Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình - Nụ cười sau nước mắt (Kỳ 1)

Thứ tư - 04/11/2020 02:52
Vượt xa tỷ lệ chỉ tính riêng trong vùng đồng bằng sông Hồng – khu vực cao gần gấp 2 đến 3 lần so với tỷ lệ của đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc, đến hết năm 2019, Thái Bình trở thành một trong 9 tỉnh, thành phố của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Cùng với Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ, nơi “quê lúa, đất nghề” này, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, đã có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với thực tế; và điều đặc biệt, biết nâng cao vai trò chủ thể của người dân, trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền cơ sở... Có được nụ cười hạnh phúc hôm nay, không chỉ đơn giản là ngoảnh đầu nhìn lại kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM 2010 - 2020, mà bước lùi về cội nguồn xa hơn nữa với “hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Đảng bộ tỉnh”, Thái Bình biết ơn những giọt nước mắt đau đớn từ bài học đắt giá của những năm mất ổn định trên phạm vi rộng ở nông thôn.

KỲ 1: CHUYỆN ĐỂ ĐỜI NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ

Đột phá tạo thành tích...

Chúng tôi tìm đến nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình trong sự bất ngờ nhưng vui mừng của ông. Rồi ông cười khi nghe chúng tôi chia sẻ nguyên do cuộc gặp gỡ, nụ cười thoảng nhẹ, chậm rãi của bậc cao niên lại càng trở nên ấm áp, hiền hậu hơn trên gương mặt khắc khổ luôn tràn đầy đam mê với dòng chảy lịch sử của đất và người Thái Bình. Trong câu chuyện kể của ông, nông thôn Thái Bình hôm nay khởi sắc như một bức tranh toàn cảnh ngày mới tươi sáng “Sản xuất phát triển - Đời sống sung túc - Diện mạo sạch sẽ - Thôn xóm văn minh - Quản lý dân chủ” cũng là điều dễ hiểu cho sự khởi phát từ một miền quê trù phú từ ngàn xưa. Đất Thái Bình vốn là bãi bồi phù sa ven biển cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về khai phá, chung lưng đấu cật quai đê trị thủy, lấn biển lập làng mà tạo thành. Những cư dân giỏi thâm canh lúa nước, đánh bắt thủy hải sản và phát triển các nghề thủ công nơi “quê lúa, đất nghề” trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió, vẫn với đôi bàn tay, trái tim và trí óc kết tinh lớp lớp thế hệ ấy đã thực sự làm thay đổi diện mạo quê hương, truyền sức sống mới - tươi trẻ và căng tràn hơn trên mỗi làng quê.

Toàn cảnh huyện Kiến Xương nhìn từ trên cao

Ngay từ những năm đầu đổi mới đất nước, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động sức người, sức của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, thực hiện thành công Chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch”, tạo chuyển biến tích cực trên những vùng quê thuần nông vốn nghèo nàn và còn nhiều lạc hậu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, đây chính là bước đi đầu tiên, là xuất phát điểm khởi nguồn gợi mở, tạo đà và nền móng vững chắc cho công cuộc xây dựng nông thôn mới sau này. So với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, một tỉnh thuần nông như Thái Bình đã tìm đúng hướng đi và thực sự thành công với những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói riêng, trong vấn đề “tam nông” nói chung. Chỉ tính riêng trong thời gian 5 năm (1991 - 1995), Thái Bình đã huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực toàn xã hội đạt trên 2.949 tỷ đồng, gấp 6 lần so với thời kỳ 1986 – 1990, trong đó vốn của nhân dân khoảng 2.025 tỷ, chiếm tới gần 70% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển đều khắp ở các xã, huyện, thị trong tỉnh. Tính đến cuối năm 1995, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 3.906 km đường giao thông nông thôn, trong đó, đường đá và đá láng nhựa 1573km; đưa tổng số đường làm bằng vật liệu cứng lên 4.509km, chiếm 82% tổng số đường giao thông nông thôn. Đến năm 1997, các địa phương đã hoàn thành  việc làm đường đá, đá láng nhựa về đến trung tâm xã, từng bước cải tạo đường thôn, xóm. Thái Bình trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về làm đường giao thông nông thôn, bảo đảm việc đi lại, giao lưu hàng hóa thuận lợi ở khắp các địa bàn trong tỉnh.

Bên cạnh đó, chương trình điện khí hóa nông thôn cũng là chủ trương đúng, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở và nhân dân tích cực thực hiện. Đến năm 1995, Thái Bình đã sớm hoàn thành quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện, bảo đảm cung ứng từ 150 – 200 triệu KWh/năm, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. 100% số xã có điện phục vụ sản xuất, 97,6% số hộ có điện sinh hoạt. So với các tỉnh trong cả nước, Thái Bình lại tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về quy mô phát triển lưới điện, mật độ đường dây và trạm biến áp. Thực hiện công cuộc đổi mới, với mục tiêu từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình đã chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi, xây dựng mới các trạm bơm điện, đổi mới hệ thống bơm trục ngang sang bơm trục đứng.... Đến cuối năm 1995, Thái Bình đã có 860 trạm bơm với tổng công suất gần 1,9 triệu m3/h, bảo đảm gần 90% diện tích canh tác được tưới tiêu chủ động. Toàn tỉnh cơ bản hoàn thành ngói hóa hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa xã. Chương trình thông tin và nước sạch nông thôn tuy triển khai sau nhưng có nhiều tiến bộ.... Số máy điện thoại tăng nhanh, từ 1.700 máy năm 1993 lên 7.000 máy năm 1995, bình quân 4 máy/1000 dân, 161/285 xã, phường có máy điện thoại. Đến cuối năm 1997, ngành Bưu điện đã phối hợp với các địa phương đưa máy điện thoại đến 100% số xã, phường trong tỉnh với tổng số gần 15.000 máy điện thoại; đồng thời đưa vào hoạt động mạng điện thoại di động, góp phần nâng cao chất lượng thông tin liên lạc, phục vụ ngày càng kịp thời và thuận tiện hơn. Trên 50% số hộ dùng nước sạch. Các tụ điểm kinh tế, chợ nông thôn phát triển nhanh....

Nông dân xã Vũ An, huyện Kiến Xương thu hoạch khoai tây vụ đông trồng theo mô hình sản xuất hàng hóa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm
Với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân, đời sống của các tầng lớp dân cư trong tỉnh được cải thiện trên nhiều mặt, mức sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. GDP bình quân đầu người năm 1995 tăng 67% so với năm 1990. Theo điều tra năm 1994 của Cục Thống kê tỉnh, ở nông thôn, 85% số hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố, 20% số hộ có ti vi, 5% số hộ có xe máy; số hộ giàu 4%, khá và trung bình 87,9%, chỉ còn 7,1% số hộ dưới trung bình và nghèo. Các địa phương tích cực triển khai cuộc vận động xóa đói giảm nghèo khuyến khích làm giàu chính đáng; nhiều nơi không còn hộ đói, giảm hộ nghèo và mức nghèo, số hộ khá và giàu tăng lên, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị từng bước được thu hẹp.

...và mặt trái “tấm huy chương”

Đặt trong bối cảnh những năm thực hiện đường lối đổi mới, trước diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và trên thế giới, “cơn sốc” tư tưởng do biến động của tình hình Đông Âu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vừa đi qua, khủng hoảng kinh tế - xã hội trên cả nước chưa được khắc phục... việc dấy lên được phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn trở thành cao trào trong toàn tỉnh, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, làng, xã khang trang sạch đẹp, các công trình phúc lợi được đầu tư tăng cường... là thành quả rất lớn không thể phủ nhận của Thái Bình, là kết quả nổi bật của Thái Bình đưa Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VII về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn” vào hiện thực cuộc sống. Cũng như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, đây là thời kỳ sáng rõ nhất của mạch nguồn năng động, sáng tạo trong tư duy lãnh đạo của thế hệ thời bấy giờ, đã biết khai thác sức dân để biến chủ trương đúng, trúng trở thành hiện thực cuộc sống, làm thay đổi một bước rõ rệt bộ mặt, diện mạo nông thôn.

Nhưng, cũng chính lúc này, từ phương châm chủ trương trở thành cơ chế trong tổ chức thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã bị lạm dụng. Trong khi đó, vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, trên thực tế chỉ còn là một khẩu hiệu. Cùng với tình trạng ấy, những hiện tượng bất minh trong quản lí ngân sách xã, vốn quỹ hợp tác xã, xây dựng cơ bản, cấp và bán đất... xuất hiện ở nhiều xã trong tỉnh. Trong vòng 10 năm (1987 - 1997) ở Thái Bình đã xảy ra trên 300 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu tố, khiếu nại tranh chấp đất đai, tố cáo cán bộ xã cấp, bán đất sai thẩm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý kinh tế, tài chính ngân sách xã, hợp tác xã và thôn, xóm và một số vấn đề về thực hiện chính sách xã hội. Giai đoạn 1997 – 1999, Thái Bình trở thành một “điểm nóng” về trật tự xã hội, bất ổn về chính trị trên địa bàn nông thôn. Khi tình hình mất ổn định ngày càng phức tạp đã đẩy lên cao điểm “phát triển thành vấn đề chính trị nghiêm trọng”. Việc khiếu kiện, đòi xử lý cán bộ sai phạm ở các cơ sở trong tỉnh có dấu hiệu vượt quá giới hạn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng phát động. Khiếu kiện, đấu tranh không dừng lại ở việc phát hiện, tố giác, yêu cầu xử lý sai phạm trong khuôn khổ Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, mà đã xuất hiện yếu tố bất thường, những hành động quá khích, “vô chính phủ”, gây ra mất ổn định ở địa bàn nông thôn - “một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình”. Nhìn lại “Sự kiện Thái Bình” năm 1997, nhiều nhận định cho rằng đây là hệ lụy tất yếu của tâm lý nôn nóng muốn sớm hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho vùng nông thôn trong bối cảnh nguồn lực chưa tương xứng; của những hạn chế trong công tác quản lý, nhất là quản lý kinh tế; của sự sa sút, yếu kém ở tổ chức đảng, ở đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở cấp xã...

Sau 20 năm gặp lại nguyên Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy thời kỳ 1996 – 2002 Vũ Văn Lợi, chúng tôi không ngỡ ngàng khi một bậc cao niên tóc đã phủ bạc cẩn trọng mở cửa tiếp khách, mà trong thâm tâm chúng tôi, ngỡ ngàng trước những ký ức vẫn vẹn nguyên - trong thâm tâm ông, dẫu cho thời gian đủ để nhuộm trắng mái đầu, nhưng chưa đủ để đẩy lùi cái bóng của quá khứ với niềm đau, sự day dứt và nuối tiếc – cho những người đồng chí của ông. Trong dòng hồi tưởng, ông còn nhớ rất rõ tại Đại hội Đảng bộ huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phê bình Thái Thụy tiến độ triển khai phong trào “điện, đường, trường, trạm” chậm, phương thức huy động sức dân kém... Vậy là ngay lập tức sau đó, ông được giao nhiệm vụ đưa một số bí thư và chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã đến các huyện Hưng Hà, Đông Hưng học tập. Ông bảo: “Quả thực phải thừa nhận hai huyện họ làm rất tốt, rất thành công, nhất là Hưng Hà – huyện tiên phong đi đầu trong phong trào này. Tất cả đều tự lực tự cường, chủ yếu huy động sức dân đóng góp vì thời đó đâu có đất để bán, đâu đã có chủ trương “đổi đất lấy công trình” như bây giờ; nhưng điều quan trọng hơn tất thảy là ý thức người dân rất tốt nên cơ bản mọi người đều chủ động, tự nguyện, tích cực tham gia làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn. Áp dụng kinh nghiệm thực tiễn từ huyện bạn vào địa phương mình, Thái Thụy chọn 4 xã Thái Thịnh, Thái Hòa, Thụy Bình và Thụy Phong làm điểm. Huyện quyết định sử dụng 30 vạn ngày công nghĩa vụ - “vốn liếng” quý nhất thời bấy giờ để hỗ trợ các xã làm đường gạch 25%, làm đường nhựa 50%. 2/4 xã là Thái Thịnh và Thụy Phong xin rút không tham gia dù đội ngũ cán bộ rất mạnh; 2 xã còn lại dồn tổng lực cũng chỉ làm được 1km. Kết quả không như mong đợi ấy phát sinh những cuộc họp liên tiếp, triền miên bàn kế sách sao cho phải tổ chức triển khai thực hiện bằng được phong trào...”.

Chậm rãi nhấp ngụm trà xanh, lặng lẽ đặt trở lại chiếc cốc nhỏ trên mặt bàn nước, nguyên Chủ tịch UBND huyện chợt như rơi vào tĩnh lặng thinh không, thoảng vài giây trầm lắng như vô hình muốn thoát ra khỏi bóng nặng của ký ức; rồi lại tủm tỉm nụ cười chứa nhiều ẩn ý... Ông không quên trong một cuộc họp, đồng chí Bí thư Huyện ủy vì lo lắng, vì sốt ruột... đã nói như hét: Các đồng chí phải “máu” lên!; và, một chủ trương được thống nhất: Phát động phong trào rộng rãi trong toàn huyện. Thái Thịnh, Thái Phúc, Thái Dương; rồi Thụy Phong, Thụy Chính, Thụy Ninh, Thụy Dũng, Thụy Văn... hừng hực khí thế huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, với những vụ mùa, tính nhanh cũng nhớ ra ngay khoảng 23 – 30 khoản đóng góp của dân. Sau đường, đến điện, vốn đầu tư lớn cần gấp nhiều lần làm đường giao thông; sức dân cạn, xã lực bất tòng tâm, không còn cách nào khác ngoài “kế sách” duy nhất: vay tiền ngân hàng.... Đúng lúc đó, quần chúng nhân dân các xã Quỳnh Xá, An Ninh, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hoa của huyện Quỳnh Phụ bức xúc vì các khoản thu, các khoản đóng góp lớn, tố cáo cán bộ xã, cán bộ thôn xóm tham nhũng tiêu cực, khiếu kiện đòi thanh tra kinh tế xã, hợp tác xã. Trước diễn biến ngày một phức tạp ở chính ngay tại địa phương đã từng đến học tập kinh nghiệm, Ban Thường vụ Huyện ủy Thái Thụy họp khẩn, bàn bạc và đi đến thống nhất tạm hoãn huy động sức dân; phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các xã, tổ chức họp nghe báo cáo, nắm tình hình, trực tiếp truyền đạt chủ trương và chỉ đạo tạm thời không thu các khoản đóng góp của dân. Vậy mà, ông Lợi cho biết, vẫn có một vài xã, điển hình như Thái Học, dù Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu hoãn, Bí thư xã đang trong “cơn hăng”, trong khí thế hào hứng, hừng hực tổ chức triển khai phong trào làm đường giao thông nông thôn vẫn chỉ đạo xã thu 28 khoản đóng góp của dân... Vài ngày sau đó, quần chúng nhân dân xã Thái Thịnh tập trung ở trụ sở xã, bắt nhốt Chủ tịch UBND xã; quần chúng nhân dân xã Thái Tân đốt nhà, bắt lợn của cán bộ xã; quần chúng nhân dân xã Thái Đô ban đêm ném gạch vào nhà Chủ tịch xã... Diễn biến ngày một phức tạp và lan ra diện rộng tới Thái Hưng, Thụy Sơn, Thụy Hưng...; có nơi như Thái Nguyên, Thụy Việt, Thụy Thanh... mâu thuẫn gay gắt, tình hình rất nghiêm trọng. Toàn huyện chỉ còn 4/48 xã không có khiếu kiện. Như vậy là cả những địa phương được học tập kinh nghiệm lẫn địa phương áp dụng kinh nghiệm đều đã xảy ra khiếu kiện. Không dừng ở đó,  một loạt xã của các huyện còn lại: Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Thư cũng xảy ra khiếu kiện. Chỉ trong một đêm 26/6/1997, 24 nhà ở của cán bộ cơ sở xã An Ninh (Quỳnh Phụ), các xã Thái Tân, Thái Thịnh, Mỹ Lộc (Thái Thụy), Vũ Đông (Kiến Xương) bị đốt, cướp phá tài sản. Tính riêng từ tháng 11/1997 đến tháng 6/1998, toàn tỉnh có 242/285 xã, phường, thị trấn có đơn thư khiếu nại tố cáo với 43.000 lượt người đi khiếu kiện ở các cấp....

Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, xét ở tính hai mặt của một vấn đề, quyết liệt chỉ đạo huy động sức dân đóng góp để hướng tới mục tiêu vì cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân là điều tốt; song việc chạy đua thành tích dẫn đến nôn nóng, nóng vội lại là điều không tốt. Chủ quan thiếu nhạy bén chính trị, quan liêu, xa dân, chỉ đơn thuần nhìn vào mặt bằng chung của đời sống xã hội mà không nhận ra sự chênh lệch giữa các vùng miền để phát động phong trào thi đua với mục tiêu cụ thể, phù hợp tùy tình hình, đặc điểm, tiềm lực thực tế từng địa phương, nên cứ thế diễn một thực trạng: tỉnh giao huyện, huyện giao xã, xã đốc dân. Và đến khi, việc tổ chức huy động nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng, nhiều khoản đóng góp khác nói chung lớn hơn mức thu nhập và đời sống nhân dân; việc nhiều xã vay mượn tiền của ngân hàng, của nhân dân, của các quỹ khác một cách tùy tiện, mất khả năng thanh toán với số lượng lớn... thì những hệ lụy mới bắt đầu khởi phát với những hiện tượng, những sự việc, sự thật đau lòng. Ông Vũ Văn Lợi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, sau này tham gia nguyên Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh cho rằng, ngoài việc huy động nhân dân đóng góp quá sức, bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, độc đoán chuyên quyền, xa rời dân, mất dân chủ nghiêm trọng, có hai nguyên nhân căn bản dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Thứ nhất là trình độ quản lý của cán bộ không theo kịp thời cuộc, nhất là trình độ quản lý về kinh tế - tài chính, về xây dựng cơ bản yếu kém. Có một thực tế nực cười là rất nhiều cán bộ không nhận thức được ý nghĩa của các chứng từ kế toán nên không có ý thức lưu giữ, khi cần thì tìm quanh cót thóc, mái nhà... là ra; không biết đọc bản vẽ thiết kế nên mù mờ trong giám sát thi công các công trình; thậm chí một số cán bộ vi phạm khuyết điểm, nhận tiền “bôi trơn” của bên B từ đó buông lỏng quản lý, chất lượng công trình xuống cấp gây lãng phí tiền của, tổn thất kinh tế... Nguyên nhân căn bản thứ hai là mâu thuẫn nội bộ giữa cán bộ và quần chúng nhân dân ở một số nơi ban đầu âm thầm nhưng càng về sau càng sâu sắc. Lúc này, sự nhạy cảm chính trị ở mỗi người cán bộ sẽ khơi dậy tố chất “gần dân, sát dân, vì dân” hơn, để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, từng bước đồng hành cùng họ, giúp họ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Nhưng ngược lại, chính quyền ở nhiều cơ sở đã lạm dụng việc phạt hành chính một cách tùy tiện, trái quy định, quá sức chịu đựng của dân, gây bất bình trong nhân dân. Và, cái “tình người” đơn thuần nhất của nghĩa tình hàng xóm láng giềng đã bị hất tung bởi hành động của cán bộ ngang nhiên thu xe đạp, cánh cửa, phản thịt... khi nộp thuế chậm; ngay lập tức “phạt nóng” khi dám chăn vịt thả đồng phá lúa; sẵn sàng đổ nước vào lò gạch đang đốt để làm vụ đông... Vô hình chung bao nhiêu uất ức trước những hành xử cứng nhắc, “tức mắt”, trước thái độ hống hách, kiêu căng, trước yêu cầu vượt quá nhận thức của dân bị dồn nén lại, đến một ngày, khi có vệt dầu loang ở xã khác, huyện khác sẽ lập tức “tức nước vỡ bờ”...

  Thực tế với những con số: 100% số xã có đường đá láng nhựa, có điện thoại; gần 98% số hộ có điện thắp sáng; kết quả: hầu hết trường học, trạm xã được xây dựng kiên cố... Thái Bình xứng đáng được nhận “tấm huy chương vàng” mà toàn quốc dành tặng trong phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Những điều Thái Bình lúc đó làm được, rất nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng mãi đến sau này khi điều kiện kinh tế - xã hội đã khá hơn rất nhiều so với trước cũng chưa làm được, hoặc làm được mà vẫn chưa theo kịp. Nhưng, mặt trái của tấm huy chương ấy là chỉ trong vòng một năm  - năm 1997 - 164 xã, phường, thị trấn phải tiến hành thanh tra, kiểm tra; phát hiện qua thanh tra 32,37 tỷ đồng tổng số sai phạm các loại về kinh tế, trong đó thóc thu quá, thu sai và chưa miễn giảm hết cho dân 18.756 tấn, cán bộ chi sai và tham ô 6.450,2 triệu đồng và 1.251,9 tấn thóc; 610 vụ án với 1.015 bị can phải khởi tố, 505 vụ với 732 bị cáo phải đưa ra xét xử; 33 tập thể cấp ủy đảng bị khiển trách và cảnh cáo, 1.040 cán bộ bị xử lý và đình chỉ công tác... Mặt trái của tấm huy chương ấy không chỉ là hệ lụy mà còn là bài toán khó giải quyết hệ lụy đòi hỏi cấp bách nhanh – đúng - trúng với việc phải huy động cả một Tổ công tác đặc biệt của Bộ Chính trị với sự vào cuộc trực tiếp chỉ đạo của các đồng chí Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng thanh tra Nhà nước, Tổng cục Địa chính, Tổng cục Cảnh sát...; việc phải tập trung cả một tập thể Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đoàn kết đầu tư trí tuệ, sức lực trong rất nhiều kỳ họp để “xúc tiến” ban hành một nghị quyết trên cơ sở tiếp thu nhiều văn bản của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhiều đề án trên các lĩnh vực công tác, nhiều lượt ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí... Đau xót hơn, mặt trái của tấm huy chương ấy là sự hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ cả cấp tỉnh, huyện và cơ sở; là kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển bị chững lại, nhiều mặt giảm sút; vai trò, tín nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền không còn đủ để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc muôn người như một...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay40,246
  • Tháng hiện tại1,086,897
  • Tổng lượt truy cập92,260,626
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây