Chương trình cảnh quan bền vững là sản xuất thuận tự nhiên làm giảm các yếu tố đầu vào trong nông nghiệp một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm.
Nông dân trồng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đã được hưởng lợi thông qua việc tham gia Chương trình cảnh quan bền vững (ISLA) do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) thực hiện.
Đến năm 2025, chương trình sẽ được mở rộng hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn trên diện tích 90.000ha.
Nông dân hưởng lợi
Trong hơn 2 năm vừa qua, người dân ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), đã giảm được chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và thu nhập khi tham gia thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả hóa chất nông nghiệp trong sản xuất cà phê.
Ông Nguyễn Văn Huy (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cho biết, gia đình có hơn 2 ha rẫy cà phê. Qua tham gia thực hiện mô hình tái canh cà phê cải tiến bằng giải pháp cảnh quan đã giúp giảm chi phí đầu tư và nhân công.
Theo ông Huy, khi thực hiện mô hình, gia đình đã giảm được chi phí chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu, tưới nước. Trước đây, phân bón bỏ nhiều gấp 3 lần như hiện nay nhưng cây trồng lúc nào cũng trong tình trạng cằn cỗi. Tuy nhiên khi tham gia chương trình, ông đã học được phương pháp làm đất tối ưu, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thảm cỏ cải thiện đất…
Hiện gia đình không còn phải phụ thuộc vào duy nhất cây cà phê mà có nguồn thu nhập từ nhiều loại cây trồng xen khác.
Trong khi đó, tham gia thực hiện mô hình phục tráng vườn cà phê bằng các giải pháp cảnh quan đã giúp hộ ông Vũ Minh Đãi (ngụ thị trấn Buôn Trấp) phục hồi được 1 ha cà phê già cỗi trồng từ hơn 20 năm trước. Theo đó, ông Đãi đã thực hiện các giải pháp như phân tích đất để bón phân hợp lý hơn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, quản lý độ phì đất bằng thảm cỏ tự nhiên…
“Từ khi thực hiện mô hình, vườn cà phê già cỗi đã hồi sinh, cây tươi tốt, cành ra nhiều cho thu nhập cao. Mặc dù vườn cà phê được hồi sinh nhưng chi phí để cải tạo rất ít”, ông Đãi nói thêm.
Ông Đoàn Văn Thống, Phó Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, người dân khi tham gia mô hình cảnh quan cà phê bền vững đã mang lại rất nhiều lợi ích.
Cụ thể người dân khi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất cảnh quan đã giảm được chi phí đầu vào (bón phân cân đối, giảm nước tưới, và thuốc BVTV), chất lượng sản phẩm cà phê được cải thiện rõ nét. Những hộ trong HTX đã áp dụng và tuân thủ quy trình chăm sóc thu hái theo hướng dẫn của Công ty Simexco và đã bán được giá cộng cao hơn giá thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/1kg cà phê nhân.
Theo ông Thống, mô hình đã tạo nên vùng tiểu khí hậu mát mẻ với tỷ lệ cây che bóng, cây chắn gió cao trong vùng, tạo nên vùng cảnh quan xanh trong khu vực.
Ngoài ra khi tham gia chương trình, đã giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc sản xuất bền vững, giảm bón phân hóa học, thuốc BVTV, tăng cường bón phân hữu cơ. Từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, và nguồn thu tư cây trồng xen là rất đáng kể.
Ông Phạm Văn Tương, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết, địa phương có hơn 50 ha cà phê tái canh theo mô hình của hương trình cảnh quan bền vững (ISLA).
Sau hơn 2 năm chương trình thực hiện, đã hỗ trợ địa phương triển khai 3,1 km đường cây xanh, trồng hoa 2 bên đường, tạo thảm thực vật, và thu gom rác. Chương trình cũng hỗ trợ người dân trong việc cải tạo ao hồ nhỏ, xây dựng hồ cộng đồng, từ đó giúp người nông dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn tài nguyên nước, tưới nước tiết kiệm.
Giúp nông dân tự phát triển
TS Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức IDH cho biết, Chương trình cảnh quan bền vững là sản xuất thuận tự nhiên làm giảm các yếu tố đầu vào, tiết kiệm nhân công, sử dụng thuốc BVTV, phân bón và hóa chất trong nông nghiệp một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm. Mô hình đem lại sự bền vững cho nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tổ chức IDH đã hỗ trợ các đối tác (người dân) các can thiệp cảnh quan bền vững. Theo đó, các giải pháp được triển khai trên thực địa qua các mô hình tái canh cải tiến, phục tráng vườn cây...
Nông dân được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác mới, dựa vào thảm phủ, thúc đẩy sự cộng sinh giữa các yếu tố cây trồng. Từ đó, giúp cây cà phê, cây trồng xen phát triển tốt.
Tổ chức IDH không chỉ đầu tư cho các nông hộ bằng kinh phí, mà chuyển giao cho người dân các biện pháp kỹ thuật tốt, các kỹ sư giỏi…, nông dân tự nguyện chia sẻ và hợp tác. Từ đó, nông dân có thể thành công hơn trong trồng trọt.
Cũng theo TS Trí, trong vùng cảnh quan cà phê bền vững có các điểm nhấn là thúc đẩy cây cà phê cùng với cây trồng xen và các thành tố khác tạo ra hệ canh tác nông nghiệp mang đặc tính của rừng (hệ sinh thái rừng). Từ đó, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập. Chương trình hướng đến mô hình sản xuất thuận tự nhiên mà tổ chức IDH và các đối tác đang thúc đẩy.
Tây Nguyên được biết đến như một trong những vùng nguyên liệu hàng đầu trên thế giới cho các mặt hàng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao... Tăng trưởng nóng đã dẫn tới những thách thức liên quan tới chất lượng và giá xuất khẩu, ảnh hưởng tới tính bền vững của sự tăng trưởng và phát triển.
Trong khi đó, thị trường các mặt hàng nông nghiệp đã và đang chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ bắt nguồn từ các cam kết như tới năm 2025, 100% sản phẩm cà phê và hồ tiêu thu mua được sản xuất có trách nhiệm của các nhà mua lớn như Nestle, JDE, Tchibo, McCormick...
Tuy nhiên hiện tại, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20%. Để đạt được mục tiêu này, các yêu cầu kiểm tra, giám sát đối với cà phê và hồ tiêu xuất khẩu ngày càng được thắt chặt.
Tổ chức IDH giúp thu nhập của người nông dân tăng lên thông qua thực hành bền vững và đa dạng hóa hệ thống cây trồng. So với nông dân ngoài vùng thí điểm, nông dân trong các vùng VSA có thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha ở Krông Năng, chủ yếu từ các cây trồng xen.
Chương trình ISLA được thực hiện từ năm 2018 đến nay ở các huyện sản xuất cà phê, hồ tiêu, và cây ăn trái trọng điểm ở các huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), Di Linh và Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).
Chương trình kỳ vọng sẽ được nhân rộng ra cả vùng Tây Nguyên, hướng tới áp dụng trên diện tích khoảng 357.000ha vào năm 2025.
Không chỉ hỗ trợ các mặt hàng cà phê, hồ tiêu và các cây công nghiệp dài ngày, chương trình cũng sẽ đóng vai trò chiến lược mang lại những kết quả lâu dài và bền vững trong quản lý tài nguyên, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Theo Quang Yên - Minh Hậu/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/canh-tac-theo-chuong-trinh-canh-quan-ben-vung-tang-thu-nhap-them-30-d287505.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã