Anh Đặng Văn Thắng có vườn cà phê hơn 7 sào ở thôn 1, xã Biển Hồ (TP Pleiku, Gia Lai). Cà phê già cỗi, kém chất lượng, cộng với giá thấp, thu hoạch không đủ đầu tư nên anh quyết định thay thế dần bằng cây ăn quả.
“Cách đây khoảng dăm năm, có người bà con ở Đông Dư (Hà Nội - PV) vào chơi, mang theo ít ổi Đông Dư (còn gọi là ổi găng) làm quà quê, kèm thêm mấy túi đã ươm ổi cây để trồng thử.
Sau hai năm, cây ổi cho quả, ăn thử thấy thơm ngon không khác gì ổi trồng ở quê, em quyết định trồng đại trà trong vườn cà phê”, Thắng cho biết.
Từ đó, những cây cà phê nào già cỗi, kém hiệu quả được anh chặt bỏ, thay vào đó là trồng ổi găng. Hiện vườn cà phê của anh có trên 50 cây ổi găng đã cho thu hoạch. Cũng theo anh Thắng thì có lẽ do phù hợp với chất đất, khí hậu nên ổi găng trồng ở đây phát triển rất tốt, quả sai và thơm ngon không kém ở quê.
“Ổi vốn là loài cây ưa nắng. Càng nhiều nắng thì quả càng chắc và ngọt. Gia Lai lại có hẳn 6 tháng mùa khô, nắng giòn giã nên rất thích hợp cho cây ổi găng sinh trưởng và phát triển”, anh Thắng cho biết thêm.
Không chỉ trồng xen ổi găng trong vườn cà phê, anh Thắng còn trồng cả bơ, sầu riêng bởi theo anh, ổi găng cây thấp (cây nào cao cũng không quá 2 mét), do vậy cây ổi ở dưới, bơ và sầu riêng ở tầng trên. Theo anh Thắng thì trồng như vậy vừa tận dụng được diện tích đất, vừa đỡ công chăm sóc, tiết kiệm được chi phí cho phân bón và nước tưới…
Cũng ở thôn 1 xã Biển Hồ, em trai anh Thắng là anh Đặng Văn Tiến cũng đang dần thay thế vườn cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó có ổi găng.
Ở vườn của anh Tiến, ngoài bơ, sầu riêng còn có chục cây ổi găng đã cho thu hoạch. Những cây ổi trồng hơn 3 năm cao không quá 2 mét, cành lá sum suê, lúc lỉu quả.
Với những cây được trồng do chiết cành thì thấp khoảng 1 mét, từng chùm quả nằm sát mặt đất trông như… lợn con. Từng chùm quả tròn xoe, da căng mọng lúc lỉu trên cành, quả sai đến mức mỗi gốc ổi, có đến 4 - 5 cây chống cho khỏi gãy cành.
“Không giống như các loại ổi lê Đài Loan hay ổi nữ hoàng, ổi găng ra quả theo từng chùm, mỗi chùm từ 3 - 5 quả, quả to nhất cũng chỉ bằng nắm tay của một đứa trẻ.
Khi chín, vỏ ổi chuyển sang màu xanh nhạt, phần thịt giòn, ngọt, vị thơm đậm đà, phần ruột và hạt mềm. Đó cũng chính là điểm khiến cho ổi găng được nhiều người ưa chuộng”, anh Tiến chia sẻ.
Cũng theo anh Tiến thì vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình anh vẫn còn cho thu hoạch tương đối, do vậy anh mới chỉ xen canh một ít. Những cây nào xấu quá anh mới chặt bỏ để trồng thay ổi găng.
Ăn thật
Chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi găng, anh Thắng cho biết: So với các loại ổi khác thì trồng ổi găng khá dễ: Không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh và không cần phải bao bọc quả. Loại ổi này cứ càng có nắng lại càng ngon ngọt và thơm, không bao giờ bị sâu ở bên trong.
Từ khi cây cao chừng 1 mét là đã bắt đầu cho quả. Trồng loại ổi này kinh tế hơn so với các loại ổi khác cũng như các loại cây công nghiệp như tiêu, cà phê. Đặc biệt cây ổi găng không kén đất nên hầu như ở vùng nào cũng có thể trồng được.
Ngoài làm cỏ, vun gốc, anh em anh Thắng, Tiến còn tiến hành cắt tỉa cành, bấm ngọn đúng thời điểm để cây cho quả quanh năm. Nhờ vậy mà vườn ổi lúc nào cũng có quả chín cho thu hoạch.
Trung bình mỗi tuần, anh Tiến thu được gần trên 50 kg ổi. Với giá bán sỉ 20.000 - 25.000/kg đồng tùy thời điểm, vườn ổi cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Sản phẩm ổi Đông Dư của gia đình anh Tiến cũng có mặt ở nhiều khu chợ lân cận và rất được ưa chuộng.
Ngoài trồng ổi, trên diện tích đất trước đây trồng hồ tiêu, anh Tiến cũng trồng 200 cây mít thái đã cho thu hoạch ổn định và 200 cây sầu riêng bắt đầu cho thu bói. Hướng đi trồng cây ăn quả mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế gia đình hơn so với các loài cây công nghiệp dài ngày.
Anh Tiến cũng cho biết: “Trong thời gian tới, khi đầu ra đã ổn định, tôi sẽ chiết cành, nhân giống và mở rộng thêm diện tích trồng ổi găng bởi nhu cầu thị trường cũng khá nhiều. Bên cạnh đó, khi vườn cây ăn quả cho thu hoạch đều đặn, tôi sẽ bàn bạc thêm với gia đình về hướng tổ chức đón khách đến tham quan và trải nghiệm hái quả tại vườn”.
Còn với vườn ổi của anh Thắng thì cho thu nhập cao hơn, bởi anh có đến trên 50 cây ổi đã cho thu hoạch. Anh Thắng cho biết: Một năm, ổi găng cho thu nhập 4 vụ, mỗi vụ, một cây hái được khoảng 80 kg. “Đó là bốn vụ chính, còn thì bất cứ lúc nào có quả chín đều thu hái”.
Cũng theo anh Thành thì giá bán hiện tại, nếu người mua tự vào vườn hái (hái chọn) thì giá 30.000/kg; còn chủ vườn hái (thu hái sô) thì giá bán 18.000/kg. Theo đó, vườn ổi nhà anh Thắng cho thu nhập mỗi năm là không hề nhỏ, trong khi đầu tư thì lại thấp hơn các loại cây trồng khác rất nhiều.
Không chỉ hái bỏ mối cho khách bán sỉ, vườn ổi găng của gia đình anh Tiến, anh Thắng cũng thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm tận tay được hái quả.
Chị Trần Thị Thảo (phường thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai) rất thích thú khi được tận mắt nhìn thấy vườn ổi găng xứ Bắc trĩu quả trên vùng đất đỏ Tây Nguyên, được tự tay hái ổi ăn.
Chị cho biết: “Tôi ăn ổi găng từ bé, lúc còn ở ngoài quê. Từ ngày vào Gia Lai, cứ tới mùa hè tôi lại thấy lái buôn chở từng xe ổi găng từ ngoài Bắc vào bày bán dọc các tuyến đường. Đây là lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy, được tự tay hái và thưởng thức ổi găng từ trên cây xuống. Ổi găng trồng ở đây rất ngon, có vị ngọt, thơm”.
Ở phường Yên Thế, chị Nguyễn Thị Tố Như, cho biết: “Em rất thích ăn ổi găng, bởi loại ổi này có hương vị rất khác, không loại ổi nào có được. Quả tuy nhỏ nhưng thơm, ngọt dịu, ăn rất ngon. Ngày nghỉ, em thường đưa con đến vườn ổi nhà anh Tiến, anh Thắng chơi, cho các cháu tự hái ăn, thậm chí tham gia làm vườn cùng anh chị”.
Anh Thắng cho biết: “Ổi găng dễ trồng, dầu tư thấp nhưng cho thu nhập cao. Nhiều gia đình trong xã thấy em trồng được, tìm đến vườn tham quan, có ý muốn trồng. Riêng anh em nhà em, hướng tới sẽ phá bỏ toàn bộ vườn hồ tiêu, cà phê già cỗi, thay thế bằng cây ăn quả. Đặc biệt sẽ trồng ổi găng đại trà, vừa lấy quả bán, vừa làm nơi tham quan, trải nghiệm cho các cháu nhỏ…”.
Theo Đăng Lâm - Ngọc Thăng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã