Đó là nông dân vùng cao Tòng Văn Nghiên (SN 1969) ở bản Là (xã Mường Kim, huyện Than Uyên). Ông Nghiên gắn bó với nghề chăn nuôi bò vỗ béo được gần 20 năm nay. Ông là người chịu khó có tiếng trong vùng. Cũng nhờ tính chịu khó đã giúp ông thành công với nghề chăn nuôi bò vỗ béo.
"Ở Mường Kim có nhiều hộ chăn nuôi bò, nhưng mỗi gia đình cũng chỉ từ 1 – 2 con. Nuôi cả đàn bò và chăn nuôi bò vỗ béo như gia đình tôi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghề nuôi bò vỗ béo này lời lãi không được bao nhiêu, mà lại vất vả mỗi ngày. Nếu không phải là người "hay lam, hay làm" thì khó có thể kiếm được miếng ăn từ nghề này" – ông Nghiên chia sẻ.
Ngược dòng thời gian, ông Nghiên kể cho chúng tôi nghe về thời điểm ông "chân ướt, chân ráo" bước vào nghề chăn nuôi bò vỗ béo.
"Đó là năm 2000, tôi mua 2 con bò trưởng thành về nuôi. Sau gần 2 tháng chăm sóc, cho ăn đầy đủ, con nào con nấy cũng béo tốt, khỏe mạnh. Thấy tôi có bò đẹp, nhiều thương lái đến hỏi mua. Suy tính thấy có lãi nên tôi đã bán 2 con bò đó. Ý tưởng chăn nuôi bò vỗ béo rồi bán ra thị trường của tôi cũng xuất phát từ đó và kéo dài cho đến bây giờ" – ông Nghiên nhớ lại.
Thời gian đầu do vốn liếng hạn chế nên ông Nghiên chỉ duy trì từ 3 – 5 con bò trong chuồng. Khi có khách hỏi mua, được giá là ông bán rồi lại đi mua con bò khác về nuôi. Ông Nghiên tích cóp số tiền lãi sau mỗi lần bán bò để đầu tư mua thêm bò về nuôi. Độ 10 năm trở lại đây, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 10 – 12 con bò.
Ông Nghiên chủ yếu mua bò chừng 18 tháng tuổi về nuôi chứ không mua bê con. Theo tính toán của ông Nghiên, mua bò tầm tuổi đó về nuôi vỗ béo sẽ sớm quay vòng được đồng vốn. Sau khi mua bò về, ông Nghiên chỉ nuôi từ 1 – 2 tháng là bán ra thị trường.
Nhiều năm nay, ông Nghiên thường tìm đến những hộ chăn nuôi bò ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hay sang Sơn La để mua bò về nuôi. Để đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, ông Nghiên đặc biệt quan tâm tới khâu cho ăn và vệ sinh chuồng trại.
"Mỗi ngày tôi cho đàn bò ăn 3 bữa. Thức ăn của bò chủ yếu là rơm và cỏ. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, tôi trồng hơn 1000m2 cỏ voi. Tuy nhiên, do đàn bò đông nên lượng cỏ đó không thấm vào đâu cả. Tôi còn mua cây chuối của người dân và vào rừng cắt cỏ để làm thức ăn cho đàn bò. Chăn nuôi vỗ béo nên phải quan tâm nhiều tới việc cho đàn bò ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng" – ông Nghiên cho hay.
Không chỉ quan tâm đến việc cho bò ăn đủ chất dinh dưỡng, ông Nghiên còn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Vào buổi sáng mỗi ngày, trước khi cho đàn bò ăn, ông Nghiên quét dọn chuồng trại sạch sẽ. Đàn bò nuôi vỗ béo nhà ông được cho ăn đầy đủ nên phát triển khỏe mạnh, dịch bệnh không xảy ra. Chăm sóc đàn bò mỗi ngày, phát hiện con nào yếu ông Nghiên mới tiêm thuốc tẩy giun sán cho bò.
Theo ông Nghiên, nuôi bò vỗ béo tuy vất vả, song bù lại người nuôi sớm thu hồi được đồng vốn và cũng ít rủi ro hơn. Mỗi năm, ông Nghiên bán ra thị trường khoảng 50 con bò thịt. Bình quân mỗi con bò bán ra thị trường, ông Nghiên lãi 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm ông Nghiên cũng có khoản thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ bán bò thịt.
Theo Thanh Ngân/danviet.vn
https://danviet.vn/lai-chau-nuoi-bo-vo-beo-ma-co-cua-an-cua-de-xay-duoc-nha-dep-20200603181428196.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã