Hải Dương đưa đặc sản vải thiều lên sàn thương mại điện tử
Vải thiều Hải Dương sẽ chính thức được bán trực tuyến trên 4 sàn thương mại điện tử là Alibaba, Voso, Sendo và Lazada, dự kiến từ ngày 15/5.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện các thủ tục để đưa vải Hải Dương lên 4 sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn.
Hiện các bên đã đạt được thỏa thuận, dự kiến đầu tháng 5 tới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cách thức giao dịch qua sàn thương mại điện tử cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó tập trung hướng dẫn cách đưa thông tin, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và thực hiện giao dịch.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/5, vải thiều Hải Dương sẽ chính thức được bán trực tuyến qua các kênh kể trên.
Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương triển khai tiêu thụ vải thông qua sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều năm 2021 vừa được huyện Thanh Hà tổ chức mới đây, đại diện huyện Thanh hà cho biết, năm 2021, sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt 40.000 tấn, trong đó có có 25.000 tấn vải sớm; 15.000 tấn vải chính vụ, tăng khoảng 12.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, huyện Thanh Hà đang duy trì 17 vùng vải với diện tích 155,2ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản... và tiếp tục xây dựng 17 vùng với diện tích 244.8 ha. Trong đó, huyện lựa chọn 5 vùng (diện tích 51 ha) để thực hiện sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Dự kiến năm nay, trà vải sớm (vải U trứng) của huyện cho thu hoạch từ 5/5-10/5; trà vải nhỡ (vải U hồng, vải U thâm) cho thu hoạch từ 20/5, rộ từ 25/5; trà vải Tàu lai cho thu hoạch từ 01/6, rộ từ 5/6; trà vải chính vụ (vải thiều) cho thu từ 05/6, rộ từ 10/6.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương định hướng thời gian tới tiếp tục giảm diện tích sản xuất vải để đến năm 2025 toàn tỉnh chỉ còn 8.700 ha vải.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 9.200ha vải, giảm 613ha so với năm 2019. Trong đó, TP Chí Linh có 3.500ha, chủ yếu là vải thiều; huyện Thanh Hà 3.300 ha gồm 1.200ha vải sớm và 2.100ha vải thiều, còn lại ở các địa phương khác. Năng suất vải Thanh Hà thường cao gấp từ 3-4 lần so với vải Chí Linh và từ 2-3 lần so với các huyện, thị xã, thành phố khác nên dẫn tới chênh lệch lớn về giá trị sản xuất.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng thời gian tới tiếp tục giảm diện tích sản xuất vải để đến năm 2025 toàn tỉnh chỉ còn 8.700ha vải. Tập trung giảm diện tích vải canh tác kém hiệu quả ở TP Chí Linh và duy trì diện tích vải ở các địa phương khác.
Theo kế hoạch, dự kiến lễ hội vải thiều, sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực Hải Dương năm 2021 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6/2021, thời gian từ 2-3 ngày.
Trong đó, lễ mở vườn, tham quan, hái vải xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu vải đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 5. Ngoài huyện Thanh Hà và TP Chí Linh, các địa phương khác chuẩn bị sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực trưng bày tại lễ hội, phấn đấu mỗi nơi có từ 1-2 gian hàng.
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh trong tháng 3
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 3/2021 xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 735,5 triệu USD, tăng 16,8% so với tháng 3/2020. Quý I/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,74 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước khả quan khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan và Singapore giảm.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 3/2021, đạt 146 triệu USD, tăng 36,5% so với tháng 3/2020. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 335,06 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 trong tháng 3/2021, đạt 125,1 triệu USD, giảm 2,7% so với tháng 3/2020. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đạt 307,1 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Úc tăng trưởng khả quan trong cả tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021.
Trên thị trường thế giới, theo ông Robins McIntosh, phó chủ tịch của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods, Thái Lan, năm 2021 sản lượng tôm nuôi ở châu Á dự kiến sẽ tăng 11% so với năm 2020, lên khoảng 2,44 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tôm của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 5%, lên 600 nghìn tấn; sản lượng ở Trung Quốc và Việt Nam dự kiến tăng 14% và 10%, lên lần lượt là 570 nghìn tấn và 510 nghìn tấn.
Xuất khẩu cà phê mang về hơn 808 triệu USD trong quý I
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giữa tháng 4/2021, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tiếp tục tăng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 3/2021 đạt 169,6 nghìn tấn, trị giá 312 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 44,5% so với tháng 2/2021, so với tháng 3/2020 giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá. Tính chung quý I/2021, xuất khẩu cà phê đạt 453 nghìn tấn, trị giá 808,75 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 3/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.840 USD/tấn, tăng 4,6% so với tháng 2/2021 và tăng 6,1% so với tháng 3/2020. Tính chung quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.785 USD/tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang nhiều thị trường chính tăng, như Đức, Ý, Nhật Bản.
Trong tháng 3/2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm so với tháng 3/2020, như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Philippines, Bỉ, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia tăng. Quý I/2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm, nhưng sang Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường thế giới, giữa tháng 4/2021, giá cà phê robusta và arabica trên thị trường toàn cầu tăng. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, tồn kho cà phê ở Mỹ trong tháng 3/2021 giảm và lo ngại tình trạng thiếu container rỗng cũng tác động tích cực lên thị trường cà phê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát lần 3 tại châu Âu khiến sự phục hồi của giá cà phê là không chắc chắn./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã