Thế nhưng, với quy định hiện hành thì việc đóng mới, nâng cấp tàu công suất nhỏ không được hưởng nguồn vốn ưu đãi. Điều này đang khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhất là ở các xã vùng biển ngang.
Việc đóng tàu công suất vừa và nhỏ là phù hợp với thực tế của không ít ngư dân |
Việc phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ là cần thiết nhưng với điều kiện thực tiễn của một số địa phương thì chưa thực sự phù hợp. Hiện nay, ở Hà Tĩnh, hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đảm bảo, luồng lạch bị bồi lắng nên việc đóng mới, cải hoán nhiều tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn sẽ gặp bất lợi trong việc ra vào, neo đậu, cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, đưa sản phẩm đánh bắt được lên bờ... Trong khi đó, các loại tàu thuyền công suất nhỏ luôn cơ động, có thể ra vào dễ dàng hơn. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ đánh bắt xa bờ mà việc khai thác vùng lộng, vùng biển gần bờ cũng mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân.
Có một thực tế là, đại đa số ngư dân ở Hà Tĩnh nói chung và các vùng biển ngang nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, tài sản có thể thế chấp để vay vốn không nhiều, ngại rủi ro khi đầu tư làm ăn lớn. Mặt khác, đa số lao động biển hiện nay quá già hoặc quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt xa bờ và tay nghề, trình độ điều khiển, sử dụng các loại phương tiện hiện đại còn hạn chế nên chưa thực sự mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn... Vì vậy, việc đóng các tàu công suất vừa và nhỏ để mưu sinh là phù hợp với điều kiện thực tế của họ.
Thiết nghĩ, chủ trương đầu tư đánh bắt xa bờ cần được thực hiện song song với việc khai thác tốt nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển gần bờ. Nên chăng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để ngư dân được tiếp cận với các nguồn tín dụng trong đóng mới tàu thuyền công suất vừa và nhỏ, nhất là đối với ngư dân các vùng biển ngang.
Tiến Phúc
http://baohatinh.vn/