Ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã làm việc với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của Cục.
Làm việc với Thứ trưởng Lê Minh Hoan, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã nêu những nhiệm vụ, lĩnh vực quản lí quan trọng hiện nay như: Xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, nhất là lĩnh vực HTX nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; lĩnh vực dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác quản lí về nghề muối, bảo hiểm nông nghiệp; công tác quản lí và triển khai cơ chế chính sách trong lĩnh vực cơ giới hóa, điện khí hóa trong nông nghiệp; công tác giảm nghèo bền vững...
Nắm bắt báo cáo và các ý kiến đề xuất về những khó khăn, vướng mắc, định hướng hoạt động trong công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Mặc dù cơ cấu tổ chức, lực lượng cán bộ công chức, viên chức hạn chế, tuy nhiên hiện nay, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang phụ trách rất rộng với nhiều lĩnh vực lớn quan trọng, nhất là về các vấn đề cơ chế chính sách, triển khai các hoạt động liên quan tới phát triển nông thôn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đã gợi mở với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn một số vấn đề, cách tiếp cận trong hoạt động nhằm tạo ra hiệu quả, đổi mới, tạo sức bật mới cho lĩnh vực phát triển nông thôn...
Về xây dựng phát triển HTX, Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh HTX đang là vấn đề cốt cán của ngành nông nghiệp. Xây dựng HTX phải dựa trên cơ sở gắn kết, hợp tác giữa những nông dân có cùng chí hướng, cùng niềm tin để cùng nhau phát triển và chia sẻ lợi ích...
HTX phải tiến tới tự hoàn chỉnh được chuỗi giá trị sản xuất về nông sản một cách khép kín, từ cung ứng giải pháp công nghệ, kỹ thuật, vật tư đầu vào; tổ chức sản xuất; sơ chế - chế biến sâu; tiêu thụ sản phẩm, tổ chức thị trường....
Về công tác dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm nghèo nông thôn, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu về ngành nghề nông thôn sẽ luôn có sự vận động, thay đổi theo xu hướng của thị trường. Vì vậy, công tác đào tạo nghề phải để nông dân thích ứng, tiến ra thị trường.
Không chỉ đào tạo về kỹ thuật sản xuất, mà còn cả về kiến thức, kỹ năng thị trường, để làm sao người dân nhận thức được nghề của họ có làm ra được sản phẩm có tính cạnh tranh, đáp ứng quy luật cung cầu, tiến ra thị trường được không...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề còn phải giúp thay đổi cách nghĩ, tư duy, khơi dậy sự tự tin, niềm tin thoát nghèo cho nông dân. Bồi dưỡng cho nông dân những tinh thần hợp tác với nhau, góp phần xây dựng nền tảng cho việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX...
Song song đó, công tác dạy nghề phải nắm bắt được cả nhu cầu mà xã hội, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ cần trong tương lai.
Việc dạy nghề phải huy động được các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh liên kết, phối hợp với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp sẽ là nơi tổ chức sản xuất trực tiếp, có đầy đủ các yêu cầu để phổ biến cho nông dân cả về kỹ thuật lẫn thị trường, yêu cầu chất lượng sản phẩm cho từng nhu cầu của các thị trường tiêu thụ...
Nguồn tin: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã