Rừng xác xơ vì cháy
Chỉ cách đây mấy ngày, hàng chục ha rừng, đất lâm nghiệp của BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố và các hộ dân ở dốc Miếu Thờ (Sơn Thủy), núi Cục Xôi (khu vực xã Sơn Bình, Sơn Trà giáp Vũ Quang) và Sơn Lễ đã bị thiêu rụi, trong đó, có nhiều diện tích bị thiệt hại rất nặng. Hương Sơn liên tiếp xẩy ra cháy rừng. Cách hàng km đã thấy các cột khói bốc cao ngút trời, gió thổi thành từng vệt như những đám mây đen kéo dài. Càng đến gần, những cánh rừng đầy “thương tích”, cháy loang lổ càng hiện rõ hơn.
Không khí tham gia chữa cháy dường như nóng lên khắp các cơ quan, địa phương, đơn vị và đến tận mỗi người dân. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán chuyện cháy rừng, đến công sở nào cũng thấy có giày vải, mũ cứng, khẩu trang, dao rựa để sẵn sàng tham gia chữa cháy. Để khống chế đám cháy, hầu như tất cả các lực lượng trên địa bàn đều được huy động, từ kiểm lâm, công an, quân sự đến cán bộ văn phòng, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên… đều dốc sức tham gia PCCCR. Ngoài ra, lực lượng PCCCR của tỉnh và các địa bàn lân cận cũng được điều động hỗ trợ để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Nhiều diện tích rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố và các hộ nhận giao khoán đã bị thiêu rụi trong 2 ngày 10 - 11/6 vừa qua. |
Không chỉ Hương Sơn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng cháy rừng diễn ra khá nhiều. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, tính đến ngày 9/6, trên địa bàn đã xẩy ra 3 vụ cháy rừng, 37 điểm phát lửa, gây thiệt hại 62,3 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có 29,3 ha đất có rừng, số bị thiệt hại nặng 6,4 ha.
Qua thống kê cho thấy, các địa phương, chủ rừng đã để xẩy ra nhiều điểm phát lửa, nhiều vụ cháy nhất là huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (14 vụ), Hương Sơn (12 vụ), BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố (7 vụ), BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh (3 vụ)… Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chính xác do một số địa phương, chủ rừng còn cố tình giấu hoặc cập nhật chưa kịp thời. Hiện nay, chỉ mới ở giai đoạn “khởi động” của một mùa khô đầy khắc nghiệt nên số vụ cháy, diện tích bị ảnh hưởng đang có xu hướng tăng lên.
Gian nan công tác PCCCR
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, 2015 là năm nóng nhất trong vòng 40 năm qua, nền nhiệt độ từ 39-42oC sẽ kéo dài trong nhiều ngày và trên diện rộng nên dự báo cháy rừng sẽ thường xuyên ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Điều này đang khiến nhiều diện tích rừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là đối với những nơi có diện tích lớn rừng dễ cháy như thông và keo thuần loài, thực bì dày. Do đó, nhiệm vụ PCCCR càng gian nan, thử thách.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Hồng Lĩnh - Trần Tiến Hưng cho biết: “TX Hồng Lĩnh chỉ có 1.800 ha rừng nhưng chủ yếu là thông thuần chủng, lại gần khu dân cư, các mỏ đá, chùa chiền nên nguy cơ xẩy ra cháy rất cao. Đặc biệt, khi nắng nóng kéo dài, lớp thực bì dày, khô nên có thể ví như một kho xăng khổng lồ. Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, xây dựng kế hoạch PCCCR cụ thể và khoa học, tiến hành ký cam kết bảo vệ - PCCCR, huy động nhiều lực lượng xử lý thực bì, đầu tư mua sắm trang thiết bị… nhưng trước đặc điểm của rừng và diễn biến thời tiết như hiện nay nên vẫn rất lo”.
Rừng thông có độ tuổi 25 năm ở xã Sơn Lễ bị cháy vào chiều 7/6. |
Cũng như nhiều năm trước, mùa nắng năm nay, các cấp, ngành và chủ rừng trên địa bàn đã có sự chuẩn bị cần thiết và thể hiện quyết tâm cao, tập trung vào cuộc quyết liệt cho công tác PCCCR. Tuy nhiên, qua các vụ cháy, điểm phát lửa vừa qua lại cho thấy sự chuẩn bị đó chưa thực sự chu đáo, các kế hoạch xây dựng có vấn đề, các biện pháp PCCCR được triển khai chưa đem đến hiệu quả như mong đợi.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh - Nguyễn Huy Lợi đánh giá: Qua các vụ cháy cho thấy, ý thức của nhiều người dân trong PCCCR chưa cao, hầu hết các điểm phát lửa, các vụ cháy rừng là do một bộ phận nhân dân chưa chấp hành nghiêm quy định về PCCCR, còn xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm nắng nóng; cá biệt, có nhiều hộ đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Tình trạng người dân vào rừng đốt ong, xử lý thực bì bằng lửa vẫn còn xẩy ra ở nhiều nơi nhưng việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa nghiêm.
Ngoài ra, các phương án, kế hoạch PCCCR của xã, chủ rừng mặc dù đã được BCĐ huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện, nhưng một số đơn vị, nhất là cấp xã chưa sát với tình hình thực tế. Do đó, khi xẩy ra cháy, việc huy động lực lượng tại các tổ, đội xung kích và người dân khó khăn, chỉ huy chữa cháy của BCĐ huyện và xã còn lúng túng; sơ đồ khu vực chữa cháy không có hoặc nếu có cũng không đạt yêu cầu và thiếu phân công cụ thể nhiệm vụ cho các bộ phận phụ trách...
ĐVTN huyện Hương Sơn tham gia phát thực bì, làm đường băng cản lửa tại khu vực rừng thông ở xã Sơn Thủy |
Trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, diễn biến phức tạp, nhiều chủ rừng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh - Nguyễn Phi Quỳnh phản ánh: “Đơn vị chúng tôi được giao quản lý trên 10.000 ha rừng, trải dài trên địa bàn 4 huyện Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân và TX Hồng Lĩnh nhưng chỉ có 15 cán bộ, trong đó, một nửa phải làm nhiệm vụ văn phòng; số còn lại được bố trí ở 5 trạm nên có những trạm chỉ được 1 người và có những người phải quản lý đến vài ngàn ha rừng. Lực lượng mỏng, rừng dễ cháy nên cán bộ phải suốt ngày ngồi trên chòi canh lửa, có khi đến 12 giờ đêm. Áp lực công việc rất lớn, có khi phải làm việc gấp 2-3 lần”.
Khó khăn của các chủ rừng chưa dừng lại ở đó, bởi theo ông Quỳnh: “Để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR thì hàng năm cần có khoảng 2-2,6 tỷ đồng mới đủ nhưng nguồn kinh phí sự nghiệp chỉ bố trí được 300 triệu đồng, số còn lại đơn vị phải tự xử lý trong khi nguồn thu từ rừng lại không đáng kể nên rất khó khăn. Kinh phí hạn hẹp nên hàng năm, chỉ trang bị cho anh em các loại dụng cụ chữa cháy thô sơ như dao rạ, giày, mũ chứ chưa mua được máy thổi gió dù rất cần thiết và phát huy tốt hiệu quả. Chúng tôi phải mượn máy thổi gió của 4 hạt kiểm lâm và khi hết mùa nắng phải trả”.
Với những gì đang xẩy ra, có thể khẳng định rằng, rừng đang tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng, cháy rừng có thể xẩy ra bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào. Để giữ màu xanh cho những cánh rừng, ngoài sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành và chủ rừng thì cần sự chung tay của toàn xã hội, ý thức chấp hành và tinh thần trách nhiệm của người dân.
Tiến Dũng-Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;