Giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2019. Ảnh: Diệu Anh |
Hiện nay, với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 92.970 tấn gạo; 18.594 tấn thịt lợn hơi; 5.230 tấn thịt bò; 6.198 tấn thịt gà, vịt; 84.100 tấn rau, củ; 124 triệu quả trứng gia cầm...Trong khi đó, hiện sản xuất nông nghiệp Hà Nội mới đáp ứng được 65,6% nhu cầu gạo; 65,1% rau, củ tươi; 19,3% thịt bò, trâu; 94,2% trứng gia cầm…; số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác.
Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019, Hà Nội đã phải tiêu hủy 543.878 con, hiện chỉ còn 1,2 triệu con, gây thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Phần còn thiếu, Hà Nội nhập từ các tỉnh, thành phố về cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Không phải chỉ khi có dịch Covid-19 Hà Nội mới tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về mà gần 5 năm nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã thúc đẩy liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Đến nay, Hà Nội và các địa phương khác đã phát triển được 766 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Hiện tại, mỗi ngày có hàng nghìn tấn nông sản của các tỉnh, thành phố được chuyển về tiêu thụ tương đối ổn định tại Hà Nội thông qua các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối. Chẳng hạn như: Tỉnh Hà Nam cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 41,6 tấn nông sản, thực phẩm/ngày; Hòa Bình cung cấp 0,5 tấn rau/ngày, 6,9 tấn thịt lợn/ngày, 2,7 tấn thịt gà/ngày… Ngoài ra, có hơn 200 nhà cung cấp đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm từ các địa phương khác về tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại như: Siêu thị Vinmart, BigC Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro...
Về đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản các địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, Sở đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố...
Dự kiến, trong năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 5 hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh: Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... để phục vụ công tác khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ.
Đồng thời, tổ chức từ 3 đến 5 tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các địa phương có khó khăn trong việc tiêu thụ, xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng. Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15 đến 20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội do các địa phương chủ trì thực hiện;...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất và liên kết cung ứng nguồn nông sản cho Hà Nội như vậy, có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo Diệu Anh/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã