Ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm và làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Đây là lần đầu tiên trên cương vị “tư lệnh ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với VAAS.
Báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc VAAS cho biết đến tháng 6 năm 2021, VAAS có 2.767 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 2009 cán bộ biên chế và 758 cán bộ hợp đồng (trong đó có 4 giáo sư; 23 phó giáo sư; 263 tiến sỹ; 939 thạc sỹ; 962 cử nhân và kỹ sư, 576 nhân viên có trình độ trung cấp, cao đẳng).
Về một số tồn tại, hạn chế trong công tác nghiên cứu KH-CN những năm qua, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm là cơ hội phát triển, song cũng là thách thức lớn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
VAAS đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thời gian tới cần ban hành các chính sách phù hợp để các đơn vị có thể sử dụng hiệu quả nguồn lực (đất đai, tài sản, con người được đào tạo) trong hợp tác công tư, từng bước đổi mới cơ chế, phương thức quản lý để hình thành được bộ phận hoạt động theo loại hình doanh nghiệp khoa học.
Có phương thức đánh giá, kiểm định độc lập, khoa học để có thể khoán đến sản phẩm cuối cùng; có chính sách khuyến khích các đơn vị tự huy động nguồn vốn, đầu tư trước, nhà nước hỗ trợ sau dựa trên sản phẩm cụ thể.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ để phát triển kinh tế tri thức trong các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ thu tác quyền đối với các sản phẩm khoa học mang lại phúc lợi xã hội cao nhưng khó thực thi quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.
VAAS cũng đề nghị được đầu tư nâng cấp đồng bộ về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để hình thành 3 phòng thí nghiệm hiện đại tại 3 vùng, hoạt động theo mô hình trung tâm xuất sắc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép VAAS chủ động trong việc sáp nhập, giải thể các tổ chức không có tư cách pháp nhân để thúc đẩy tiến độ thực hiện việc rà soát sắp xếp tổ chức theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ khóa XII.
TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KH-KT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chia sẻ: Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, Viện đã chia ra thành 3 nhóm, gồm nhóm phân tích, điều tra để xác định lựa chọn mục tiêu, đề tài, nội dung nghiên cứu, trên cơ sở gắn với nhu cầu từ thực tiễn của các doanh nghiệp, địa phương; nhóm thứ hai chỉ chuyên tâm tập trung cho nghiên cứu và nhóm thứ ba chuyên về chuyển giao, kinh doanh sản phẩm nghiên cứu.
Nhờ gắn được với nhu cầu từ thực tiễn của các địa phương, doanh nghiệp, Viện đã có những sản phẩm nghiên cứu được đưa ra áp dụng chuyển giao, kinh doanh có hiệu quả trên thực tế sản xuất. Đây cũng là cơ sở nhằm tạo nguồn lực về tài chính để Viện tái đầu tư, phục vụ cho hoạt động của Viện cũng như cải thiện đời sống cho cán bộ, nhà khoa học cua Viện…
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học đã có, VAAS cần có đội ngũ chuyên về thông tin về thị trường, nhằm xác định các định hướng, nhu cầu nghiên cứu của các doanh nghiệp, địa phương, tăng tính thực tế ứng dụng của các đề tài nghiên cứu.
Bên cạnh đó,VAAS có thể nghiên cứu để xây dựng một số mô hình sản xuất, canh tác bền vững, gắn với cơ giới hóa, các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng mã số vùng trồng, gắn với các HTX và chế biến sâu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất giai đoạn tới, VAAS cũng có thể phối hợp, gắn đề tài nghiên cứu giữa ngành chăn nuôi và trồng trọt trong chiến lược xây dựng chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Bởi giữa trồng trọt và chăn nuôi có sự liên quan rất mật thiết tới nhau, đầu vào của ngành chăn nuôi là sản phẩm của ngành trồng trọt và rất nhiều phế phụ phẩm, chất thải ngành chăn nuôi lại là đầu vào phân bón cho ngành trồng trọt. Đơn cử như hiện nay, ngành chăn nuôi đang có nhu cầu rất cần thiết về nghiên cứu cây thức ăn chăn nuôi, ngược lại ngành trồng trọt cũng đang rất cần thiết nhu cầu về phân bón hữu cơ…
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới, cần những cơ chế nhằm tạo điều kiện linh hoạt hơn nữa cho công tác giao tác đề tài nghiên cứu. Theo đó, có thể có cơ chế cho phép giao nhiệm vụ, giao trực tiếp vốn cho các đề tài nghiên cứu của các viện thuộc VAAS, thay vì cơ chế đấu thầu đề tài rất mất thời gian, thủ tục.
Một số ý kiến cũng cho rằng, giai đoạn qua, VAAS gần như tập trung quá nhiều về đề tài nghiên cứu mà chưa chú trọng cho công tác chuyển giao, kinh doanh, ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Quy trình chuyển giao ra sản xuất còn chậm…
Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ cao trong các nghiên cứu của các đơn vị thuộc VAAS còn nhiều hạn chế, cần sớm đề xuất để đầu tư, cải tiến lại hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ nghiên cứu trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp.
Song song đó, VAAS cũng cần xây dụng chiến lược nghiên cứu KH-CN của ngành, nhất là các nhóm nghiên cứu cho các sản phẩm đầu ngành, tránh tình trạnh phân tán, manh mún, không ra được sản phẩm cuối cùng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, những năm qua, số lượng sản phẩm khoa học của VAAS nhiều, nhưng chất lượng, hàm lượng KH-KT của từng sản phẩm thì cần phải cải thiện, giá trị sản phẩm khoa học còn chưa tương xứng so với số lượng. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang chuyển từ chú trọng sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, khoa học cũng cũng cần chuyển sang hướng làm sao phục vụ được cho mục tiêu nâng cao chất lượng và hạ giá thành cho sản xuất. Bởi năng suất nhiều loại cây trồng hiện nay đã kịch trần, cần có những nghiên cứu về các tiến bộ, gói kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất…
Phát biểu tại buổi làm việc với VAAS, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Bản thân ông đã từng đọc và tham khảo được khá toàn diện về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học của các đơn vị thuộc VAAS được đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trên cơ sở những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong hoạt động, VAAS cần tập trung để tháo gỡ, nhất là cần có tư duy, tìm ra giải pháp hiệu quả trong hoạt động trong giai đoạn tới.
Theo đó, song song với những nghiên cứu cơ bản, Bộ trưởng cho rằng các đơn vị của VAAS cần chủ động nắm bắt nhu cầu của cơ sở, địa phương, doanh nghiệp nhằm lựa chọn những vấn dề, đề tài nghiên cứu phù hợp, trước mắt là những vấn đề có tính cấp thiết cho sản xuất.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghiên cứu cũng cần chủ động đổi mới tư duy trong chuyển giao sản phẩm nghiên cứu ra sản xuất, chủ động “chào hàng” sản phẩm nghiên cứu với địa phương, doanh nghiệp; chủ động nắm bắt các phản hồi của “khách hàng” về sản phẩm nghiên cứu khi đưa vào sử dụng. Trước mắt, Bộ NN-PTNT cũng sẽ hỗ trợ VAAS nhằm đẩy mạnh công tác chuyển giao sản phẩm nghiên cứu ra sản xuất, nhất là phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng VAAS cần tăng cường, chú trọng hơn nữa để các đơn vị trong VAAS chủ động hợp tác, phối hợp giữa các đơn vị với nhau nhằm phát huy tốt hơn nữa các nguồn lực sẵn có.
Bởi hiện nay, công tác nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho các đơn vị khoa học trong ngành nông nghiệp nói chung, của VAAS nói riêng vẫn còn dàn trải. “Tôi thấy chỗ nào cũng có vài phòng thí nghiệm, vài phòng nuôi cấy mô, tại sao chúng ta không nghĩ sẽ phải tập trung về một cơ sở, trung tâm thí nghiệm lớn, bài bản, đủ lớn, đủ hiện đại để nhà khoa học khi bước vào đó là có đầy đủ hết những thiết bị phục vụ nghiên cứu mà họ cần”, Bộ trưởng gợi ý.
"Muốn chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo định hướng hiện nay của ngành, trước hết phải lấy tư duy kinh tế. Mà tư duy kinh tế trong thương mại là bán cái khách hàng cần. Nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu cũng cần hướng tới việc nghiên cứu các vấn đề từ đòi hỏi, nhu cầu của thực tiễn đang đặt ra.
Các đơn vị khoa học hiện nay muốn cỏi trói về cơ chế. Nhưng trước khi chờ cơ chế nhà nước cởi trói cho khoa học, thì các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học trước hết phải tự cởi trói cho tư duy, cách tiếp cận của mình”.
(Bộ trưởng Lê Minh Hoan)
Theo Lê Bền/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/truoc-khi-co-che-coi-troi-hay-tu-coi-troi-chinh-minh-d295635.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã