Trại giống lợn Tân Thái thuộc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) được giao nhiệm vụ nuôi giữ đàn lợn giống gốc ông bà để sản xuất lợn giống hậu bị, tinh lợn cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Tiệp (Trại trưởng trại Tân Thái) cho biết, trách nhiệm của đơn vị là nâng cao chất lượng đàn lợn trong chăn nuôi nông hộ trên địa bàn 9 huyện thành, thị của tỉnh.
Theo đó, trên lĩnh vực cung cấp các nguồn gene giống phục vụ cho việc lai tạo giống, hàng năm, trại đã sản xuất được trên 150.000 liều tinh lợn bởi những giống có tiến bộ kỹ thuật cao cung cấp cho cả trang trại và chăn nuôi nông hộ.
Thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trung bình, mỗi năm, trại cung ứng, hỗ trợ trên 50.000 liều tinh. Các giống được cung ứng là Yorkshine, Landrace và Duroc. Nếu loại tinh sử dụng là Landrace, Yorkshine thì phối cho nái Móng Cái, nái lai; Duroc phối giống cho nái lai, nái ngoại.
Triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên, Trại giống thông qua cơ quan chủ quản tổ chức được một hệ thống lai tạo giống lợn trong toàn tỉnh.
Đến nay, các huyện, các xã của tỉnh Thái Nguyên đều có các điểm đại lý làm nhiệm vụ cung cấp tinh lợn phục vụ cho việc nhân giống với trên 80 đại lý cung cấp và thụ tinh lợn.
Các giống lợn có năng suất cao, tạo ra sự nhảy vọt về năng suất chất lượng trong chăn nuôi, đưa chăn nuôi của tỉnh nhanh chóng tiếp cận các nước trong khu vực. Đặc biệt là giải quyết được sự đồng huyết cho đàn lợn để duy trì nâng cao sức sản xuất.
Bà Nguyễn Thúy Hằng (Phó phòng nghiệp vụ, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên) cho biết, việc tổ chức tốt hệ thống lai tạo giống, sản xuất, nhân giống đã đáp ứng được nhu cầu về con giống, nhu cầu về tinh phôi cho việc nhân giống trong chăn nuôi, là nhân tố tích cực trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả của chăn nuôi tại địa phương (chỉ tính riêng hệ thống cung cấp tinh lợn đã đáp ứng 62,0% nhu cầu về nhân giống lợn tại tỉnh Thái Nguyên).
Đưa chúng tôi tới thăm một số hộ dân được cung ứng và hỗ trợ tinh lợn giống, ông Nguyễn Văn Du (cán bộ thú y xã Cát Nê, huyện Đại Từ) cho biết, đội ngũ cán bộ thú y chính là những mắt xích cuối cùng trong việc cung ứng và thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Theo quy định, chỉ với những hộ chăn nuôi có quy mô dưới 10 lợn nái được hỗ trợ. Tại xã Cát Nê, trong tổng số 13 xóm với 177 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì có tới 65% số hộ đăng ký cấp và nhận cung ứng hỗ trợ tinh lợn giống từ cán bộ thú y.
Ông Nguyễn Văn Bằng (xóm Đồng Nghè, xã Cát Nê) cho biết, mấy năm trước, gia đình chỉ nuôi 1 con lợn nái với suy nghĩ rất đơn giản là tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để chăn thả.
Nhiều lần mất tiền mà phối không đậu. Được sự hỗ trợ từ Trung tâm giống thông qua cán bộ thú y địa phương, gia đình ông đã tăng nái lên 4 con và khẳng định sẽ mặc định việc lấy giống từ Trung tâm.
Chỉ vào đàn lợn thương phẩm được nhân giống bởi nguồn từ Trung tâm, ông Lê Văn Tâm (xóm Hòa Bình, xã Cát Nê) khoe, lợn lấy giống Nhà nước khác hẳn với giống trôi nổi trong nhân dân. Mã lợn đẹp, dáng trường, cân đối, đặc biệt, là lợn được đảm bảo tuyết đối các yêu cầu về thú y.
Đối với địa bàn vùng cao thì việc được ưu tiên hỗ trợ nguồn giống đảm bảo về chất lượng là nhân tố quan trọng giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ yên tâm sản xuất. Rõ ràng là không có lý do gì lại từ chối chương trình ưu đãi chất lượng mà bỏ tiền ra để mua một sản phẩm trôi nổi, không có gì đảm bảo chất lượng.
Cho đến nay, hệ thống công tác giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại trại giống lợn Tân Thái đã được phát triển rộng khắp các xã trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên.
Đặc biệt, do ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực thụ tinh nhân tạo lợn đã tạo sự tiến bộ vượt bậc. Từ sản xuất tinh lợn chỉ sử dụng được trong 1 ngày đến nay tinh lợn có thời gian sử dụng đã được nâng cao lên 7 - 8 ngày, là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai rộng cho các địa phương, đặc biệt là những địa bàn vùng cao.
Trước những khó khăn lớn đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt là chương trình tái đàn lợn như hiện nay, Trại giống góp phần quan trọng vào ổn định công tác giống.
Bà Ngô Thị Minh Phượng (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên) cho biết, với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ của thị xã nên diện tích dành cho chăn nuôi thu hẹp, nhiều hộ chăn nuôi chuyển đổi nghề nghiệp nên tổng đàn giảm.
Trong khi đó, nhu cầu về sản lượng thịt lợn lại tăng mạnh. Có cầu ắt có cung, thực tế đó tạo nên sự dịch chuyển của chăn nuôi về các địa bàn xa trung tâm, dịch chuyển từ các mô hình chăn nuôi tập trung sang chăn nuôi nhỏ lẻ.
Trong điều kiện đó, có một đơn vị đầu mối đảm bảo cung ứng, hỗ trợ giống lợn chất lượng cho người chăn nuôi không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về tính ưu việt của xã hội mà còn tạo được môi trường chăn nuôi an toàn.
Theo đó, trong năm 2018, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ cho người nuôi lợn thuộc 9 xã của thị xã với tổng số hơn 14.000 liều tinh lợn.
Năm 2019, chương trình tiếp tục được thực hiện với tổng số 15.000 liều. Đó là con số đảm bảo duy trì ổn định, bền vững một tỷ lệ so với tổng đàn, đặc biệt trong giai đoạn tái đàn hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Nam (Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên) cho biết, mặc dù năng lực của Trung tâm giống đảm bảo các yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng song công tác giống lợn cũng gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn chiếm tới 70% tổng đàn, trong khi đó, các hộ dân vùng cao lại có tập quán chăn nuôi ít nhiều còn lạc hậu.
Trước nhu cầu về giống là không nhỏ nên Trung tâm phải chọn lựa các hộ, các địa phương có dủ điều kiện để cấp, cung ứng, hỗ trợ. Kèm theo quy định là các thủ tục xác nhận, giao nhận, nghiệm thu... còn rườm rà.
Ngoài nỗ lực sản xuất và tạo điều kiện tốt nhất cho người chăn nuôi, Trung tâm cũng cần có sự phối kết hợp hiệu quả của chính quyền cũng như cơ quan chức năng các cấp để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của đơn vị.
Nguồn tin: Đồng Văn Thưởng - Toán Nguyễn/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã