Học tập đạo đức HCM

Người đưa trái chuối trứ danh đi Nhật

Thứ tư - 29/04/2020 19:09
Sau thời gian dài tìm đường phát triển giống chuối trứ danh Lâm Đồng, ông Phương kết nối được với đối tác Nhật Bản và chính thức xuất khẩu trực tiếp loại nông sản này.
Ông Nguyễn Huy Phương (áo đỏ) cùng người bạn đang bàn về hướng phát triển chuối Laba. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Huy Phương (áo đỏ) cùng người bạn đang bàn về hướng phát triển chuối Laba. Ảnh: Minh Hậu.

Lang thang tìm “đất hứa”

Tháng tư, khắp các triền đồi, nương bãi ở vùng sâu Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) được phủ một màu xanh bởi cà phê và bát ngát chuối Laba.

Bên tuyến đường rải nhựa dài tít tắp, những ngôi nhà khang trang mọc lên, những quán sá, kho hàng, kho nông sản quy mô lớn nằm xen lẫn.

Một người dân thổ lộ rằng, cuộc sống người đồng bào dân tộc thiểu số, người kinh ở xã Đạ K’Nàng đã khác trước nhiều rồi. Từ nương rẫy, nông dân trồng chuối và có thể thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ở vùng tập trung đông dân như một con phố, căn nhà to tựa biệt thự của gia đình ông Nguyễn Huy Phương là nơi người dân, khách hàng ra vào liên tục để trao đổi về kế hoạch phát triển chuối Laba. Ông Phương quê gốc Thanh Hóa và đã từng có thời gian lang bạt khắp vùng Sài Gòn, các tỉnh Tây Nguyên làm thuê, buôn bán mưu sinh.

“Cuộc sống khó khăn nên cứ lang bạt khắp nơi. Hơn chục năm trước, vợ chồng biết đến Đạ K’Nàng thông qua lời giới thiệu của người thân. Nghĩ những đồi cà phê có thể mang lại việc làm, mang lại nguồn thu nhập để nuôi thân nên quyết liều một phen và không ngờ cuộc đời lại có những thay đổi kể từ đó”, ông Phương kể lại.

Đặt chân lên Đạ K’Nàng, vợ chồng Phương làm thuê ở các rẫy cà phê rồi tích góp tiền bạc, mua nông sản của người dân và bán lại cho các thương lái khác. Sau nhiều năm, từ đôi bàn tay trắng ngày nào đã có được tài sản, có tiền mua đất để trồng cà phê, làm vườn.

Ông kể, trước đây, giá cà phê cao nên phát triển cây này gặp nhiều thuận lợi. Đến khoảng năm 2016, giá cà đi xuống và cuộc sống gia đình một làn nữa rơi vào khó khăn.

“Lúc đó thu nhập cứ thấp dần, thấp dần. Người dân Đạ K’Nàng sống chủ yếu vào cà phê nên gia đình nào cũng khó khăn, ảm đạm. Có làm thêm, buôn bán thêm cũng chả được bao nhiêu”, bà Võ Thị Thu – vợ ông Phương góp lời vào câu chuyện cũ.

Những vườn cà phê kém hiệu quả ở Đạ K'Nàng đã đcượ thay thế bằng vườn chuối Laba xanh ngút ngàn. Ảnh: Minh Hậu.

Những vườn cà phê kém hiệu quả ở Đạ K'Nàng đã đcượ thay thế bằng vườn chuối Laba xanh ngút ngàn. Ảnh: Minh Hậu.

Trong lúc khó khăn, vợ chồng ông Phương tìm cách buôn bán thêm các nông sản khác mưu sinh. Đây cũng là lúc họ biết đến giống chuối Laba nổi tiếng đang được trồng ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

Thấy loài cây cho trái nhiều, hương vị thơm ngon nên trong một lần đi lấy hàng, vợ chồng ông quyết định bỏ tiền mua 15 cây giống rồi mang về vườn nhà trồng thử. Những cây non hợp đất Đạ K’Nàng, hợp khí hậu nên lớn nhanh như thổi và chả mấy chốc trổ bông, cho ra những trái to.

Ông Phương thổ lộ: “Người ta bảo, đây là giống chuối nổi tiếng ở Lâm Đồng và trong thời kỳ phong kiến, nông sản này từng được dành để tiến Vua và các quần thần triều đình nhà Nguyễn. Vậy nên lúc cây cho trái ngon, cả nhà ai cũng vui và nghĩ rằng có thể phát triển rộng để phát triển kinh tế”.

Từ vườn nhà ra hợp tác xã

Chỉ một năm sau đó, ông Phương đã bàn với vợ và những người thân trong gia đình chuyển đổi toàn bộ 5ha cà phê kém hiệu quả thành vườn chuối Laba. Đó là vào khoảng năm 2017, khi thị trường về cây chuối cũng đang có nhiều biến động, giá trị không cao.

Nông dân 46 tuổi kể rằng, ngày bắt tay vào làm cũng là lúc những vựa chuối ở Đồng Nai lâm cảnh bết bát, mất giá, trái rụng đầy gốc. Có những lúc đang tưới nước cho cây ở mé vườn với bao hy vọng thì nghe được tiếng xì xầm cho rằng mô hình điên rồ từ những người ngoài.

Buồn, lo lắng nhưng rồi với quyết định không bỏ cuộc đã đưa gia đình ông Phương vượt qua để phát triển.

Chuối Laba là sản phấm nổi tiếng Lâm Đồng. Trong quá khứ, nông sản này được dùng tiến vua và các quần thần nhà Nguyễn. Ảnh: Minh Hậu. 

Chuối Laba là sản phấm nổi tiếng Lâm Đồng. Trong quá khứ, nông sản này được dùng tiến vua và các quần thần nhà Nguyễn. Ảnh: Minh Hậu. 

“Mùa vụ đầu tiên, trái cây trong vườn nhiều nhan nhản nhưng khó bán do gặp trúng lúc chuối Đồng Nai đang phải giải cứu. Vợ chồng tôi cứ mang chuối đi mời người ta thử, mang đi chào hàng khắp nơi.

Một lần, tôi đến chào hàng ở một vựa nông sản trong tỉnh thì gặp người của công ty chuối xuất khẩu đang tìm hàng đưa đi Nhật Bản và mọi bước ngoặt bắt đầu”, nông dân này nhớ lại.

Năm 2018, những người trong một công ty chuối xuất khẩu có địa chỉ tại TP.HCM chính thức đến thăm vườn của gia đình ông Phương và đánh giá cao nông sản tại đây. Cũng từ đó, đơn vị này đặt vấn đề sản xuất sạch, chất lượng và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

“Trong khi chuối vùng khác đang phải giải cứu mà chuối mình có được chỗ tiêu thụ ổn định, giá cao thì không còn gì bằng”, ông Phương chia sẻ và cho biết thêm, kể từ đó, ông như được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin để nghĩ về phát triển loại nông sản trứ danh.

Khi nông sản mang lại thu nhập cao và sự giàu có cho chủ vườn, những người dân trong vùng bắt đầu tìm hiểu và học hỏi. Cũng trong năm 2018, gia đình ông Phương đã hỗ trợ nhiều nông dân ở Đạ K’Nàng xây dựng mô hình để cải thiện nguồn thu nhập.

Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng sau đó được thành lập với 7 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 50ha. Chỉ một năm sau đó, số hộ dân tham gia mô hình tăng lên con số gần 50 và hình thành vùng liên kết sản xuất lên đến 165ha.

Chị Kon Sơ Be Ly (dân tộc Dao) tham gia mô hình liên kết sản xuất cho hay, gia đình chị có truyền thống trồng cà phê và gần đây, cây kém hiệu quả nên quyết định chuyển sang trồng chuối Laba. Chị tâm sự: “Chuối đến kỳ thu hoạch thì được hợp tác xã mua với giá 8.000 đồng/kg. Nhờ phát triển cây này nên năm rồi có thu nhập cả trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu lớn đối với chúng tôi”.  

Làm việc với người Nhật

Chuối có hương vị đặc biệt, thơm, dẻo nên trong năm 2019, nhiều đoàn doanh nhân Nhật Bản đã đến tận vườn của hợp tác để ghi nhận thực tế.

“Khi đến vườn, họ chọn nhiều quả rồi chia thành các mẫu riêng biệt để kiểm tra. Đất vườn, nước tưới cây cũng được họ lấy mẫu để xét nghiệm.

Trong năm đó, họ cứ bay qua, bay về cả mấy chục lần. Cuối cùng, họ quyết định ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong 5 năm và hợp tác xã chính thức xuất khẩu trực tiếp qua Nhật Bản”, Giám đốc HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng Nguyễn Huy Phương chia sẻ.

Hiện mỗi tháng, hợp tác xã thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường này 4 container, tức khoảng 60 tấn nông sản.

Để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu qua Nhật Bản, hợp tác xã của ông Phương lắp đặt chíp điện tử để phục vụ quy trình sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu qua Nhật Bản, hợp tác xã của ông Phương lắp đặt chíp điện tử để phục vụ quy trình sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo giám đốc HTX, Nhật Bản là thị trường khó tính nên mọi quy trình sản xuất phải khoa học, tuân thủ các điều kiện ngặt nghèo.

Ở mỗi gốc chuối trong vườn, HTX đang triển khai lắp đặt hệ thống chip điện tử để cập nhật các thông tin về quy trình sản xuất cho đối tác.

Những con chip này sẽ truyền dữ liệu về quá trình sinh trưởng của cây, trái để đối tác nắm bắt và đưa ra sự điều chỉnh cho chủ vườn can thiệp, tạo sản phẩm đúng tiêu chuẩn.

Trong năm 2020, HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng sẽ nâng lượng xuất khẩu lên 120 tấn mỗi tháng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, HTX đang đầu tư mở rộng nhà kho, khu vực sơ chế và kho lạnh để bảo quản nông sản. Trong năm nay, hợp tác xã cũng mở rộng liên kết với người dân Đạ K’Nàng và các xã lân cận để mở rộng vùng sản xuất lên 300ha.

Trên diện tích 1ha, người dân có thể trồng 2.000 cây chuối Laba và năm thứ 2-3, chuối đẻ cây con nên cả vườn có thể đạt 6.000 cây. Chăm sóc tốt, đúng quy trình, mỗi ha cho thu về từ 80-125 tấn trái, giúp chủ vườn thu về 250-300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Huy Phương cho biết sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên 1.000ha trong thời gian tới để đáp ứng đơn hàng đối tác Nhật Bản.

Theo Minh Hậu/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập195
  • Hôm nay41,469
  • Tháng hiện tại435,135
  • Tổng lượt truy cập92,812,799
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây