Với ý chí và sự cố gắng không ngừng nghỉ, chị Nga đã gầy dựng được cơ nghiệp bạc tỷ trên vùng đất khô cằn, đồng thời góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương.
Từ bỏ công việc tốt để về quê khởi nghiệp
Xa quê nhiều năm để học tập với mong muốn đổi đời, chị Võ Thị Minh Nga đã có một công việc tốt và ổn định tại TP Hồ Chí Minh, nhờ đó mà chị nuôi em gái ăn học, đỡ đần cha mẹ.
Chính vì thế, việc từ bỏ công việc yêu thích để về quê khởi nghiệp là điều không hề dễ dàng với chị. Sự phản đối kịch liệt từ gia đình, sự cười nhạo của những người xung quanh không làm chùn bước chân của cô gái trẻ.
Báo điện tử Dân Việt ra mắt chuyên mục Tâm hồn làng ViệtNhớ lại những ngày đầu vác ba lô về quê, chị Nga bùi ngùi nói: "Ở vùng quê nghèo nơi núi rừng này, việc tôi được ăn học tử tế và thành danh là một niềm tự hào rất lớn của gia đình, dòng họ, ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ và khen ngợi. Nhưng mỗi lần về thăm quê, tôi nhìn thấy đời sống bà con vẫn lắm khổ cực, quê nghèo vẫn không thay đổi.
Trăn trở về những điều đó, tôi nung nấu ý định làm giàu từ chính những sản vật của quê hương, với mong muốn một lần nữa mình đổi đời và giúp dân mình thoát nghèo".
Năm 2016, chị Nga về quê với vỏn vẹn 50 triệu đồng, chị dùng 20 triệu đồng làm từ thiện và qua đó tìm hiểu kỹ hơn về đời sống, văn hóa của người dân địa phương, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số Bh.nong. Từ những chuyến du mục xuyên rừng núi, chị mua nông sản và đặc sản của người dân để về "trang điểm" lại, bán online đưa hàng về miền xuôi.
10 năm làm phóng viên tại một tờ báo lớn ở TP Hồ Chí Minh đã giúp chị Nga có nhiều mối quan hệ, tạo lượng khách ổn định luôn tin tưởng và ủng hộ những sản phẩm tâm huyết của chị.
Hà Nội: Làng Việt vùng chiêm trũng 800 năm tuổi có hàng loạt biệt thự Pháp, nhà cổ, ai đến xem cũng trầm trồĐến cuối năm 2017, chị đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng kho chứa hàng chỉ rộng 50m2, để rồi đến nay mở rộng thành một nhà máy hiện đại lớn gấp 5-6 lần xưởng cũ.
Chị Nga chia sẻ, sau thời gian mua đi bán lại những đặc sản rừng như: mật ong, gạo lứt, gừng, nghệ…thì chị nhận thấy cần phải phát triển để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và hướng đến chỗ đứng vững trên thị trường. Vì thế, hệ thống máy móc hiện đại trị giá hơn 300 triệu đồng bắt đầu được ứng dụng để sản xuất tinh bột nghệ, chế biến các dòng sản phẩm gạo lứt, ngũ cốc….
"Những năm đầu khởi nghiệp, tôi gặp khó khăn về nguồn vốn và thất bại không ít lần trong quá trình nghiên cứu công thức tạo nên một sản phẩm vừa bổ dưỡng, vừa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, những suy nghĩ lạc hậu và bảo thủ của mọi người như một gánh nặng lớn tác động đến tâm lý của mình. Nhưng dù thế nào tôi vẫn cố gắng vượt qua vì những hoài bão giúp ích cho cộng đồng", chị Nga tâm sự.
Doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm từ kinh doanh sản vật núi rừng
Đối với nhiều người, Hiệp Đức là một huyện miền núi nghèo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thậm chí ít ai biết đến nơi đây. Nhưng với chị Nga, Hiệp Đức là quê hương ân tình chị chọn để quay trở về khởi nghiệp, phát huy những giá trị quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Hiện nay, sản phẩm chủ lực bán chạy của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phương Nga là các dòng sản phẩm gạo lứt rẫy Bh.nong như: trà gạo lứt, bột gạo lứt, gạo lứt sấy rong biển, gạo lứt sống. Ngoài ra, sản phẩm tinh bột nghệ rừng Bh.nong, mật ong rừng già Bh.nong cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chị Nga bộc bạch: "Người đồng bào dân tộc thiểu số Bh.nong trồng gạo lứt trên nương rẫy, không bón phân, không phun thuốc nhưng vẫn xanh tốt và cho hạt có chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, bà con chưa nhận thấy tiềm năng kinh tế từ gạo lứt, nên tôi sẽ là người khai phá và nâng tầm giá trị cho đặc sản quê nhà".
Để có nguồn nguyên liệu sản xuất, chị Nga lặn lội vào từng bản làng, nương rẫy của đồng bào Bh.nong để tìm và thu mua nông sản sạch. Sau đó mang về xưởng chế biến thành những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, đưa hàng từ miền núi về thành phố tiêu thụ.
Nhờ uy tín và chất lượng sản phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên chị Nga bán rất chạy, tạo dựng thị trường tiêu thụ mạnh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực miền Tây, TP Đà Nẵng…. Khi kinh doanh có lợi nhuận ổn định, chị Nga quay trở lại mua nông sản của đồng bào với giá cao, để giúp họ có thêm thu nhập từ chính những hạt gạo rẫy do mình làm ra.
Mỗi sản phẩm của chị Nga sản xuất đều là công sức và tâm huyết của dân làng. Khi đầu ra cho nông sản, đặc sản rừng mang thương hiệu của cô gái Bh.nong được mở rộng, thì họ sẽ có đời sống kinh tế ổn định hơn. Và rồi người dân nghèo sẽ đổi đời, thoát cảnh chật vật bữa đói bữa no đeo bám nhiều đời.
Chị Nga phấn khởi nói: "Bên cạnh việc tạo đầu ra ổn định cho nông sản của bà con, thì tôi còn tạo được việc làm cho khoảng 14 lao động với mức lương từ 6.000.000-7.000.000 đồng/người/tháng (tùy vào công việc). Đa số là những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo của địa phương. Vì thế, tôi sẵn lòng nhận họ về làm tại xưởng của mình, dù biết sẽ mất nhiều thời gian để chỉ dạy và đào tạo tay nghề".
Chị Nguyễn Thị Chín, công nhân tại xưởng tâm sự: "Chồng tôi mất vì bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình vì thế càng khó khăn hơn. Nhưng nhờ có chị Nga nhận về làm tại công ty hơn 1 năm nay, mà tôi có việc làm bất kể mưa nắng, có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học. Gia đình tôi thực sự rất biết ơn sự giúp đỡ của chị Nga".
Hiện nay, chị Nga gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, đặc biệt là nguồn nông sản đảm bảo tiêu chuẩn sạch và an toàn. Dự định sắp tới, chị sẽ liên kết với các Hợp tác xã trong tỉnh Quảng Nam để xây dựng vùng trồng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: gạo lứt, đậu đen.
Trong năm 2020, công ty của chị Nga đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí chị thu lãi gần 1 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục đầu tư thêm máy móc công nghệ cao của Hàn Quốc để phát triển các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, chị xây dựng những chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Bh.nong trên cả nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Cùng với công việc sản xuất và kinh doanh các nông sản, đặc sản của người Bh.nong, chị Nga còn thường xuyên làm từ thiện với mong muốn giúp người giúp đời. "Tôi luôn tâm niệm là trong cuộc sống này mình hãy yêu thương nhau nhiều hơn, học cách cho đi để có tâm thái an nhiên, vui vẻ. Vì thế, tôi không thấy mệt mỏi trong những chuyến đi từ thiện nơi bản làng xa xôi.
Tôi hi vọng sẽ có nhiều người cùng đồng hành với mình trong những chương trình thiện nguyện vì cộng đồng. Mỗi năm, tôi trích 10% lợi nhuận để giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp các em nhỏ mồ côi được đến trường, giúp các cụ già không có nơi nương tựa, hỗ trợ xây dựng các công trình cộng đồng…", chị Nga bày tỏ.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/quang-nam-vi-sao-nu-phong-vien-xinh-dep-khi-dang-do-chin-bat-ngo-bo-tp-ho-chi-minh-ve-lai-vung-que-ngheo-20210325120130209.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã