Từ lâu, vải thiều Hải Dương đã được chính quyền địa phương phối hợp cùng các doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu.
Năm 2020, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh, tới đây, rất có thể, lần đầu tiên quả vải thiều Hải Dương sẽ có mặt tại Nhật Bản theo con đường xuất khẩu chính ngạch.
Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chính thức ký văn bản phê duyệt kế hoạch mở rộng vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải thiều niên vụ 2020 nói riêng.
Tỉnh Hải Dương nhận định, động thái này sẽ giúp địa phương có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Những vùng được đầu tư cũng sẽ trở thành nơi tham quan, học tập kinh nghiệm, tiến tới sản xuất đại trà. Mục tiêu cốt lõi là mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Nhiệm vụ trước mắt, Hải Dương sẽ phấn đấu xây dựng thành công 23 vùng trồng nhãn, vải theo tiêu chuẩn quốc tế, diện tích khoảng 220ha. Những vùng này sẽ đáp ứng các nhu cầu khắt khe quy định nhập khẩu của các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc và các nước EU…
Cụ thể, tỉnh này sẽ lựa chọn các vùng sản xuất tập trung tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh để triển khai thực hiện.
Hai yêu cầu bắt buộc để được lựa chọn, đó là các vùng này đã được Cục BVTV cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường nêu trên; Tỷ lệ ra hoa phải đạt trên 70%, người dân có trình độ sản xuất, thâm canh tốt, có ý thức chấp hành các quy định theo tiêu chuẩn xuất khẩu và đặc biệt phải tự nguyện tham gia.
Chủ tịch tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện chính cho Sở NN-PTNT. Các Sở Tài chính, Công thương, KH-CN, KH-ĐT… có nhiệm vụ phối hợp, thực hiện các chức năng chuyên ngành được phân công.
Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, diện tích vải toàn tỉnh đạt 9.750ha. Trong đó, Thanh Hà 3.600 ha; Chí Linh 3.900 ha; các huyện, thành phố còn lại 2.250 ha. Tổng sản lượng quả dự kiến 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so niên vụ vải năm 2019.
Dự kiến thời gian thu hoạch trà vải sớm từ ngày 10 – 30/5. Riêng vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 1 – 20/6.
Riêng về quả vải, năm 2020, Hải Dương có thêm 19 vùng sản xuất vải được cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU, với diện tích 170ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn.
Cũng theo Sở NN-PTNT, ngay từ cuối năm 2019, công tác mở rộng thị trường đã được địa phương rốt ráo thực hiện. Niềm vui vỡ òa khi tháng 12/2019, Cục BVTV thông báo Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho trái vải thiều của Việt Nam từ niên vụ 2020.
Ngay trong tháng 1/2020, Sở NN-PTNT Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà, thành phố Chí Linh đã có buổi làm việc với Cục BVTV, nắm bắt các quy định của Nhật Bản. Xác định các công việc cần thiết chuẩn bị cho xuất khẩu vải đi Nhật Bản.
Sau đó, tỉnh này đã nhanh chóng gửi thông báo, mời các doanh nghiệp chung tay tìm cách đưa quả vải sang Nhật Bản ngay trong vụ thu hoạch sắp tới. Sở NN-PTNT Hải Dương cũng tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu nông sản.
Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, đây đều là những thị trường đòi hỏi cao nhất thế giới về chất lượng, đặc biệt là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, nếu vượt qua được những rào cản này thì việc xuất khẩu chắc chắn thành công.
Tính đến ngày 5/4, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký vùng trồng và đăng ký bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, Cty CP Nông sản Hưng Việt và Cty Công ty CP Quốc tế Bamboo đăng ký 4 mã vùng trồng và đăng ký bao tiêu 220 tấn (diện tích khoảng 40ha).
Cty CP Ameii đăng ký 4 mã vùng trồng và đăng ký bao tiêu 100 tấn vải thiều. Cty Rồng đỏ cam kết vẫn duy trì bao tiêu cho 3 vùng vải xuất khẩu (diện tích khoảng 20ha) cho người dân. Diện tích này công ty đã thực hiện bao tiêu từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu đi Mỹ, Úc và Trung Đông.
Ngoài ra, một loạt các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho biết, đang xây dựng kế hoạch thu mua, sơ chế và xuất khẩu vải đi Nhật Bản và các thị trường cao cấp năm 2020.
Tỉnh Hải Dương nhận định, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nên việc tiêu thụ vải có thể sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường truyền thống và lớn nhất, tiêu thụ khoảng 40% sản lượng vải của địa phương này.
Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Trung Quốc để tạo điều kiện xuất khẩu được thuận lợi. Đặc biệt là các yêu cầu về bao bì, đóng gói, tem nhãn… cần thông báo sớm ngay từ tháng 4/2020 để các cơ sở thu mua, đóng gói chuẩn bị.
Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ Hải Dương trong việc xuất khẩu vải đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU trong thời gian tới.
Nguồn tin: Kế Toại/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã