Địa phương "bật đèn xanh"
Thời gian gần đây, tỉnh Thái Bình được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh, mạnh cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Năm 2020, tỉnh này đã chuyển đổi được khoảng 800ha (trong đó diện tích cây hàng năm khoảng 460ha, cây lâu năm khoảng 340ha).
Để có định hướng, cơ sở cho các địa phương thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, tỉnh Thái Bình đã ban hành riêng 1 nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện khá hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, ổn định sản xuất cho người dân. Đã có rất nhiều mô hình chuyển đổi thành công, đã và đang tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao và là những địa chỉ để nông dân trong toàn tỉnh học tập, mạnh dạn chuyển đổi.
"Giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi sẽ mở các lớp đào tạo nghề, xây dựng các mô hình, dự án thí điểm cho một số vùng chuyển đổi; hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX kiểu mới tại các vùng chuyển đổi để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...".
Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương
Tiền Hải - huyện ven biển trong những năm qua đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Nhiều văn bản, chương trình hành động đã được ban hành để định hướng, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân khi có nguyện vọng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả.
Ông Đỗ Thành Trung - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải cho hay, năm 2020, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi gần 100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, huyện đã ban hành chương trình hành động về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu đến hết 2025 toàn huyện chuyển đổi được khoảng 2.000ha, năm 2030 khoảng 3.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, đạt giá trị sản xuất 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Đa dạng các mô hình chuyển đổi từ đất lúa
Tỉnh Hải Dương cũng được đánh giá là địa phương đi đầu trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả.
Trong giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh này đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm 1.100ha, trồng cây lâu năm 1.500ha.
Hải Dương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đang là động lực chính cho sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng hàng năm đều cho thu lãi cao, như mô hình trồng củ đậu cho giá trị 160-200 triệu đồng/ha; trồng sắn dây 160 - 190 triệu đồng/ha; dưa các loại 111 - 190 triệu đồng/ha; rau các loại 115 - 157 triệu đồng/ha.
Đối với cây lâu năm đều cho thu nhập bình quân cao hơn khá nhiều so với trồng lúa, đơn cử như mô hình trồng cam cho thu nhập 260 - 346 triệu đồng/ha; thanh long 215 - 255 triệu đồng/ha; ổi 231- 297 triệu đồng/ha; nhãn 145 -185 triệu/ha; táo, hồng xiêm, mít 115 - 185 triệu/ha…
Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi khoảng 4.500ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các đối tượng cây trồng khác. Để thực hiện được mục tiêu này, Hải Dương đã xây dựng kế hoạch dài hạn để hỗ trợ nông dân khi thực hiện chuyển đổi. Mặt khác, địa phương tạo cơ chế thông thoáng, điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân... tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
"Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại Hải Dương, khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh để tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm" - bà Đào chia sẻ.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
https://danviet.vn/nhung-cuoc-cach-mang-tren-dat-lua-kem-hieu-qua-bai-2tinh-bat-den-xanh-nong-dan-lam-dung-20210513162547285.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;