Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc khi được "mục sở thị" vườn bưởi diễn của lão nông Bùi Xuân Hiến, tiểu khu 17 (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Nó vừa rộng rãi, vừa thoáng đãng, mà lôi cuốn hơn cả là hàng trăm cây bưởi, quả sai lúc lỉu, chín vàng ruộm cả khu vườn.
Lão nông Bùi Xuân Hiến năm nay 57 tuổi, song ông cũng mới đến với nghề trồng bưởi tầm 6 năm trở lại đây. Đó là vào năm 2014, ông Hiến quyết định mua lại mảnh nương của người dân bản địa để trồng bưởi.
Tổng diện tích khu vườn hơn 2ha, ông Hiến không trồng đồng loạt, mà trồng theo giai đoạn. Để cho chắc ăn, ông Hiến dành một nửa diện tích trồng bưởi, nửa còn lại trồng nhãn. Năm 2014, ông trồng 300 cây bưởi diễn.
Loạt cây này đã bước sang năm thứ 3 cho quả. 200 cây bưởi diễn còn lại thì ông mới trồng cách đây 2 năm.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Hiến vui vẻ nói: "Vườn bưởi này vừa được thương lái đến đặt mua sạch sành sanh. Quả to, quả nhỏ, đẹp, xấu thương lái lấy hết, cứ 10.000 đồng/quả...".
Theo ông Hiến, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các loại hoa quả bán chậm hơn so với mọi năm. Bán được với giá như này là cũng ổn lắm rồi. Vườn bưởi nhà ông quả đẹp và đểu, ngon, ngọt nên mới bán được giá như vậy.
Dạo một vòng quanh vườn bưởi, anh bạn đi cùng tôi cứ tấm tắc khen mãi. Cả vườn bưởi 300 cây, cây nào, cây nấy cũng chi chít quả. Cái hay ở vườn bưởi nhà ông Hiến, đó là không những sai quả, mà còn rất đều, màu sắc bắt mắt, chín vàng ruộm cả khu vườn.
"Làm gì cũng vậy, phải có niềm đam mê thì mới thành công được. Sở dĩ vườn bưởi nhà tôi đẹp như vậy, là nhờ được chăm sóc cẩn thận, cho ăn đầy đủ dinh dưỡng. Hơn nữa, tôi cũng rất chú ý đến khâu chọn giống. Tôi về tận Học viện nông nghiệp Việt Nam để mua cây giống, đảm bảo chất lượng đầu vào" – ông Hiến thông tin.
Qua câu chuyện với ông Hiến, phóng viên Dân Viêt được biết, cách trồng và chăm sóc bưởi của ông Hiến rất khoa học và bài bản. Ông Hiến trồng bưởi với khoảng cách nhất định, thẳng hàng, thẳng lối, cây cách cây chừng 4,5m.
Để tăng vị ngọt cho bưởi, ông Hiến mua hạt đậu tương, ngô về nghiền nhỏ, sau đó cho vào bể ngâm ủ chừng 3 tháng. Khi quả bưởi đạt trọng lượng từ 3 – 5 lạng, ông bắt đầu lấy nước đậu tương, ngô đã ngâm ủ, tưới cho cây bưởi.
Ông còn hòa kali với nước để tưới cho vườn bưởi. Với cách làm đó, bưởi nhà ông luôn đảm bảo được độ ngon, ngọt.
Ông Hiến không tiếc tiền đầu tư hệ thống tưới tự động. Cạnh mỗi gốc bưởi là một béc tưới tự động. Không chỉ dùng để tưới nước cho cây mà cả việc tưới phân ông Hiến cũng sử dụng hệ thống này, giảm thiểu được công lao động so với cách làm thủ công.
Theo ông Hiến, trong 3 năm đầu trồng bưởi phải thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán, để khống chế cho cây bưởi sinh trưởng, phát triển theo ý mình, chứ không để chúng phát triển tự nhiên.
Sau khi thu hoạch bưởi, việc đầu tiên cần phải làm đó là cắt tỉa, bón phân và phun thuốc rửa vườn, giúp cho vườn bưởi sạch bệnh và sớm phục hồi sau thời gian nuôi quả. Tùy từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây bưởi mà ông Hiến cho chúng "ăn" phân với liều lượng thích hợp.
"Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi cũng đã nhiều lần phải trả giá. Cũng vì thiếu kinh nghiệm nên tôi vừa làm, vừa học hỏi kĩ thuật chăm sóc bưởi. Có lần xem trên mạng thấy người ta nói về cách khoanh vỏ để bắt cây bưởi phát triển theo ý mình, tôi đã làm theo...".
Tuy nhiên, ông Hiến làm sai cách, sau khi khoanh vỏ, hơn chục cây bưởi cứ héo dần rồi chết khô. Sau lần đó ông đã rút ra được bài học cho riêng mình. Cứ lần mò học hỏi, cuối cùng ông cũng thành công.
Ông đã biêt khi nào thì nên phun thuốc, khi nào thì nên khoanh vỏ và khoanh thế nào thì hợp lý. Nhờ đó, vườn bưởi nhà ông lúc nào cũng sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều quả.
Bình quân, mỗi cây bưởi nhà ông Hiến đạt trên dưới 100 qu, có cây lên đến 150 quả. Bưởi nhà ông Hiến không chỉ đẹp mã mà còn rất ngon, ngọt, được nhiều thương lái lựa chọn. Bán đổ đồng cho thương lái với giá 10.000 đồng/quả, ông Hiến thu hơn 300 triệu đồng.
Thanh Ngân/Danviet.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;