Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, người dân về nông thôn mới. Từ đó, có một cách nhìn khách quan, thiết thực mang hơi thở cuộc sống về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2018, ông Nguyễn Ngọc Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng, đến nay, đã có 3.542/8.023 xã đạt chuẩn nông thôn mới. So với mục tiêu của cả nước đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì cần 920 xã nữa đạt chuẩn. Tuy nhiên nếu tính theo vùng thì khó hoàn thành mục tiêu bởi các xã tại các khu vực khó khăn chưa hoàn thành được các tiêu chí để đạt chuẩn.
Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh nhưng còn nhiều tỉnh khó đạt được mục tiêu phấn đấu. Bên cạnh đó, số tiêu chí bình quân/xã tiệm cận mục tiêu đề ra, cho thấy các xã đều có bước tiến đang kể. Số xã dưới 5 tiêu chí giảm mạnh; các xã dưới 5 tiêu chí còn lại tập trung ở một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí đạt thấp như: môi trường, giao thông, trường học, hộ nghèo, thu nhập...
Ông Luân cũng đưa ra một số hoạt động trọng tâm từ nay đến năm 2020 gồm: đẩy mạnh tiến độ hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các khu vực khó khăn; Triển khai đề án thôn, bản ở các xã dưới 10 tiêu chí, tập trung chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành mục tiêu "không còn dưới 5 tiêu chí".
Bên cạnh đó, thúc đẩy triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm kết hợp với thực hiện hiệu quả Đề án 15.000 Hợp tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hoá nguồn vốn; nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh trật tự được giữ vững.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến thời điểm này, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 64 xã (0,72%) so với cuối tháng 8/2018; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; còn 88 xã dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, mục tiêu năm 2018 cả nước có khoảng 39% số xã (khoảng 3.500 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, so với kết quả đã đạt được thì Chương trình xây dựng nông thôn mới đã "về đích" trước 3 tháng.
Tác giả bài viết: Thành Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;