thôn cụ thể. GS. Viện sĩ đã phát triển ở Việt Nam tiếp cận về phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế xã hội địa bàn nông thôn và nông dân trên địa bàn, là cơ sở nền tảng tư duy quan trọng mà GS. Viện sĩ đã phát triển sau này và đề xuất chính sách về "Tam Nông". Tiếp cận Hệ thống nông nghiệp được GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn trực tiếp chỉ đạo, tổ chức hợp tác nghiên cứu, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu để đặt nền móng lĩnh vực này cho nước ta.

Thời đó, những tư duy hệ thống nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, nông nghiệp có chức năng kinh tế, rồi quan hệ nông dân và sản xuất nông nghiệp… còn mới lắm, đa số nhiều nhà khoa học và người làm chính sách chưa mường tượng đó là gì, cũng nhiều tiếng nói phản đối, cản trở, không ủng hộ. Không phải làm một nhà khoa học có tầm, có tâm, và thực sự vì khoa học, vì nông dân, trăn trở với nông nghiệp, có sự say mê vô tận thì không thể triển khai được và có thành tựu như ngày hôm nay.

Tới hiện nay, khái niệm và tiếp cận Hệ thống Nông nghiệp vẫn có tính thời sự với việc qui hoạch, phát triển phát triển nông nghiệp bền vững theo địa bàn. Tiếp cận này đặt vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với nông dân (chủ thể) và hệ sinh thái (điều kiện tự nhiên). Chính là nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện tại, nhiều câu hỏi nghiên cứu, quy hoạch, chính sách đặt ra với phát triển vùng Đồng bằng Sông cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…, cần tiếp tục sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.

Thời gian gần đây, báo chí đưa tin nhiều cần không gọi là sản xuất nông nghiệp mà phải đặt vấn đề kinh tế nông nghiệp. GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã cho nghiên cứu từ những năm cuối thập niên 80 thế kỉ 20, nông nghiệp mang trên nó nhiều chức năng, ngoài chức năng kinh tế, còn chức năng sinh thái, an sinh xã hội, tài nguyên… Nhận thức sản xuất nông nghiệp không chỉ là sản lượng mà là giá trị gia tăng tạo ra, quản lí chất lượng, thương hiệu đã triển khai trong các chương trình nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam từ 30 năm trước.

GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn (thứ hai từ phải sang) và TS Đặng Kim Sơn (ngoài cùng bên phải) thực tế chương trình liên kết nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác.

GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn (thứ hai từ phải sang) và TS Đặng Kim Sơn (ngoài cùng bên phải) thực tế chương trình liên kết nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác.

Các nghiên cứu về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp ngành hàng sản xuất nông nghiệp, với sự chỉ đạo của GS. Viện sĩ  Đào Thế Tuấn từ những năm 90 thế kỉ 20 đã được các thế hệ học trò của thày thực hiện, kéo dài tới hiện nay đã thúc đẩy sự phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành, hội nghề nghiệp ngành hàng sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Những kết quả nghiên cứu đó vẫn tiếp tục sử dụng cả ở trong xây dựng luật, chính sách và mô hình thực tiễn hiện nay.

Ngay từ năm 1993, khi tôi còn là lưu học sinh học tại Pháp về Việt Nam thực tập, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã hợp tác với các đối tác của Pháp trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu lưu vực sông Hồng, hướng dẫn nghiên cứu về ngành hàng nông sản, cũng gần tương tự với khái niệm chuỗi giá trị dịch từ tiếng Anh mà hiện nay được dùng phổ biến. Như vậy những tiếp cận nông nghiệp sản xuất gắn với thị trường, nhìn góc độ nông nghiệp không phải chỉ là ngành sản xuất, mà còn là một ngành kinh tế, được nhìn nhận rất sớm.  

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nên có người nhầm tưởng là có thể xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại chỉ từ doanh nghiệp. Nhưng ngay từ những năm 1990, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn, người đi tiên phong nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân, đã khẳng định, nền tảng của thể chế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và xây dựng giai cấp nông dân hiện đại, chính là phát triển kinh tế hộ nông dân hiện đại. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi do GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn dẫn dắt đã xác định vấn đề quan trọng  của phát triển nông nghiệp hiện đại là phát triển kinh tế hộ nông dân qui mô nhỏ có tính chất gia đình, sang kinh tế hộ nông dân là đơn vị sản xuất hiện đại - kinh tế nông trại gia đình qui mô lớn. Kinh tế nông trại, kết hợp với doanh nghiệp ở các khâu công nghệ cao, dịch vụ đầu vào và đầu ra, chế biến sâu, sẽ phát triển ngành nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm hiện đại.

Cuộc đời GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn, là một nhà khoa học, người làm chính sách, một nhà báo, một người thầy đầy sáng tạo, luôn tìm tòi những cái mới, luôn gắn nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn. Lịch sử nông nghiệp Việt Nam khi có GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn tham gia, luôn có dấu ấn, sự sáng tạo và đóng góp quan trọng cả về chính sách, khoa học và tiếp cận mới. Những thành tựu đóng góp của GS. Viện sĩ đến hôm nay vẫn còn tính thời sự về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Học trò của thày khắp mọi nơi, ảnh hưởng tư tưởng của thày vẫn lan tỏa đến các thế hệ mai sau, hình thành một hướng đi mới trên con đường phát triển một nền nông nghiệp và nông thôn hiện đại. Tiếp cận mà GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn phát triển ở Việt Nam là một tiếp cận hiện đại, sẽ vẫn có giá trị và tiếp tục ảnh hưởng tới khoa học nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay và mai sau.

Hệ sinh thái nông nghiệp, mối quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường

Viện sĩ Đào Thế Tuấn rất thành công với nghiên cứu về sinh thái nông nghiệp, sinh lý cây lúa, và là người có công trong việc chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp những năm 70 và 80 của thế kỉ XX.

Năm 1983, ông đã đưa Bộ môn Hệ thống nông nghiệp vào Việt Nam, hình thành một lĩnh vực nghiên cứu mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm hệ sinh thái và hệ thống kinh tế - xã hội ở các vùng khác nhau.

Những năm cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã có nhiều công trình nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Năm 2006, khi đã nghỉ hưu, GS. Viện sĩ vẫn miệt mài cùng cộng sự tiến hành nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các mô hình để mô phỏng sự phát triển, đặt cơ sở cho việc phát triển phương pháp nghiên cứu mới và tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường để giúp nông dân giải quyết khó khăn lớn nhất cho sự phát triển kinh tế hộ…

Từ những nghiên cứu thành công đó, ông có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết vào đề án "Tam Nông" do Bộ NN-PTNT triển khai.

Trong cuộc đời mình, GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã gửi đi đào tạo nước ngoài được một đội ngũ đông đảo các cán bộ nghiên cứu đầu ngành về hệ thống nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam.

 

Nguồn tin: TS Vũ Trọng Bình/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm127
  • Hôm nay23,622
  • Tháng hiện tại854,596
  • Tổng lượt truy cập85,761,632
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây