Nhiều người chăn nuôi cho rằng, việc tái đàn không nên để bị cuốn theo "hòn tuyết lăn". Đó là "hòn tuyết" chi phí, giá cả càng lăn nhanh thì nguy cơ lỗ vốn càng lớn...
"Chọn mặt gửi... giống"
Nằm tách biệt khỏi khu dân cư, trại lợn rộng 10ha của bà Lành Thị Triều thuộc loại quy mô bậc nhất thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Năm 2014, đây là trang trại đầu tiên của tỉnh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Nhờ chứng nhận này mà lợn của bà Triều được thương lái mua với giá cao và ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tháng 5, 6, 7 là cao điểm DTLCP. Các cơ sở không cho phối giống suốt mấy tháng trời nên nguồn giống thiếu trầm trọng cho giai đoạn quý I đến đầu quý II.
Đến tháng 9, 10, các cơ sở mới cho phối giống trở lại nên phải sang cuối quý II, đầu quý III trở đi mới có giống đưa ra thị trường.
Khi chưa có DTLCP, bà Triều thường duy trì tổng đàn lên đến 3.000 con. Lúc giá cao, bà bán cả lợn thịt và lợn giống, thu về hàng tỷ đồng/năm. Nay giá lợn vẫn cao nhưng tình thế đã khác. DTLCP đi qua, trại lợn của bà không tránh khỏi hệ lụy. Cuối tháng 4, bà bán gần hết đàn lợn thịt, chỉ còn duy trì khoảng 100 con.
Thời điểm bà bán lợn, giá giảm về 84.000 đồng/kg chứ không được 90.000 đồng/kg như lúc đang "sốt". Đến giữa tháng 5, bà Triều mới nhập lợn giống từ Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam về gây nuôi trở lại.
Những đợt khủng hoảng giá lợn, trang trại của bà Triều vẫn trụ vững nhờ vào thương hiệu lợn sạch và uy tín của mình. Nay cũng nhờ uy tín, trang trại của bà Triều mới được công ty cung cấp giống. Bà Triều kể, vì trang trại của mình lớn, vẫn thường sử dụng cám của công ty nên được hỗ trợ con giống tái đàn, chứ người dân không thể mua được. Nếu ví con giống bây giờ quý như vàng thì đúng là công ty cũng phải chọn mặt mới dám gửi con giống.
"Tôi đặt con giống từ Tết Nguyên đán nhưng đến nay mới nhận được hàng" - bà nói.
Vì công ty không bán ra, hoặc chỉ giao lợn giống cho các trại gia công, các trại lớn đủ điều kiện an toàn sinh học (ATSH) nên nông hộ nhỏ lẻ không dễ gì mua được. Còn lợn cụ kỵ mua qua công ty giống nhà nước cũng không hề rẻ, lợn ông bà hiện giá tầm 15 triệu đồng/con.
"Mình mua về phối ra lợn bố mẹ, rồi phối tiếp cho ra lợn giống, mất thêm gần nửa năm nuôi mới có lợn thịt bán ra thị trường. Tốn rất nhiều công đoạn và chi phí nên nông hộ khó tăng đàn và tái đàn nhanh được" - bà Triều nói.
Theo ông Kiều Minh Lực - Phó Tổng Giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, doanh nghiệp cần cả năm để khôi phục đàn nái, khi đó mới tăng được nguồn lợn giống cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh vẫn rất lớn, doanh nghiệp rất thận trọng trong việc tổ chức tái đàn chăn nuôi. Tại các trang trại đang hoạt động, công tác ATSH luôn được thực hiện chặt chẽ để bảo vệ đàn lợn trước dịch bệnh.
Tại huyện Xuân Lộc, HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú là một đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất con giống. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái đến nay, HTX vẫn để trống chuồng. Ông Phạm Nhất Huy - Giám đốc HTX cho biết, hoạt động sản xuất lợn giống cũng phải tạm ngưng để tẩy rửa chuồng. HTX dự kiến sẽ mua lợn giống trực tiếp từ nước ngoài vì giá thấp hơn so với giá trong nước.
"HTX đã đăng ký, chỉ chờ khi tình hình dịch bệnh thật sự lắng xuống là đặt mua chứ với giá lợn giống trong nước là không mua nổi" - ông Huy nói.
Tránh "hòn tuyết lăn"
Từ quý I sang đến tháng IV/2020, cả nước đã nhập hơn 5.000 con lợn cụ kỵ. Cục Chăn nuôi cho biết, sắp tới sẽ nhập thêm 12.000 con nữa để bù đắp lượng thiếu hụt do dịch bệnh cũng như đàn nái bị loại thải khi nhập về từ năm 2015-2016.
Ông Trần Hữu Trung - Tổ trưởng tổ chăn nuôi lợn VietGAHP ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) nhận định, người mua lợn giống về tái đàn thời điểm này phải có vốn lớn và tự tin với khả năng phòng chống dịch. Với những hộ nuôi nhỏ lẻ, đợt tăng giá đột biến này không biết còn kéo dài bao lâu.
"Không ai đoán được sau chu kỳ nuôi 6 tháng giá lợn hơi sẽ ra sao, nhất là khi Nhà nước đang thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá" - ông Trung phân tích.
Thực tế, các công ty vẫn còn thị trường lớn để sản xuất chăn nuôi, còn nông hộ chỉ chạy theo xu hướng chung. Vì thế, nông hộ phải nắm bắt quy trình để làm sao bơi được tới bờ bên kia. Giờ thấy lợn hơi đắt, cứ háo hức nhập con giống về nuôi mà lượng vốn chỉ đáp ứng 30-40% thì rất dễ gặp sự cố giữa dòng.
Sự cố này, theo ông Trung phải đặt trong kế hoạch dài hạn. Phải tính toán khi bán lợn xong thì còn đủ sức tái đàn nữa hay không. Bây giờ nuôi 10 con với số vốn 70 triệu đồng, khi bán được 80 triệu cứ tưởng có lời. Nhưng nếu trượt giá hoặc nguyên liệu đầu vào tăng, 80 triệu đồng chỉ nuôi tiếp được 5 con. Đồng tiền trong dòng vốn tăng lên nhưng số lượng sản phẩm giảm đi là coi như lỗ.
Thịt lợn trên thị trường đang thiếu, nên tái đàn, tăng đàn là cần thiết. Nhưng ngay lúc này, giá lợn giống cùng nhiều chi phí vật tư, phí phòng chống dịch tăng cao. "Người chăn nuôi cần tăng đàn có kiểm soát, tỉnh táo đầu tư để không bị cuốn theo "hòn tuyết lăn" là vì vậy" - ông Trung nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã