Nông thôn Hà Nội hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thiện Tâm |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều thay đổi, phát triển rõ rệt từ thực hiện chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất... Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đã đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,2 lần so với năm 2015 (vượt kế hoạch đề ra 47 triệu đồng/ha).
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên đời sống nông dân đã không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người, Đông Anh 60 triệu đồng/người, Hoài Đức 55 triệu đồng/người, Đan Phượng 53,8 triệu đồng/người … Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 88,3%. Có 100% số xã kết nối internet, hầu hết các hộ có điện thoại.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm 1,81% xuống còn 0,69%. Trong đó huyện Đông Anh, Gia Lâm không còn hộ nghèo.
Đến nay Thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, Đoàn Thẩm tra Thành phố đã tiến hành thẩm định thị xã Sơn Tây đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Tính đến tháng 5/2020, toàn TP đã có 6/18 huyện, thị xã và 353/382 xã (chiếm 92,4% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu. Ngoài ra, còn có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có thêm 15 xã về đích nông thôn mới.
Trong những tháng đầu năm 2020, Đoàn Thẩm định Thành phố đã tiến hành thẩm định đối với 4 xã, gồm 2 xã của huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã của huyện Phú Xuyên, 1 xã của huyện Sóc Sơn đề nghị đạt chuẩn năm 2020. Đoàn Thẩm định Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định xem xét, trình Chủ tịch UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2020. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới có 20 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được triển khai thực hiện mô hình địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh tại cộng đồng; tổ chức các cuộc tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống xâm hại, lạm dụng trẻ em; phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp được các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan từ chuyển dịch cơ cấu nhưng sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn phát triển nhỏ lẻ, manh mún chưa tận dụng, phát huy hết lợi thế. Tăng trưởng nông nghiệp thấp, chưa thu hút được đầu tư từ doanh nghiệp…
Trong xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế. Đặc biệt một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp theo kế hoạch đề ra, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao. Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị
Đối với xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Từ nay đến năm 2025, sẽ tổ chức sơ kết hàng năm nhằm đánh giá hiệu quả từng chương trình, đề án, dự án; từ đó, rút kinh nghiệm để kịp thời chỉ đạo thực hiện. Tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện chương trình năm 2020.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã