Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi trọng điểm này, cần có một cơ chế mới, ứng xử mới với giá thịt lợn.
Loay hoay với bài toán cung cầu
Cơn “bão giá” thịt lợn đang làm đau đầu các doanh nghiệp, nhà quản lý, nông dân và cả người tiêu dùng. Hiện, trên thị trường người tiêu dùng đang phải mua thịt lợn với mức giá cao gần như kỷ lục của năm nay, dù đây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Hàng loạt các giải pháp như tăng nhập khẩu, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá… dường như chưa mang lại kết quả như ý khi giá thịt lợn vẫn neo ở mức rất cao, có sản phẩm lên đến 240.000 đồng/kg.
Đáng nói, cách đây 4 năm, mặt hàng thịt lợn cũng rơi vào một đợt khủng hoảng thừa khi thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu khiến giá lợn hơi giảm chỉ còn 20- 40 nghìn đồng/kg. Cơn khủng hoảng kéo dài đã khiến không ít người chăn nuôi rơi vào cảnh phá sản, người tiêu dùng phải tham gia hỗ trợ “giải cứu”.
Cùng với thịt lợn, nhiều loại nông sản thực phẩm khác như hành tím, dưa hấu, thanh long, tôm hùm… cũng từng nhiều lần phải đối diện với việc không tìm được đầu ra, giá bán rất thấp, người nông dân chịu thiệt thòi và luôn canh cánh nỗi lo được mùa mất giá.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản chất của những cuộc khủng hoảng thiếu-thừa này là do chưa cân đối được cung-cầu nông sản thực phẩm. Với mặt hàng thịt lợn, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung trong nước suy giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến giá neo cao.
Cụ thể, nhìn trước được những khó khăn của người tiêu dùng cũng như khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI năm 2020 khi giá thịt lợn liên tục neo ở mức cao, từ cuối năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tìm giải pháp giảm giá thịt lợn, trong đó có tái đàn. Bên cạnh đó, giá lợn ở mức cao được đánh giá là thời điểm vàng để tái đàn, song người dân lại chưa mặn mà với việc này.
Bởi, dư âm từ dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ nông dân kiệt quệ về tài chính; số khác lại lo ngại dịch bệnh chưa dập tắt hẳn có thể bùng phát trở lại khiến việc tái đàn vẫn chỉ được thực hiện cầm chừng. Nếu tổng đàn lợn thời điểm 31/12/2018 là 31 triệu con thì đến thời điểm 31/12/2019 chỉ là 25 triệu con. Đến giữa tháng 3/2020, số đàn lợn mới tăng được 6,3%, nâng con số tổng đàn lợn cả nước lên 24 triệu con. Trong quý đầu tiên của năm 2020, chỉ khoảng 820-830 nghìn tấn thịt lợn được đưa ra thị trường, thấp hơn nhu cầu thực tế khoảng 100 nghìn tấn, đẩy giá tăng cao.
Mặt khác, khi thiếu hụt nguồn cung, cơ quan chức năng đã bù đắp bằng nhập khẩu. Tính đến ngày 7/4/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 43.553 tấn thịt, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đó, từ ngày 1/4/2020, 15 doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành chăn nuôi cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg. Nhiều siêu thị đã cam kết giảm giá thịt lợn để tạo độ chênh với chợ dân sinh… Mới đây nhất, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt heo về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Song những giải pháp này chưa mang lại hiệu quả như ý khi một mặt, người dân vẫn thích sử dụng thịt “nóng”, chưa mặn mà với thịt lợn nhập khẩu, vốn là thịt “lạnh”; mặt khác, 15 DN chăn nuôi lợn chỉ chiếm không quá 35% thị phần ngành chăn nuôi trong nước, chưa đủ sức chi phối giá cả.
Nhìn từ góc độ nhà chăn nuôi
Anh Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc công ty cổ phẩn chăn nuôi lợn ALPHA cho rằng, giá thành sản xuất lợn bao gồm: Chi phí thức ăn, thuốc thú y, nhân công, điện, chi phí sản xuất chung khác, khấu hao và lãi suất ngân hàng.
Trước việc Chính phủ dùng mệnh lệnh hành chính để kéo giá lợn hơi xuống, anh Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: “Nếu đứng từ quan điểm của Chính phủ, tôi thấy quan điểm của Chính phủ cũng có lý. Vì nhiệm vụ của Chính phủ là kiểm soát chỉ số giá, giữ an sinh xã hội… Việc hạ giá thịt lợn, nhằm an sinh xã hội và phát triển bền vững ngành chăn nuôi tôi hoàn toàn ủng hộ, song, nếu đứng từ quan điểm người sản xuất, việc yêu cầu các hộ chăn nuôi, các công ty chăn nuôi hạ giá ngay lập tức xuống 75, 70, rồi 60 000 đồng/kg thì có lẽ không phải là cách làm hợp lý. Vì: Thứ nhất, giá cả là do thị trường quyết định; thứ hai, nếu yêu cầu, bắt ép 1 bên nào đó phải giảm giá; trong khi cả thị trường, có hàng ngàn người bán; không thể bắt hết từng đó người giảm được; họ giảm, nhưng nơi khác bán cao, thì giá thị trường vẫn vậy; thứ ba, nếu các trại giảm giá, thì thương lái thu mua được lợi, nhưng họ biết là khan hàng, thì họ cũng sẽ giữ nguyên giá bán cao cho lò mổ, rồi tới tay người tiêu dùng vẫn cao…”
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với giá lợn giống quá cao như hiện nay, cộng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất có thể nhiều nông dân sẽ e ngại việc tái đàn, bởi họ sợ sẽ thua lỗ lần nữa.
Muốn kích thích việc tái đàn, đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi dù giá lợn hơi hạ về mức hợp lý đảm bảo bình ổn chỉ số giá tiêu dùng đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng thịt lợn với mức giá hợp lý theo tôi ngành chức năng phải xem xét, kiểm soát lại khâu trung gian, phân phối.
“Chứ cứ như hiện nay, việc phải trải qua quá nhiều tầng nấc từ chuồng trại mới ra được đến thị trường của con lợn thì người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi và nông dân bị thiệt là chính” – ông Nguyễn Kim Đoán khẳng định.
Chuỗi cung ứng có quá nhiều chủ thể tham gia
Tại các nước phát triển, chuỗi cung ứng thịt heo chỉ qua 2-3 chủ thể nhưng ở Việt Nam, miếng thịt heo từ cổng trang trại nuôi đến bàn ăn đã qua tay ít nhất 9 chủ thể. Chủ chăn nuôi, thương lái thu mua heo (cấp một), doanh nghiệp vận chuyển heo, lò mổ, thương lái mua thịt heo mảnh (cấp hai) từ lò mổ, tiểu thương bán sỉ (chợ đầu mối), công nhân bốc vác và vận chuyển thịt heo, doanh nghiệp thực phẩm (mua cung cấp cho các hàng quán) và tiểu thương bán lẻ.
Các chủ thể tham gia trong chuỗi cung ứng này mỗi người hưởng một phần lợi nhuận, lợi nhuận nhiều hay ít tuỳ vào công sức của mình. Tuy nhiên, có những phần lợi nhuận chảy vào túi một số chủ thể nhiều hơn một số chủ thể khác, mặc dù công sức bỏ ra không mấy chênh lệch.
Theo các DN chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp, giá vận chuyển heo hơi từ trang trại đến lò mổ hiện nay so với các loại hàng hoá khác đang thuộc vào loại cao nhất nước và phi lý. Ông Hồ Quốc Dũng, chuyên nghề vận chuyển lợn từ trại chăn nuôi đến các lò mổ ở khu vực miền Đông Nam bộ cho biết, trong phạm vi dưới 100 km, giá vận chuyển lợn hơi hiện nay không dưới 2.000 đồng/kg. Lợn không giống như các loại hàng hoá thông thường, ngoài giờ giấc, trên đường vận chuyển nhà xe còn phải tốn thêm các khoản chi phí không tên khác.
Mặc dù, đang trong mùa dịch bệnh và Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kéo giảm giá bán nhưng giá thịt heo vẫn cao chính là do trong chuỗi cung ứng mỗi ký thịt lợn đã chia năm sẻ bảy lợi nhuận. Chưa hết, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài hàng chục chủ thể cùng tham gia trong chuỗi cung ứng thịt lợn, giá thịt lợn đội cao như hiện nay còn do các loại thuế, phí như thuế doanh nghiệp, thuế kinh doanh, thuế chợ; phí giết mổ, phí môi trường, phí kiểm dịch thú y đều chưa được miễn giảm, trong khi dịch bệnh nhiều lĩnh vực kinh tế đã được miễn giảm thuế, phí.
Theo phân tích của Vụ Thị trường trong nước mới đây về giá thịt lợn tăng cao, một con lợn hơi (tạm tính 100kg) sau khi giết mổ, bỏ đi các loại phụ phẩm chỉ thu được 55 % thịt, tương ứng 55kg thịt lợn thành phẩm (gồm cả nạc và mỡ). Do đó, nếu giá lợn hơi là 70.000 đồng/kg, sau khi giết mổ thì chi phí 1kg thịt lợn thành phẩm sẽ là 127.000 đồng/kg. Như vậy cộng thêm các chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng thì giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ cao hơn mức 127.000 đồng/kg.
Như vậy có thể khẳng định, giá thịt lợn cao không chỉ do thiếu nguồn cung, mà còn do chi phí trong chuỗi cung ứng và chi phí từ các loại thuế phí khác.
Cần cơ chế mới
Theo nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi, cách giảm giá thịt lợn tốt nhất, là hỗ trợ các lực lượng sản xuất, để tăng nhanh sản lượng xuất ra thị trường, tăng nguồn cung, lúc đó đương nhiên giá sẽ giảm, tất nhiên, cách này là bền vững, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn 1 chút, có thể 6 tháng sau, giá mới về mức như kỳ vọng.
Cùng với đó, về dài hạn, Chính phủ có chính sách khuyến khích chăn nuôi tập trung, quy mô lớn bằng các chính sách khuyến khích về đất đai: Tạo thuận lợi cho người nuôi làm thủ tục đất đai nhanh; không khó khăn, nhiều chi phí như hiện tại. Và về vốn cần có chính sách phê duyệt vay vốn phù hợp hơn, vì hiện nay, ngân hàng đánh giá tài sản đất, chuồng trại và lợn làm tài sản bảo đảm rất hạn chế.
Khẳng định vai trò của chăn nuôi hộ và hợp tác xã trong thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn cũng như tái đàn sau dịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tốc độ tái đàn lợn ở các doanh nghiệp lớn hiện nay tăng rất nhanh, để đạt mục tiêu khôi phục đàn lợn cả nước bằng với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong cuối quý 3 và đầu quý 4 năm nay phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, đặc biệt chú trọng đến chăn nuôi hộ và các hợp tác xã đáp ứng điều kiện an toàn sinh học.
Nhà nước cần có nhiều chính sách giúp đỡ họ trong việc nâng cao năng lực đảm bảo an toàn sinh học, chuyên nghiệp hóa chăn nuôi và có cơ chế giúp đỡ họ liên kết trong các HTX, tổ hợp tác.
Như vậy, cách ứng xử hợp lý nhất với giá thịt heo hiện nay là coi đó như một mặt hàng bình thường và hãy để cho các quy luật của thị trường chi phối. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán heo, nên khuyến khích tái đàn chăn nuôi bằng cách giảm các thể loại thuế phí, thủ tục cho nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, con giống... để giảm giá thành chăn nuôi. Các loại thuế phí, thủ tục rườm rà trong nhập khẩu thịt heo cũng cần giảm thiểu để tăng nguồn cung cho thị trường nội địa.
Cục Chăn nuôi dự kiến, sản lượng thịt xuất chuồng quý I/2020 đạt hơn 811 nghìn tấn; dự kiến quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn; quý III/2020 đạt hơn 1 triệu tấn; quý IV/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn, như vậy đến quý III, quý IV sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã