"Các anh đoán xem, những cây keo này mấy năm tuổi", ông Phạm Văn Chiến, cán bộ Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), đóng tại địa bàn xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (Thú Thọ) chỉ vào những thân gỗ mọc thẳng tuốt lên bầu trời, cao chót vót.
Với nhiều vùng đất khác ở Việt Nam, để được một thân keo to lớn như thế, người trồng thường phải mất thời gian tầm khoảng 7 - 10 năm. Ấy vậy mà vườn keo tái sinh tự nhiên bằng hạt này tại đây mới chỉ 4-5 tuổi đã cho vanh thân, chiều cao cây không thua kém các loại keo lai.
Tại một số nơi, khi keo thậm chí chưa lớn độ này, nhiều người đã khai thác. Nguyên do bởi từ 5 năm tuổi trở đi, tốc độ sinh trưởng của keo chậm lại, nhất là ở các vùng đất cằn. Bên cạnh đó, keo còn hút nhiều màu, ảnh hưởng đến các loài cây khác.
Dường như đoán được ý trả lời, ông Chiến chọn một gốc cây gần chỗ đứng, vỗ bồm bộp và cười: "Keo này mới 4 - 5 năm tuổi thôi". Ngừng một lát, người đàn ông 55 tuổi tiết lộ thêm, toàn bộ rừng keo mọc ở sườn đồi xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng đều tự tái sinh.
Ban đầu, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ xử lý thực bì khu đất rộng hàng trăm mét vuông, để làm dự án Nghiên cứu phát triển rừng trồng bời lời vàng và dẻ đỏ do GS.TS. Võ Đại Hải (Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) thực hiện. Sau đó, chính từ mảnh đất quang đãng, những hạt keo dưới đất tự sinh sôi, cao vút bên cạnh rừng dẻ đỏ, mà không cần những công đoạn chăm sóc, dọn thực bì, gỗ tạp.
Cùng với bạch đàn, keo là loài cây lấy gỗ được trồng phổ biến ở nước ta nhờ nhiều ưu điểm như tốc độ sinh khối nhanh, chỉ ngoài 5 năm là có thể khai thác. Bên cạnh đó, keo còn giúp cải tạo và chống xói mòn đất, giúp cố định đạm và ni-tơ, làm đất thêm màu mỡ.
Tại nhiều địa phương, keo đang bị nhiều dịch bệnh tấn công như sâu kèn nhỏ, mối, sâu nâu vạch xám, hay bệnh phấn trắng lá, bệnh thán thư, bệnh bồ hóng, bệnh nấm hồng... Nhưng ở Chân Mộng, keo vẫn xanh và cao vút.
Theo ông Chiến, một phần là nhờ công tác tuần tra, trồng rừng và bảo vệ rừng nghiêm ngặt của cán bộ, công nhân viên Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ. Hàng ngày, ông cùng cộng sự thường đi tuần khoảng 10 - 20 km mỗi ngày. Những khu vực xa, Trung tâm thực hiện giao khoán cho người dân bảo vệ.
Kỹ thuật chăm sóc cây keo và nhiều loại cây khác cũng được ông Chiến và cán bộ Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ tuân thủ nghiêm ngặt. Hạt giống phải được lấy từ cây giống, vườn giống hoặc rừng giống chuyển hóa. Cây lấy giống phải là cây sinh trưởng tốt, và đã có từ hai vụ quả trở lên.
Sau khi rừng đã khép tán, khoảng 5 năm, cán bộ Trung tâm chuyển sang giai đoạn nuôi dưỡng. Kỹ thuật nuôi dưỡng chủ yếu là tỉa thưa để giải quyết nhu cầu ánh sáng và không gian dinh dưỡng cho cây.
Tuỳ vào mật độ trồng và phương thức trồng để xác định thời gian tỉa và số lần tỉa, nhưng tựu trung đều là giảm mật độ cây theo mỗi 5 năm một lần. Sau một vài lần như thế, khoảng đất phía dưới lại chừa ra, để những người trồng rừng đi ươm những cây ưa bóng.
Không phải vùng nào, loài cây nào cũng có sức sống mãnh liệt như keo trên đất Phú Thọ. Bởi vậy, TS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ luôn đôn đốc cán bộ, công nhân viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Với phương châm, các nghiên cứu phải phục vụ người dân.
TS Nguyễn Anh Dũng sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc. Ông kể: "Tôi luôn công khai số điện thoại cá nhân để người dân dễ liên lạc. Nhiều khi trao đổi lâu quá, tôi phải nhắc bà con gác máy để gọi lại".
Theo Bá Thắng - Đức Minh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/vuon-keo-tai-sinh-tren-doi-trong-d299669.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã